Tranh chấp với AVG, VPF không có cửa thắng nếu kiện lên FIFA, CAS

14/01/2012 06:40
C.K
(GDVN) - Cuộc chiến dai dẳng giữa VPF và VFF vẫn tiếp tục diễn ra với những tình tiết mới, cho thấy VPF không chịu chấp nhận buông miếng bánh bản quyền.

Bản quyền truyền hình vốn là đề tài nóng hổi suốt thời gian qua, khi mà VFF cùng AVG cố bảo vệ thỏa thuận lâu bền của mình thì VPF với tiềm lực, tham vọng cùng đà hậu thuẫn của các ông bầu đang nỗ lực làm nên một cuộc lật kèo ngoạn mục, như vụ lật kèo lịch sử mà bầu Kiên đã làm trước bầu Hiển về Công Vinh. Sự tranh đua gay gắt giữa liên minh VFF-AVG và VPF đã lại xuất hiện tình tiết mới, khi Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vào cuộc với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Vậy để thấy, ai cũng muốn vụ kiện tụng này sớm dứt điểm.

Nhưng xem ra, ngay cả khi có kết thúc mà không đạt được tham vọng thì VPF vẫn sẽ không từ bỏ, bởi công ty này còn nuôi kế hoạch đâm đơn lên FIFA lẫn CAS (Tòa án trọng tài thể thao quốc tế) một khi không thể bẻ gãy được bộ khung VFF-AVG. VPF hy vọng một khi có sự nhìn nhận từ bên ngoài, họ có thể áp dụng những quy tắc của cuộc chơi tầm vĩ mô vào vi mô, ở đây là Việt Nam. Song, xét trên một số khía cạnh thì cơ hội cho VPF lật kèo vẫn là không khả thi cho lắm.

VPF muốn lật kèo AVG, nhưng liệu có thành?
VPF muốn lật kèo AVG, nhưng liệu có thành?

Thứ nhất, FIFA cũng như CAS chỉ thường tác động vào các vụ việc liên quan trực tiếp đến bóng đá nói riêng cũng như thể thao nói chung, như chuyển nhượng, quyền sở hữu đội bóng, doping, scandal dàn xếp tỉ số, bán độ… tầm tác động lớn nhất của họ âu cũng chỉ là chuyện bóng đá hay thể thao bị chính trị can thiệp như ở một số quốc gia.

Còn chuyện bản quyền truyền hình, dẫu vẫn liên quan đến trái bóng tròn thì âu là chưa có tiền lệ. Bởi về bản chất, các gói bản quyền là do một công ty đứng ra sở hữu sau khi công ty này đã ký kết với các cơ quan nắm quyền sở hữu giải đấu (cụ thể ở Việt Nam là VFF, mà VFF và AVG đã ký hợp đồng trước khi V-League sang tên đổi chủ trở thành Super League). Vậy nên lúc này, VFF không còn đứng trên danh nghĩa là chủ sở hữu của hợp đồng bản quyền truyền hình trên mà đó phải là AVG. Thử hỏi, FIFA lẫn CAS liệu có sẵn lòng thụ lý khi mà bên nguyên lại là một công ty hoạt động không nằm trong phạm trù ‘cai quản’ của họ.

Thứ 2, pháp luật Việt Nam cho phép có việc doanh nghiệp độc quyền (nhưng phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định) nên VPF chưa thể tìm ra hành lang pháp lý bảo hộ cho mình, ngay cả khi họ có mang đơn lên những tổ chức quyền lực nhất bóng đá hành tinh.

Trong lịch sử, không phải không có những vụ tranh chấp về bản quyền truyền hình bóng đá, vốn là miếng bánh béo bở từ hàng chục năm nay. Còn nhớ cách đây gần 2 năm, 2 kênh truyền hình lớn là Setanta Sports và Sky Sports đã lôi nhau ra tòa vì tranh chấp quyền trực tiếp Premier League giai đoạn 2010-13. Theo kết quả đấu thầu, 5/6 gói thầu đã thuộc về người khổng lồ Sky Sports với giá trị 1,623 tỉ bảng, Setanta sở hữu phần ít ỏi còn lại. Setanta không cam lòng và đâm đơn kiện Sky Sports bởi đối thủ của kênh này được độc quyền những trận cầu đinh, quyền phỏng vấn cầu thủ, HLV… Setanta thậm chí còn bị hạn chế đưa những thông tin bên lề về Premier League bởi Sky Sports đang độc quyền.

Tuy vậy, Setanta vẫn không thể lật ngược thế cờ, ngay cả khi họ có luật chống độc quyền của châu Âu bảo vệ. Sau này, họ đành nhùn nhường bằng cách ngỏ lời mua lại một số gói bản quyền của Sky Sports nhưng vẫn không thành. Nhìn đó để thấy, VPF đang ở thế yếu trong cuộc chiến do chính họ tạo nên.

C.K