CHUYÊN GIA TRUNG QUỐC:

Hà Lượng Lượng: Trung Quốc không loại trừ dùng vũ lực ở Biển Đông

15/01/2012 10:40
Việt Dũng (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Trung Quốc cần kết hợp cả sức mạnh mềm và sức mạnh cứng, trong đó có vũ lực để giải quyết vấn đề biển Đông – Theo chuyên gia Hà Lượng Lượng.

Tờ “International Herald Tribune” đăng bài viết của chuyên gia Hà Lượng Lượng cho rằng, vấn đề biển Đông không phải là vấn đề của hôm nay, mà tranh chấp đã nhiều năm. Sở dĩ năm 2011, vấn đề biển Đông đặc biệt gây sự chú ý của dư luận chủ yếu là do sự can dự của Mỹ.

Trước đây, Mỹ không coi biển Đông là “con bài” ngăn chặn Trung Quốc, nhưng năm 2011 người Mỹ rõ ràng đã làm như vậy. Điều này đương nhiên phản ánh một phần Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Biển Đông ngày càng tấp nập tàu chiến các nước
Biển Đông ngày càng tấp nập tàu chiến các nước

Bài viết trắng trợn nói rằng: "trong vấn đề biển Đông, Việt Nam, Philippinese đã “chiếm đóng” một phần các hòn đảo ở biển Đông, “phối hợp” với Mỹ. Mỹ “lợi dụng” họ làm “quân cờ chống Trung Quốc”, họ cũng sẵn sàng “tận dụng sức mạnh của Mỹ đối phó với Trung Quốc, làm cho vấn đề biển Đông trở nên phức tạp hóa.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2011, Mỹ tham gia hội nghị với tư cách là một nước ngoài Đông Á, hơn nữa còn mang tính áp đảo. Một mặt, Mỹ đã đề xuất phương án còn chưa hoàn thiện TPP (Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương), mặt khác, họ gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Sách lược của họ hoàn toàn không ủng hộ rõ ràng một bên nào, mà yêu cầu duy trì quyền tự do đi lại ở biển Đông".

Báo Trung Quốc cho rằng, quyền tự do đi lại ở biển Đông từ trước đến nay “không có vấn đề gì”, Trung Quốc “chưa từng hạn chế nước khác tự do đi lại cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn”. Cho nên, Mỹ tạo cớ để can thiệp tranh chấp biển Đông, đây là sự phát triển tình hình đáng chú ý nhất năm 2011.

Giàn khoan "Dầu khí Hải dương 981" khổng lồ của Trung Quốc
Giàn khoan "Dầu khí Hải dương 981" khổng lồ của Trung Quốc

Trong bối cảnh “Mỹ can dự”, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang tăng cường trao đổi quân sự với các nước Đông Nam Á và “có ý đồ tranh giành tài nguyên dầu khí ở biển Đông”. “Nếu Mỹ không can thiệp vấn đề biển Đông, Ấn Độ chắc chắn sẽ không tùy tiện can thiệp, hành vi này có tính chất “dậu đổ bìm leo”: Một mặt, chuyển sức ép trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn, mặt khác thông qua vấn đề biển Đông ngăn chặn Trung Quốc, làm suy yếu Trung Quốc, hy vọng xây dựng siêu cường trong thế kỷ 21”.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc cần “lễ nghĩa trước, vũ lực sau”, vừa cần nói “vương đạo” vừa cần nói “bá đạo”, tức là “nói lý không xong thì dùng binh”. “Vương đạo” chính là sức mạnh mềm, “bá đạo” không chỉ là tấn công vũ lực, mà là chỉ sức mạnh cứng.

Bài viết tiếp tục luận điệu: "cần kết hợp sức mạnh mềm với sức mạnh cứng, chỉ sử dụng “vương đạo” sẽ không xong. “Không thể để các nước liên quan cảm thấy, đã chiếm được các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông sẽ không có hậu quả gì. Cho nên, phải tiến hành đồng thời và thay thế lẫn nhau giữa “vương đạo” và “bá đạo” để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông”.

Bài viết tiếp tục với luận điệu: "người dân Trung Quốc tin vào lời nói của chính quyền, “các hòn đảo ở biển Đông từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc”, nhưng các nước khác lại đang “kiểm soát thực tế” những hòn đảo này. Vì vậy, tác giả bài viết kiến nghị, Trung Quốc cần tăng cường nghiên cứu luật pháp quốc tế liên quan đến tranh chấp biển Đông, trong khi Trung Quốc có “chứng cứ thuyết phục”, chỉ có bên ngoài “không hiểu” hoặc “giả vờ không hiểu".

Tác giả bài viết còn đề nghị Trung Quốc cần thông qua các phương tiện truyền thông tạo thế tấn công tương ứng, do hiện nay chưa đủ, tức là cường độ của “vương đạo” và “bá đạo” chưa đủ.

Tác giả cho rằng, cần để các nước láng giềng biết rằng Trung Quốc “kiên trì chung sống hòa bình” với họ, nhưng cũng “kiên trì bảo vệ lợi ích của mình”.
Việt Dũng (Theo báo Quang Minh)