Câu chuyện về những đứa trẻ “không có tuổi”

13/01/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Không có bố mẹ người thân, không có quê hương để về - ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 2 Ba Vì gọi chúng là “những đứa trẻ không có tuổi”.

50/70 trẻ ở đây không có gia đình, chẳng biết quê hương

Chúng tôi đến với Trung tâm Bảo trợ Xã hội 2, huyện Yên Bài, Ba Vì trong buổi chiều rét mướt cuối năm. Vừa bước vào khu nhà ở của bọn trẻ, thấy chúng đã nhao nhao, tươi cười, quấn quýt, không chút ngại ngùng, e thẹn khi thấy người lạ đến thăm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc trung tâm Bảo trợ XH 2) thì hiện nay trung tâm đang chữa trị, nuôi dưỡng 69 trẻ bị nhiễm HIV trong đó có 42 em trong độ tuổi tiểu học và 9 bé sơ sinh. 100 % các em ở đây nhiễm HIV bị bố mẹ bỏ rơi hoặc gia đình không còn khả năng chăm sóc nên gửi con vào đây. Có người mang đến để ở cổng, hoặc được trung tâm nhặt ở nhiều nơi mang về.  Và chỉ có 20/70 em là biết bố mẹ, quê hương mình ở đâu.

“Những trứa trẻ không tuổi này đáng thương gấp trăm lần so với những người lớn mắc căn bệnh HIV. Chúng không có tuổi thơ đúng nghĩa. Từ khi sinh ra đã phải tiêm, uống thuốc để giành giật lấy sự sống từng ngày, từng phút. Uống thuốc như ăn cơm, ăn kẹo… vừa chữa bệnh, vừa cắp sách tới trường”, bà Phương xúc động chia sẻ.

Bà Phương kể cho chúng tôi trường hợp một bé sơ sinh vừa vào trung tâm, được một thợ mộc nhặt được vào buổi đêm ở nghĩa trang huyện Ứng Hòa. Lúc nhặt được, đứa bé mới chỉ sinh được 1 -2 ngày trước, người bé tím tái hết lại, may được cấp cứu kịp thời ở Trung tâm Y tế quận Hà Đông rồi gửi về trung tâm xã hội 2 nuôi dưỡng.

Xót xa cho những hoàn cảnh đáng thương, chia sẻ về động lực tìm kiếm các em, bà Phương nói: “Xuất phát từ tình yêu thương đối với trẻ, của người mẹ đối với người con. Cũng vì cái tâm, khi nhận một đứa trẻ tôi mừng lắm, vì đã cứu sống được một con người”. Được biết, từ ngày 1/8, mỗi trẻ được hỗ trợ 910 nghìn trong đó là 825 nghìn tiền ăn, còn lại là tiền thuốc men chữa bệnh cho các em.

Những đứa trẻ không tuổi này bị bỏ bố mẹ bỏ rơi từ khi mới chào đời và những người nuôi dưỡng này đã trở thành "mẹ" trong tiềm thức của chúng
Những đứa trẻ không tuổi này bị bỏ bố mẹ bỏ rơi từ khi mới chào đời và những người nuôi dưỡng này đã trở thành "mẹ" trong tiềm thức của chúng

Từ năm 2006, có thuốc điều trị ARV để kiềm chế vi rút, tăng khả năng miễn dịch cho trẻ. “Ở đây bọn trẻ nói với nhau rằng hàng ngày được uống “thuốc tiên” 2 lần và phải rất đúng giờ, đúng liều không chỉ cần quên liều lệch giờ là kháng thuốc ngay”, “mẹ” khu nhà Bí ngô chia sẻ.

Khi hỏi về bố mẹ các em đâu, quê em ở đâu, tôi chỉ nhận được ánh mắt ngây thơ, vô hồn từ các em. Bước vào căn nhà Bí ngô, tôi ấn tượng với em Nguyễn Thanh Nam (9 tuổi) ở Hải Dương được bố mẹ gửi vào đây được hơn 3 năm, hiện em đang học lớp 3C trường tiểu học Yên Bai B, Ba Vì. Mặc dù là “anh lớn” ở đây, nhưng Nam khá trầm tính, ít nói chỉ lầm lì trả lời tôi vài câu hỏi. Nam vừa chỉ cho tôi góc dán bằng khen học sinh giỏi năm lớp 2, vừa khoe rằng em là một trong 11 học sinh ở đây có thành tích học tập xuất sắc.

“Bao giờ con về ăn Tết?” – Nam lắc đầu nhẹ, tắt nụ cười, rồi nói nhỏ: “Con cũng không biết bố mẹ không đến đón con không nữa. Đã hơn 1 năm nay, con không được về nhà thăm em gái con đang học lớp 1 ở quê”.

Muốn được gần gũi, “thèm khát” yêu thương

Bà Nguyễn Thị Phương đã gắn bó với các em suốt 12 năm nay cho biết rằng theo quy định thì Trung tâm chỉ nhận nuôi trẻ trên địa bàn Hà Nội, nhưng trên thực tế nhận cả các bé ở các tỉnh lân cận, ở các địa phương không có khả năng chăm sóc y tế. Và bé xa nhất ở tận Nghệ An.

Coi gần 70 trẻ ở đây như con như cháu ruột thịt trong nhà, bà Phương chia sẻ: “Trẻ ở đây khá đặc biệt, rất thích gần gũi, tình cảm, thấy người lạ là đòi ôm, cõng…Tuy nhiên cũng hơi nhút nhát, nhiều đứa còn tự ti vì không có bố, có mẹ. Trẻ ở đây đều gọi tôi là bà nội, gọi người chăm sóc là mẹ và trẻ coi nhau như một gia đình”.

Không chỉ riêng Nam mà gần 70 đứa trẻ ở đây chỉ ước muốn được trở về nhà, thèm có được sự yêu thương của người mẹ.Giá như chúng được biết mẹ chúng là ai, quê chúng ở đâu...
Không chỉ riêng Nam mà gần 70 đứa trẻ ở đây chỉ ước muốn được trở về nhà, thèm có được sự yêu thương của người mẹ.Giá như chúng được biết mẹ chúng là ai, quê chúng ở đâu...

Khi tôi hỏi về ước muốn của các em, đứa thì ước được gói bim bim, có đèn nhấp nháy, có con búp bê, gấu bông để ôm…hay những ước muốn trở thành siêu nhân khỏe mạnh, thành cảnh sát bắt kẻ trộm hay được có bố có mẹ như các bạn ở lớp.

Còn Nam muốn được trở về nhà, ước được thành bác sỹ để chữa bệnh cho các bạn như mình, cho mọi người khỏe mạnh. Tôi chợt nghĩ, liệu Tết năm nay liệu “những đứa trẻ không tuổi” ở trung tâm này có được ông bà, các bác, bố mẹ đón về nhà chơi Tết, có được những bộ quần áo mới không nữa…

Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên, thèm khát có gia đình ấy vẫn ám ảnh, xoáy sâu vào tâm trí của tôi suốt chuyến trở về Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Kim Ngân