Tranh chấp bản quyền: “Phải hủy hợp đồng của VFF với AVG”

14/01/2012 10:02
K.Xuân (TTO)
Đó là khẳng định của luật sư Lê Thanh Sơn về việc VFF bán bản quyền truyền hình và chuyển nhượng toàn bộ thương quyền, sự kiện thông tin của các giải bóng đá quốc gia, quốc tế được tổ chức tại VN cho AVG.

Theo giấy chứng nhận sở hữu thương quyền truyền hình bóng đá năm 2012 được ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF - ký ngày 9-12-2011, VFF xác nhận: “AVG là đơn vị sở hữu thương quyền và khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp, các giải bóng đá quốc gia khác, các giải bóng đá quốc tế và trận đấu riêng lẻ được tổ chức tại VN và các sự kiện thông tin bên lề liên quan tới các giải bóng đá và trận bóng đá trong năm 2012. AVG là đơn vị chính thức và duy nhất được ký kết các thỏa thuận về bản quyền truyền hình và các giải bóng đá, trận bóng đá với các cơ quan truyền thông, đối tác có mong muốn truyền hình trực tiếp các trận, giải bóng đá và các sự kiện thông tin bên lề”.
Luật sư Lê Thanh Sơn.
Luật sư Lê Thanh Sơn.

Cụ thể, thông tin bên lề ở đây được hiểu là các thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp đến các giải, trận đấu như họp báo, lễ khai mạc, lễ trao giải, bầu chọn VĐV... Thương quyền được hiểu là tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in... Theo ông Sơn, việc chuyển nhượng thương quyền và các thông tin bên lề của VFF cho AVG ngoài vấn đề bản quyền truyền hình là sự lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng Luật dân sự.


Ông Sơn phân tích: Các giải bóng đá quốc tế và các trận đấu riêng lẻ quốc tế của đội tuyển VN được tổ chức tại VN, thương quyền do các tổ chức quốc tế quản lý. Việc AFF, AFC, FIFA cho VFF khai thác bao nhiêu phần trăm thương quyền trong các trận đấu này là quyền của họ chứ làm sao VFF có quyền bán cái đó trước cả sự cho phép của các tổ chức này cho AVG. Ví dụ, trong trận đấu giữa tuyển VN và Olympic Brazil năm 2008 trên sân Mỹ Đình, khi đó toàn bộ thương quyền là do đối tác quản lý hết chứ VFF không có quyền.

Liên quan đến các sự kiện thông tin bên lề mà VFF cho AVG độc quyền khai thác, theo ông Sơn, với văn bản này khi các đơn vị truyền thông như báo hình, báo viết muốn khai thác cũng phải xin ý kiến hoặc trả tiền cho AVG. “Đây là sự lạm quyền của VFF, cho thấy VFF bán những thứ không phải quyền sở hữu của VFF. Các cơ quan truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh, báo in, báo điện tử... có quyền khai thác các thông tin bên lề như họp báo, phỏng vấn các cầu thủ, HLV tại các trận đấu, giải đấu... và đây là quyền chung chứ không phải sở hữu của ai. Tuy nhiên VFF lại tự coi mình là chủ sở hữu hợp pháp tất cả sự kiện thông tin bên lề liên quan đến các trận, giải bóng đá tại VN và bán cho AVG. Như vậy VFF vi phạm Luật dân sự. Theo giấy chứng nhận này của VFF, nếu báo Tuổi Trẻ, báo VietNamNet... muốn tham gia đưa tin về các sự kiện thông tin bên lề liên quan đến bóng đá VN cũng phải xin phép hoặc trả tiền cho AVG” - ông Sơn nói.

Theo quy định điều lệ VFF, tất cả các đội bóng dự Super League hay hạng nhất đều là đồng sở hữu với VFF về bản quyền truyền hình. Khi VFF muốn ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cho một đối tác, VFF phải có được sự đồng ý của tất cả các CLB (trên cơ sở VFF phải cung cấp cho các CLB nội dung dự thảo hợp đồng để CLB biết), nếu không có giấy tờ đó thì hợp đồng này vô hiệu.

* Người ký hợp đồng với AVG của VFF là nguyên tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn. Vậy ai là người của VFF phải đứng ra nhận trách nhiệm với hợp đồng này?

- Hợp đồng này không phải của ông Tuấn, ông Tuấn chỉ là đại diện của VFF đứng ra ký hợp đồng này với AVG. Hiện nay chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là người phải đứng ra giải quyết, nhận trách nhiệm với hợp đồng này. VFF không thể lấy điều lệ VFF ra để làm căn cứ ký hợp đồng với AVG như VFF phân tích, mà phải lấy các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Nên nhớ lúc này không chỉ VPF có quyền khởi kiện hợp đồng mà tất cả 28 CLB đều có quyền khởi kiện.

* Theo công văn của VPF gửi Thủ tướng ngày 12-1, VPF cho biết khi ký hợp đồng với VFF, AVG vẫn chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực truyền hình theo quy định của pháp luật?

- Đây là vi phạm về mặt chủ thể. AVG ký hợp đồng tại thời điểm khi mà AVG chưa phải là tổ chức được phép ký hợp đồng đó theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng này vô hiệu toàn phần chứ không phải một phần. Tôi nghĩ dù đoàn thanh tra có biện hộ kiểu gì thì cũng phải hủy hợp đồng của VFF với AVG, vì cả VFF và AVG đều vi phạm pháp luật.
K.Xuân (TTO)