Bất ngờ với lý giải: Tàu Vinalines Queen không phát cấp cứu

07/01/2012 07:20
Nguyễn Trường Sơn/VNE
Độc giả Trường Sơn là kỹ sư vô tuyến điện hàng hải, đài trưởng tàu biển quốc tế 6 năm, đã thử lý giải nguyên nhân vì sao Tàu Vinalines Queen không phát cấp cứu.

Trường hợp Vinalines Queen không thấy tín hiệu cấp cứu của phao EPIRB có thể có những nguyên nhân: không có phao EPIRB ở trên tàu hoặc có phao nhưng không hoạt động được do một số nguyên nhân.

Qua thông tin trên báo về trường hợp không phát cấp cứu của tàu Vinalines Queen, có thể rơi vào các trường hợp sau:

- Tàu được trang bị theo GMDSS nên có đủ thiết bị phát cấp cứu ở tất cả các dải tần ở cả 4 vùng nghiệp vụ ( A1, A2, A3, A4)

- Khi tàu gặp nguy hiểm nhưng chưa đến mức phải rời tàu thì có thể phát tín hiệu khẩn cấp XXX để các đài thông tin duyên hải và các tàu ở gần trực canh theo dõi và và vào cuộc ngay sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu.

- Khi quyết định rời tàu, thuyền trưởng phải yêu cầu sĩ quan thông tin bật tất cả các thiết bị cấp cứu tự động trên các dải tần số ( VHF-DSC, MF-HF , INMARSAT-C/F ), đồng thời mang theo thiết bị phản xạ radar (sart) và phao vô tuyến điện chỉ báo vị trí khẩn cấp ( EPIRB )

Tàu Vinalines Queen đã bị chìm rất nhanh.
Tàu Vinalines Queen đã bị chìm rất nhanh.

- Trường hợp tàu chìm quá nhanh, thuyền viên không thể chủ động xuống xuồng cứu sinh thì phao EPIRB ở hai bên cánh gà sẽ tự nổi và nước biển đóng mạch để chúng tự phát cấp cứu lên vệ tinh ( COSPAS-SARSAT)

Trường hợp Vinalines Queen không thấy tín hiệu cấp cứu của phao EPIRB có thể có những nguyên nhân sau đây:

1. Không có phao EPIRB ở trên tàu: phao đã bị lấy mất khi làm hàng ở cảng Indonexia

2. Có phao EPIRB trên tàu nhưng không hoạt động được do một số nguyên nhân:

2.1.Phao EPIRB hỏng, không hoạt động được.

2.2. Phao EPIRB đặt sai vị trí nên không tự nổi nên được để phát cấp cứu (có thể thuyền viên lo bị lấy cắp nên đã cất đi vào cabin khi làm hàng ở cảng)

2.3. Phao EPIRB đặt đúng vị trí trên hai bên cánh gà nhưng tàu lật úp quá nhanh kéo theo hai phao chìm nhanh xuống biển.

2.4. Phao không hỏng, đặt đúng vị trí, tự nổi khi tàu chìm nhưng bật sai vị trí công tắc ở chế độ test nên không phát được tín hiệu vệ tinh (có thể khi kiểm định nhân viên kỹ thuật kiểm tra ở chế độ test rồi quên trả lại vị trí On/STBY. Có thể khi mang phao vào cabin rồi mang trả lại vị trí cũ, thuyền viên vô tình đẩy công tắc về vị trí test).

2.5. Phao EPIRB có phát tín hiệu bình thường nhưng vệ tinh COSPAS-SART không thu được tín hiệu (VÔ CÙNG HIẾM).

Trường hợp cụ thể của Vinalines Queen có thể thấy một số vấn đề sau khi tổ chức thông tin cấp cứu như sau:

- Thuyền trưởng có toàn quyền quyết định điều khiển con tàu, mọi thông tin từ bờ chỉ huy chỉ là tham khảo. Khi nhận thấy không thể cứu được tàu thì thuyền trưởng phải hành động quyết đoán để cứu tính mạng thuyền viên. Ở đây tàu Vinalines Queen có 70 phút ( 05H48-06H58 ) để tác nghiệp một số thao tác thông tin để phục vụ cứu nạn, phát ngay thông báo khẩn cấp XXX khi tàu gặp nguy hiểm để các đài thông tin duyên hải và các tàu lân cận trực canh.

- Khi quyết định rời tàu thì phải cho bật các thiết bị cấp cứu trên buồng lái (VHF-DSC; MF-HF; INMARSAT-C/F) và bật công tắc cưỡng bức hoạt động phao EPIRB và mang theo bên mình sẵn sàng xuống thuyền cứu sinh.

- Tàu mất liên lạc từ lúc 7h (trong tình trạng gặp nguy hiểm trước đó phải chuyển hướng hành trình vào bờ) đến 14h30 các MRCC và các đài thông tin duyên hải mới vào cuộc là quá chậm.

* Tác giả Trường Sơn là kỹ sư vô tuyến điện hàng hải, đài trưởng tàu biển quốc tế 6 năm, tác giả đồ án hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam theo chuẩn GMDSS.

Nguyễn Trường Sơn/VNE