Tử thần chực chờ tại làng nhiều người chết vì ung thư bậc nhất Hà Nội

25/01/2012 06:06
Hương Huyền/Pháp luật & Thời đại
Theo thống kê của ông trưởng thôn, chỉ tính riêng trong năm 2011, số người chết vì ung thư ở làng Từ Châu (Thanh Oai, Hà Nội) chiếm đến 12/21 số người qua đời.

Trong 20 năm trở lại đây, làng có gần 100 người chết vì bệnh ung thư. Số người mắc ung thư đa phần là đàn ông và hầu hết đều chưa quá tuổi 60. Có gia đình bốn người thì hai bố con bị mắc ung thư. Lại có gia đình hai mẹ con chết vì căn bệnh quái ác này chỉ trong vòng chưa đầy hai năm. Khủng khiếp hơn, trong cùng một dòng họ, có tới gần chục người đi xét nghiệm đều mắc ung thư. Và người dân Từ Châu bị “dính” hầu hết các loại bệnh ung thư “vô phương cứu chữa” như dạ dày, phổi, gan, vòm họng, xương…

Những người còn lại không đi khám, hoặc giấu bệnh nên không rõ nguyên nhân chết có phải do ung thư hay không. Thật khó có thể tưởng tượng những thống kê đau lòng ấy lại là về một làng ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 40 km.

Tử thần chực chờ trong ngôi làng có nhiều người chết vì ung thư bậc nhất Hà Nội
Tử thần chực chờ trong ngôi làng có nhiều người chết vì ung thư bậc nhất Hà Nội

Điều bất thường ở nghĩa địa trắng vòng hoa trắng

Con đường vào làng Từ Châu (xã Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) chạy qua nghĩa địa nên nằm lọt thỏm giữa hai hàng bia mộ. Ngay đầu làng, mấy đứa trẻ đang chạy nhảy với vành khăn trắng trên đầu. Ngây thơ trả lời khách lạ, mới biết rằng đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, thậm chí có đứa vừa mất đi người ngày vẫn cùng đùa chơi. Căn bệnh ung thư đang hoành hành làng Từ Châu, trùm lên làng quê thanh bình ấy biết bao tang tóc.

Ông trưởng thôn xót xa: “Ung thư thì làng tôi nhiều lắm, ngay chính bà nhà tôi cũng đang bị ung thư giai đoạn hai. Nhưng người dân hầu như không thông báo đến cơ quan chức năng, họ chỉ ngấm ngầm chịu đựng thôi”.

Người làng vẫn nhớ như in vào một ngày nắng nóng giữa tháng 5/2011, bà cụ Thăng (71 tuổi) đột ngột qua đời. Những ngày trước đó, tự nhiên cụ ăn không ngon miệng, và cứ hay trào ngược thức ăn lên cổ. Nhưng cụ không kêu, không than thở một câu có lẽ vì thương con cháu; sợ làm phiền đến mọi người. Con cháu lo lắng, muốn cụ đi khám nhưng dường như cụ đã có một linh cảm chẳng lành. Không cho ai đi cùng, cụ tự đi khám một mình. Và khi biết mình bị ung thư, cụ chua xót chôn sâu nỗi đau thể xác. Trở về nhà, cụ vờ “hân hoan” nói rằng mình sắp khỏi rồi và giữ chặt bệnh án trong người. Đến một ngày, không còn sức để chịu đựng đau đớn, cụ đổ bệnh liệt giường. Con cháu nhất mực đưa cụ đi viện nhưng lúc này thì mọi sự đã quá muộn. Sổ bệnh án cụ giấu như “bảo bối” ghi rõ rành rành: Bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

 Đó là chuyện người già mắc bệnh ung thư, người ta còn đỡ đau đớn với tâm lý “thôi thì người già như chuối chín cây, nếu không mắc bệnh ung thư thì trái rụng xuống lúc nào cũng khôg ai lường trước được”.

Nhưng đau đớn nhất là khi phải chứng kiến những đám tang trắng vòng hoa trắng. Những thanh niên đang trẻ khỏe bỗng một ngày bị căn bệnh ung thư quái ác cướp đi sinh mệnh. Nhiều người vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ đến đám tang chua xót của Nguyễn Ngọc Cương. Em mới 18 tuổi và vừa có tên trong danh sách bầu cử thì ông trưởng thôn phải đau đớn xóa tên em. Ông nói: “Chính tôi là người ghi tên cháu vào danh sách cử tri, cũng chính tôi là người phải xóa tên cháu”. Không ai ngờ ở cái tuổi “bẽ gãy sừng trâu”, Cương lại bị căn bệnh ung thư vòm họng cướp đi mạng sống.

Lúc đầu, biểu hiện chỉ là những cơn ho nhẹ và cảm giác như có gì đó mắc trong cổ họng. Thanh niên trai tráng, nhức đầu sổ mũi là chuyện nhỏ nên Cương cũng không để ý. Người nhà kể lại lâu dần, em thường xuyên bị đau nửa đầu, ù tai và chảy máu cam. Ỷ vào sức trai có thể nhanh chóng hồi phục sau những lần đau ốm, em vẫn không chịu kể bệnh trạng với gia đình. Chỉ đến khi căn bệnh hiện rõ với những nốt hạch mọc trên cổ, gia đình đưa em đi khám thì đã ở tình trạng nguy kịch. Cương bị ung thư vòm họng đã vào giai đoạn cuối, mọi cố gắng cứu chữa đã không còn kịp nữa.

Lời nguyền “ung thư di truyền”

Người chết dù sao cũng đã nằm sâu dưới ba thước đất. Những người sống phải mang trong mình cái “án tử” hẹn ngày mới thật khổ tâm. Ông trưởng tộc họ Nguyễn M. rẫu rĩ: “Đã lâu rồi, ngay cả trong những lần họp họ, chúng tôi cũng không được hưởng niềm vui trọn vẹn. Ông cho biết dòng họ có đến gần chục người mang trong mình căn bệnh ung thư. Ở tất cả các chi, theo thứ bậc từ hàng chú, bác đến hàng con cháu đều có người đang “nằm chờ chết”. Tiền bạc của các gia đình có bệnh nhân cứ “bốc hơi” theo những lần điều trị đã đành. Nỗi đau khi phải nhìn những người thân ngày một xác xơ, gồng mình gánh chịu căn bệnh quái ác mới là nặng nề hơn. Xót xa hơn nữa khi nhiều lúc làng trên xóm dưới nhìn vào dòng họ với con mắt thiếu cảm thông, bị gán ghép là “dòng họ ung thư”. Ông trưởng họ than thở: “Người làng còn hiểu chia sẻ, người ngoài thì biết giải thích làm sao? Nhiều khi chúng tôi có người ra tận thị trấn mà vẫn bị chỉ chỏ “người của dòng họ ung thư đấy”. Căn bệnh ung thư nào có phân biệt người họ nào mà cướp mạng? Những gì giáng xuống dòng họ chúng tôi là thảm họa ngẫu nhiên, đâu phải chúng tôi ăn ở ác đức gì với người đời mà chúng tôi phải chịu tai tiếng như thế?”.

Mang theo những tâm sự tội nghiệp của ông trưởng họ Nguyễn M., chúng tôi cùng ông trưởng thôn men theo con đường làng khấp khểnh dẫn sâu ra phía bờ sông. Ở đó có “ngôi nhà” của chị Tám. Nói là “ngôi nhà” vì ở đó có bốn mẹ con chị đang khổ sở đến quay quắt trong căn buồng chưa đầy 8m2. Ông trưởng thôn đã thốt lên rằng: “Nhìn thấy cảnh này, đến gỗ đá cũng phải ứa nước mắt”. Chồng chị cũng vừa qua đời vì căn bệnh ung thư. Căn bệnh đã cướp đi người chồng, người cha, người trụ cột chính về kinh tế và tinh thần trong gia đình. Bảy năm anh ốm, cũng là bảy năm tiền của dành dụm của hai vợ chồng cứ dần dần đội nón ra đi. Rồi tiền thuốc thang, tiền khám chữa và trăm thứ không tên kèm theo.

Anh thì cứ vực dậy một thời gian rồi lại sụp xuống, lần sau nặng hơn lần trước cho đến lúc phải nằm liệt giường liệt chiếu. Chị chỉ làm những việc đồng áng để duy trì cuộc sống, không dám đi đâu xa mà kiếm tiền bởi anh và các con không thể thiếu bàn tay chị chăm nom. Hoàn cảnh ấy khiến đến căn nhà anh chị cũng không dựng nổi. Mẹ con chị đang ở nhờ một buồng của ngôi nhà thờ tổ. Căn buồng chật chội, ẩm thấp, cũ mục đến có thể nhìn thấy bầu trời lõm đõm qua những khoảng không dột nát. Trời đông giá rét, đứng trong nhà mà gió ùa vào nhà quẩn quanh lạnh buốt từng cơn. Tất cả mọi sinh hoạt thường nhật trong gia đình bốn nhân khẩu đều nén chặt trong căn buồng ấy.

“Họa vô đơn chí”, cùng với nỗi đau mất chồng, gia cảnh chị Tám càng thêm cùng cực bởi đứa con trai út bị bại não. Cháu đã 3 tuổi nhưng chẳng nói năng, không khóc, cười. Ngã không đau, ăn không no, đói cũng không biểu hiện gì. Và đã 3 tuổi mà cháu bé vẫn chưa thể ngồi, từ ngày sinh ra cứ nằm mãi một chỗ. Ông trưởng thôn thương cảm: “Cái ngày chồng nó còn chưa chết, hai bố con cùng nằm trên giường, cảnh ấy thương tâm lắm”. Nhìn gương mặt sạm đen, khắc khổ của chị Tám, không ai có thể tưởng tượng chị chỉ mới ngoài ba mươi. Bế trên tay đứa con bệnh tật, chị thở dài: “Có lẽ tôi sinh cháu lúc chồng tôi đang bệnh nên cháu mới bị thế này. Cái bệnh ung thư nó mới quái ác làm sao”.

Rời nhà chị Tám một đoạn, ông trưởng thôn chỉ một ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện. Đó là  nhà tình nghĩa dành cho mẹ con chị Tám, tấm lòng của Hội Phụ nữ Thành Phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân xã Liên Châu. Ông trưởng thôn nói: “Thôi thì cũng để mẹ con họ được nhẹ lòng hơn, vẫn luôn có bà con và chính quyền ở bên cạnh sẻ chia, giúp đỡ”.

Theo ông trưởng thôn, căn bệnh ung thư hành hạ những người bị bệnh đã đành, nó còn gieo bao hệ lụy cho cả những người không bị bệnh. Ông dẫn chứng trường hợp của một người ở đầu thôn. Đó là một người đàn ông đã hơn 40 tuổi nhưng không thể lấy nổi vợ. Cũng như bao thanh niên, anh khỏe mạnh, làm ăn lương thiện, và chỉ mong muốn có được một người bạn đời như những người đàn ông bình thường khác. Bản thân anh không có tiền án, tiền sự, không rượu chè hay chơi bời cờ bạc. Lý do chỉ vì bố anh mất sớm do ung thư máu, nên trong hay ngoài làng chẳng có cô gái nào dám trao gửi cuộc đời cho anh. Với suy nghĩ sai trái lạc lậu, họ sợ “ung thư máu có di truyền” nên anh sẽ giống bố, cũng chết trẻ vì ung thư. Cuộc đời anh bị những suy nghĩ thiển cận kia làm lỡ dở cả tuổi thanh xuân vì thế.

Sợ khám bệnh như nhận “giấy báo tử sớm”


Trưởng thôn Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ở Từ Châu căn bệnh ung thư đã hoành hành, làm đảo lộn cuộc sống người dân nhiều năm nay và càng ngày căn bệnh càng “được trẻ hóa”. Trong 20 năm trở lại đây, đa phần đàn ông mất vì bệnh ung thư đều chưa quá 60 tuổi. Chính những điều bất thường này đã mang đến tâm lý nặng nề, khiến thanh niên làng chẳng ai dám đi khám bệnh. “Có cho tiền cũng không đứa nào dám đi xét nghiệm”, ông Thủy nói trong khắc khoải. “Năm ngoái, bảo hiểm về xét nghiệm miễn phí nhưng đám thanh niên cứ lẩn như chạch bởi họ sợ cứ đi khám là… ra ung thư”, ông nói.

Người làng cho biết cũng không khó để lý giải quan niệm tưởng như ngược đời ấy. Vì nếu xét nghiệm ra bệnh ung thư, “giấy báo tử” sớm này sẽ kéo theo bao hệ lụy khác. Hao tổn kinh tế, suy sụp tinh thần, và nhất là việc phải đối mặt với cái chết được báo trước, thật không dễ để người bệnh tìm cách chấp nhận sự thật khủng khiếp ấy. Cho nên để tâm lý bớt phần lo lắng, họ cứ gắng sống mà không biết hiện trạng sức khỏe của mình ra sao. Tất cả đều phó mặc cho may rủi.

Và cũng để bớt mất mát về kinh tế cho gia đình, hầu hết người dân nếu phát hiện bệnh đều ngấm ngầm cam chịu. Rất ít người công khai bệnh trạng để được hưởng chính sách của xã, của thôn. Theo tài liệu của trưởng thôn, hiện chỉ có sáu người thông báo đang trong giai đoạn điều trị, trong đó có một người bệnh viện đã trả về và đang chờ chết. Còn có gia đình cả nhà đi khám thì hai bố con bị ung thư. Người bố đã mất năm ngoái, còn đứa con mới 18 tuổi, hiện đang điều trị phóng xạ.

Chính vợ ông trưởng thôn cũng đã phải qua vài đợt xạ trị rất tốn kém. Nếu không có người nhà định cư ở nước ngoài hỗ trợ tiền bạc thì chắc gia đình ông cũng không trụ nổi. Ông Thủy kể rằng người nhà rất muốn bảo lãnh gia đình ông qua bên đó như là một cách để trốn tránh căn bệnh quái ác nhưng ông không đồng ý. “Quê cha đất tổ, đâu phải cứ thế mà đi được đâu”, ông chép miệng.

Sự thật nào sau nguồn nước biến gạo trắng thành… gạo tím

Bao đời nay làng Từ Châu không có nước máy, mọi sinh hoạt ngày xưa đều phải dùng nước giếng, nước sông; sau này sông hồ ô nhiễm thì dùng nước giếng khoan và “tử thần ung thư” từ đó mới lơ lửng chực chờ. Người dân ở đây cho rằng dòng Nhuệ Giang đen đặc rác thải, hóa chất của các nhà máy hai hên sông thải ra vô tội vạ, lâu ngày thẩm thấu vào nguồn nước dân sinh… chính là thủ phạm gây nên bệnh ung thư. Nguồn nước độc đến nỗi một gia đình sống gần sông, lúc khoan giếng đã cẩn thận đào sâu đến 25m hi vọng ở độ sâu này thì nước sẽ dùng được. Nước trong thật nhưng có điều lạ là cứ dùng nước này để vo gạo, chưa kịp để ráo nướ thì gạo trắng vừa vo đã chuyển thành màu tím. “Nếu không phải do nước ô nhiễm, không có độc chất thì sao có chuyện lạ kỳ như thế?”, một người dân đặt câu hỏi.

Ngày xưa, ao làng và hệ thống ao chuôm Từ Châu là nơi người người ra tắm giặt, sinh hoạt nhưng bây giờ, nước ở tất cả các ao trong làng đều đen sánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc khó chịu. Hệ thống ao chuôm đã trở thành nguồn nước chết, ngay cả lũ trẻ vốn rất hiếu động cũng tịnh không bao giờ thò chân xuống nghịch.

Con sông Nhuệ Giang ngày xưa thơ mộng như dải lụa lấp lánh uốn qua làng thì nay đã thành dải lụa đen, không uốn éo mà “siết cổ bức tử” ngôi làng nhỏ bé. Từ trên cây cầu sắt nhìn khúc sông chạy qua, người ta thấy chỉ một màu nước đen quánh như mực Tàu. Con sông bị “ách tắc:” ngay dưới chân cầu bởi đủ thứ rác thải, đóng cứng lại với nhau, xếp lớp dài đến hàng cây số bốc mùi hôi nồng nặc, đứng chưa đầy 5 phút đã thấy dầu váng vất quay quay. Ông trưởng thôn nói trước đây ở dưới lòng sông toàn bùn. Nhưng bây giờ, “khi tôi cắm cây sào, là lạo xạo khoảng đến một gang tay thứ gì đó rồi mới đến bùn”.

Dân làng cũng chỉ ra nguyên nhân có thể một phần từ một nhà máy làm thùng phi tái chế gần đó. Họ làm cả đêm cả ngày, nung nấu thứ hóa chất gì đó mùi như thuốc trừ sâu. Người dân một thời đau ốm, nôn nao vì cái mùi ghê rợn ấy. Nhà máy ấy thải trực tiếp nước bẩn ra ao hồ, dẫn ra sông ngòi. Có lần sau khi nhà máy này xả thải vào nguồn nước, chỉ trong nửa ngày tự nhiên cá chết trắng bụng trong hồ, không còn con nào. “Chúng tôi làm đơn kiến nghị lên xã nhiều lần. Bây giờ họ chuyển ra rìa làng và hay làm vào ban đêm nhưng mùi ấy vẫn bay vào làng kinh khủng lắm”, ông trưởng thôn bức xúc.

Chờ người khác đến cứu mà không thấy ai, người dân nơi đây đã bắt đầu thực hiện phương châm “thôi thì phải tự biết cứu mình trước”. Một nhà máy lọc nước mi ni đã được dựng lên từ nhiều nguồn từ thiện quyên góp nhưng vẫn chưa hết lo vì vấn đề mới chỉ giải quyết được ở phần ngọn, còn phần gốc thì vẫn chưa ai biết vì sao. Nhiều người dân khắc khoải hỏi “cứ thế này, liệu nòi giống của chúng tôi sẽ ra sao?. Người dân Từ Châu vẫn đang tha thiết mong ngóng các cơ quan hữu trách của huyện, của thành phố, có những biện pháp tích cực để cứu họ khỏi “móng vuốt của tử thần” mang tên “ung thư”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ y tế xã Liên Châu cho biết: Đã có đoàn khảo sát của huyện xuống thôn Từ Châu để đo mức ô nhiễm. Kết quả là 60% mẫu nước có nhiễm Asen. Lý giải việc nhiều người dân bị bệnh ung thư, ông Dũng cho rằng do nguồn nước bị nhiễm độc, trong khi bà con lại sử dụng nước giếng khoan. Một số gia đình có hệ thống lọc nước nhưng là lọc thủ công nên không đảm bảo được chất lượng vệ sinh.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người sử dụng nước có nồng độ Ansen từ 0,3 ml/l (hay 300 ppb) trở lên sẽ bị các bệnh ung thư ở gan, da, phổi… sau 3-4 năm. Trong nước uống, asen là chất không mùi, không màu, không vị nên nếu không có phương tiện thử, người dân không thể biết.



Hương Huyền/Pháp luật & Thời đại