"Nếu kêu gọi đầu tư tàu điện ngầm, tôi sẽ đóng tiền đầu tiên"

16/01/2012 06:55
Độc giả Minh Quang/VNE
"Nếu Chủ tịch UBND TP HCM kêu gọi người dân tự đóng góp tiền để xây dựng tàu điện ngầm, đường trên cao cho con cháu đi sau này tôi sẽ là người đóng đầu tiên".

Đó là khẳng định của độc giả Minh Quang trong lá thư gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Kính gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng,

Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ với 75 người lao động. Cuối năm, dù rất bề bộn lo Tết, cơm áo gạo tiền cho 75 người, không phải - 75 gia đình thì đúng hơn, tôi cũng phải nói lên suy nghĩ của mình. Tôi hy vọng Bộ trưởng đọc những lời tâm tư, dù có gay gắt, của tôi. Riêng phần mình, tôi muốn nói trên khía cạnh "công bằng xã hội" theo quan điểm của Bộ trưởng.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Tôi phải lo cho 75 gia đình trong công ty tôi. Họ chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập hàng tháng ở công ty để lo cho gia đình. Vậy gánh nặng thu phí lưu hành này, tôi cũng sẽ là người phải gánh chịu vì trách nhiệm của tôi là phải lo cho mọi người để đảm bảo cuộc sống của họ.

Tôi phải làm việc 12-14 tiếng 1 ngày trong 5 năm trời nay để phát triển công ty và lo cho mọi thành viên của mình. Vì vậy, tôi rất ngưỡng mộ những người chủ doanh nghiệp tư nhân lớn, họ lo được tới 5,000 -10,000 người. Ông nghĩ xem, họ chỉ thưởng ngày lễ 100,000 đ/người cho vui thôi thì họ phải chi nhiều tiền – tới 1 tỷ đồng, còn nếu 1 triệu đ/người thì sao? Ôi chao, mất cả 1 căn biệt thự mà mỗi người chỉ được bấy nhiêu. Nếu Bộ trưởng thu phí, tôi lại phải trả thay cho họ. Tôi mua xe hơi, ở Nhật, chỉ USD 13,000 đã có đủ thứ thuế. Còn ở VN, tôi phải trả USD 30,000 + bao nhiêu là phí. Tôi đã đóng cho Nhà nước tới hơn USD17,000 – thêm 1 cái xe nữa. Tôi đã đóng đủ thứ, lại thêm phí này. Đó là không công bằng với những người như tôi.

Công ty tôi hàng năm đóng góp vào ngân sách gần 2 tỷ đồng các loại thuế. Vậy mà người dân năm 2010 là thu nhập khá, năm nay trở về thu nhập trung bình, chắc năm 2012 thành người thu nhập thấp?

Chúng tôi thấy rằng, mỗi Bộ, ngành đều có các loại thuế, phí phục vụ cho ngành của mình - gọi là cân đối, phát triển ngành, mà kể ra không hết. Nên người dân, chỗ này mất phí 50,000đ, chỗ kia mất thêm 50,000đ… cộng lại cũng mất thêm vài trăm ngàn đ/tháng. Trong khi đó, nguồn thu phần đông cũng chỉ vài triệu đồng/tháng.

Những người Bộ trưởng gọi là giới giàu, trong đó chắc có chúng tôi, đang phải lo công ăn việc làm, lo đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm, hàng ngàn đồng bào Việt Nam khác bằng chính nguồn lực, trí tuệ với lao tâm, khổ tứ bộn bề của mình. Chẳng nhẽ chúng tôi bị phân biệt đối xử đến thế sao? Ông nghĩ rằng, chúng tôi làm giàu chỉ cho bản thân mình ư? Làm ra tiền, chúng tôi hỗ trợ lo cho nhân viên để cuộc sống họ tốt hơn chứ có phải 1 mình chúng tôi đâu. 1 năm chúng tôi bị phá sản mất hơn 49,000 doanh nghiệp, bao nhiêu người lao động mất việc. Nghĩ mà rớt nước mắt.

Tôi là người từng học và làm việc ở nước ngoài. Tôi đi khắp các nước Châu Âu, Châu Á mà ông đề cập, cả những nước thành công với các phương án cải thiện giao thông. Tôi thấy 1 người VN lớn lên rồi mưu sinh thật gian nan trong khi người dân các nước khác thì lại có xuất phát điểm tốt hơn nhiều. Điển hình như người Quảng Châu, Thượng Hải. Họ lập nghiệp ở thành phố, chỉ phải thuê nhà là có thể bắt đầu cuộc sống mưu sinh vì có sẵn phương tiện đi lại: tàu điện ngầm, xe buýt…. Có nghĩa là chi phí cuộc sống ban đầu rất ít. Còn ở VN, muốn đi kiếm sống người dân phải bỏ tiền đầu tư, vay trước, sắm phương tiện xe máy đi lại mất ít nhất 3- 20 triệu rồi mới bắt đầu mưu sinh vì không có gì để đi. Nghĩ thật là tội nghiệp. Chẳng ai muốn vậy cả.. Giải pháp kẹt xe làm đường trên cao và dưới đất, ai cũng biết. Có phương tiện công cộng hiện đại và phù hợp, người dân đi xe máy làm gì khi tốn xăng, tốn tiền sắm xe, lo mất cắp, lo chỗ để xe, lo tiền sửa xe…

Điều đầu tiên chúng tôi cần Bộ trưởng nhìn rõ bức tranh và định hướng phát triển của ngành mình. Ngân sách thì do Chính phủ điều tiết. Kiếm tiền đã có Bộ Tài chánh vì họ biết có chồng chéo hay không. Còn không có thì kêu gọi đầu tư làm đường rồi cho thu phí. Chỉ có làm đường trên cao, tàu điện ngầm và phương tiện GT công cộng mới giải quyết kẹt xe trong nội đô. Tự nhiên người dân sẽ bỏ bớt xe máy.

Việc này Chính phủ nên tạo cơ chế cho UBND Thành phố. Còn liên tỉnh phải làm đường cao tốc phân làn để tránh tai nạn. Đường liên tỉnh hiện tại bé như đường nội đô, 2 xe chạy luôn đấu đầu nhau thì làm sao mà không tai nạn, chết người như thời chiến tranh.

Tôi nghĩ điều này nước nào cũng làm, ai cũng biết hết cả. Sao Bộ trưởng không nghĩ cơ chế cho Doanh nghiệp đầu tư làm rồi thu phí 100 năm? Tôi nghĩ nếu Bộ trưởng tạo cơ chế, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư làm liền. Mỗi doanh nghiệp làm 1 khúc, hết nhiệm kỳ là xong cao tốc Bắc Nam, rồi tha hồ thu phí. Tổng chi phí có cao cũng rẻ hơn tiền xăng, thời gian và không phải mất mười mấy ngàn mạng người Việt Nam mỗi năm. Chúng ta đều biết rằng người chết do tai nạn trên đường liên tỉnh chiếm đa số, còn trong thành phố, đa phần là bị thương thôi. Nhận định rõ điều này mới có căn cứ cho nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn nên tiến hành từ đâu.

Nếu Chủ Tịch UBND TP kêu gọi rằng: “Tp chúng ta thu ngân sách nhiều nhưng còn lại được không bao nhiêu, không đủ tiền đầu tư tàu điện ngầm, đường trên cao, UBND chúng tôi kêu gọi người dân Tp HCM với niềm tự hào quê hương, sức chịu khổ cao của mình, bao gồm: người dân, doanh nghiệp (cả DN nhà nước), cơ quan nhà nước, kiều bào…. tự đóng góp tiền để chúng tôi xây dựng đường cho con cháu đi sau này….”. Tôi sẽ là người đóng đầu tiên.

Tôi là người tâm huyết với con người, đất nước Việt nam. Mong Bộ trưởng lắng nghe những điều tôi chia sẻ.

Độc giả Minh Quang/VNE