Con trai công tử Bạc Liêu: Chào thua quan chơi cờ tiền tỷ!

01/01/2012 06:00
Khánh Trung/phunutoday
“Cha tôi thời ấy cũng chỉ chơi một canh bạc 30.000 đồng mà thôi (tương đương 1,8 tỷ đồng tính theo giá lúa bây giờ), giờ chắc cha tôi cũng xin chào thua!” 
Những ngày gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao và rất bất bình về việc hai quan của tỉnh Sóc Trăng là ông Trần Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe hạng 3 tỉnh Sóc Trăng và ông Nguyễn Thanh Lèo (Sáu Lèo), Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tài tỉnh Sóc Trăng chơi cờ ăn tiền với con số lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trước khi cả hai bị công an bắt giữ, ông Lèo đã đến “cầu cứu” công an tỉnh này vì bị ông Tân cho xã hội đen đến nhà riêng của mình tại số 77A Quốc lộ 1A, phường 7, TP Sóc Trăng để xiết khoản nợ lên đến 22 tỷ đồng.
Quán Thy Tài, nơi hai vị quan trong Ngành giao thông tỉnh Sóc Trăng lui tới chơi cờ bạc tỷ
Quán Thy Tài, nơi hai vị quan trong Ngành giao thông tỉnh Sóc Trăng lui tới chơi cờ bạc tỷ
Trình bày với cơ quan chức năng, ông Lèo có thiếu ông Tân số tiền thua cờ tướng lên đến 22 tỷ đồng sau nhiều lần sát phạt lẫn nhau bằng cờ tướng (mỗi trận 5 tỷ đồng). Dù cố gắng hết mức, nhưng ông chỉ trả được cho ông Tân 5 tỷ đồng, số còn lại ông hết khả năng chi trả thì liền bị ông Tân cho giang hồ đến đòi “xóa sổ” cả nhà nếu không trả nợ.
Việc hai vị “quan” này đánh bạc lên tới nhiều tỷ đồng khiến cho ngay cả ông Trần Đình Đức, con trai của Công tử Bạc Liêu (người nổi tiếng chơi ngông một thời) cũng phải lên tiếng: “Cha tôi thời ấy cũng chỉ chơi một canh bạc 30.000 đồng mà thôi (tương đương 1,8 tỷ đồng tính theo giá lúa bây giờ). Chơi đến chừng ấy, chắc cha tôi cũng xin chào thua!”
Theo tính toán của nhiều người, với mức lương của Phó Giám đốc Sở, tối đa khoảng 10 triệu đồng/tháng thì phải làm Phó giám đốc Sở trong vòng 42 năm (từ 18 tuổi đến khi đủ 60 tuổi, chỉ làm việc, nhịn ăn uống, sắm sửa…) mới có thể đủ tiền đánh 1 ván cờ 5 tỷ đồng. Một ván cờ kéo dài trung bình khoảng 30 phút là đã hết số tiền một đời làm quan.
Và ĐBQH Dương Trung Quốc đã đặt ngay câu hỏi rằng: “Liệu với đồng lương công chức vẫn được coi là ít ỏi thì hai "ông quan" này lấy tiền đâu ra để mà chơi “khủng” đến vậy”?
Chưa hết bàng hoàng về sự chơi ngông của hai quan tỉnh Sóc Trăng, dư luận một lần nữa được phen phát hoảng về những trò tiêu khiển vung tiền như nước của hai vị này: Chạy xe hạng sang để đi nhậu. Trong lúc thưởng thức cảnh thần tiên của sự giàu sang, phát hiện 2 con vích của quán đang bơi dưới hồ một quán, không chần chừ  quan đã hỏi mua với giá 40 triệu đồng về làm cảnh. Nuôi vài ngày thấy không ưng ý, tay đại gia này mang ra biển “phóng sinh” để tích đức...
Những trò chơi ngông của hai quan lồ lộ là thế, vậy mà chỉ đến khi hai ông "lật kèo" nhau, mang nhau ra kiện cáo thì cơ quan chức năng mới "ngã ngửa", mới phát hiện thêm một ông quan nữa của một ngành ở địa phương cùng chung vui trong những cuộc đỏ đen này.
Liệu rằng có phải đây chỉ là 2 "cá biệt hay mới chỉ là mấy vị "bị lộ" lại thuộc loại "không khảo mà xưng", nhưng chắc chắn đó chỉ là những phần nổi của tảng băng ngầm như ĐBQH Dương Trung Quốc đã từng nói. Và dư luận cũng một lần nữa cũng đặt câu hỏi rằng: Phải chăng những đồng tiền mà các ông bỏ túi ra chơi đấy là "tiền chùa" nên mới có thể dễ dàng phung phí đến mức "ngút trời" như vậy?
Nguyễn Trung Hiếu và bài văn gây xúc động với dư luận
Nguyễn Trung Hiếu và bài văn gây xúc động với dư luận

Có lẽ sự thấu hiểu về giá trị đồng tiền với 2 quan kia là một điều xa xỉ?

Hẳn không ít người đã rơi nước mắt khi đọc bài văn viết về tiền của cậu học trò nghèo trường Amsterdam. Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu (trường THPT Amsterdam, Hà Nội) khiến nhiều người rơi nước mắt vì thương em, thương sự "ghét tiền" của em. Và hơn hết là xúc động trước tấm lòng của em dành cho mẹ mình. Những suy nghĩ sâu xa, chín chắn của một đứa con ngoan sống trong một gia cảnh nghèo khó.

"Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận.

Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe bus. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”".

Hiếu "ghét tiền" nhưng cũng lại biết quý trọng đồng tiền. Cậu không khinh nó mà biết chắt chiu từng đồng bạc lẻ và sử dụng chúng vào mục đích cao đẹp. Và em tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình, nhà em vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

"...con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.
Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa".
Vậy đấy, có ai trong trong chúng ta có thể ngờ rằng: một chầu nhậu lãng nhách, một ván cờ chơi "ngông" như hai ông quan nọ sẽ cứu được biết bao mảnh đời cơ cực...
Khánh Trung/phunutoday