Tàu Ngư chính Trung Quốc tuần tra gần đảo Điếu Ngư

16/01/2012 15:34
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Tàu Ngư chính đi vào vùng biển đảo Điếu Ngư (Nhật gọi Senkaku) đã bị tàu tuần tra Nhật ngăn cản, hai bên đồng thanh “đây là vùng quản lý của chúng tôi”

Sáng sớm ngày 14/1, Cục Bảo đảm an ninh biển Nhật Bản cho biết, một chiếc tàu Ngư chính Trung Quốc đã đến vùng biển phụ cận đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Cục Bảo đảm an ninh đã điều nhiều tàu tuần tra tiến hành ngăn cản và giám sát.

Tàu Ngư chính 201 của Trung Quốc
Tàu Ngư chính 201 của Trung Quốc

Theo trang mạng “Japan News Network” (JNN), Cục Bảo đảm an ninh biển Nhật Bản cho biết, 22 giờ rưỡi đêm ngày 13/1, tại khu vực cách đảo Taisho Jima (Trung Quốc gọi là đảo Xích Vĩ) 71 km về phía đông bắc, tàu tuần tra của Cục Bảo đảm an ninh biển đã phát hiện tàu “Ngư chính 201” Trung Quốc đang hoạt động.

Khi đó, tàu tuần tra đã phát lời cảnh báo vô tuyến đối với tàu Ngư chính Trung Quốc, yêu cầu tàu Ngư chính Trung Quốc không nên đi vào “vùng biển Nhật Bản quản lý”.

Đáp lại, tàu Ngư chính nói rằng họ đang tuần tra ở “vùng biển do chúng tôi quản lý”, đang thực hiện công việc chính đáng.

Tin cho biết, 4 giờ 47 phút sáng sớm ngày 14/1, tàu Ngư chính Trung Quốc đã đi vào vùng biển cách đảo Kuba Jima (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Vĩ, thuộc vùng biển đảo Senkaku) 44 km về phía đông bắc, Cục Bảo đảm an ninh biển đã điều nhiều tàu tuần tra tiến hành ngăn chặn.

Tàu tuần tra của Cục Bảo đảm an ninh biển Nhật Bản
Tàu tuần tra của Cục Bảo đảm an ninh biển Nhật Bản

Cục Bảo đảm an ninh biển Nhật Bản còn cho biết: “Năm 2011, tàu Ngư chính của Trung Quốc có 9 lần đi vào vùng biển lân cận đảo Senkaku”, năm nay đây là lần đầu tiên.

Tân Hoa xã tuyên bố: “Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, lập trường của Chính phủ Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. Đảo Điếu Ngư và các hòn đảo lân cận từ xưa đến nay là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với chúng. Ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Chính phủ Trung Quốc là kiên định”.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)