Bi kịch thiếu phụ vô sinh thiêu sống chồng để níu kéo tình yêu

19/01/2012 06:06
Thanh Hậu/Pháp luật & Thời đại
Thấy chồng có ý định ly hôn khi mình mắc bệnh vô sinh, thiếu phụ này đã nhẫn tâm tưới xăng lên người chồng từng "đầu gối tay ấp" với mình rồi lạnh lùng bật quẹt

Bi kịch trong ngôi nhà không có tiếng trẻ con

Nguyễn Thị Hồng Diễm (SN 1973, ngụ xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Diễm là con út trong gia đình có 5 anh chị em, học hết lớp 9 Diễm nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc gia đình. Là một cô gái có nhan sắc và được nhiều anh chàng đeo đuổi nhưng cuối cùng Diễm đã chọn người thanh niên tên Nguyễn Ngọc N. (ngụ xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) “trao thân gửi phận” và cùng “kết tóc xe duyên” từ năm 1999.

Đêm chia tay “bốc lửa” khi thiếu phụ vô sinh “tắm xăng” cho chồng để níu kéo tình yêu (Ảnh minh họa)
Đêm chia tay “bốc lửa” khi thiếu phụ vô sinh “tắm xăng” cho chồng để níu kéo tình yêu (Ảnh minh họa)


Có chồng, Diễm không phải làm lụng nhiều mà chỉ phải chăm lo việc nội trợ, bếp núc trong gia đình, còn việc ruộng vườn đã có chồng quán xuyến tất cả. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ có thể nói là hạnh phúc, kinh tế khá giả và Diễm cũng không có gì phải phàn nàn về gia đình nhà chồng, nhưng điều làm cho hai vợ chồng phải bận tâm suy nghĩ nhiều là việc “nối dõi tông đường”.

Nhiều năm nên vợ nên chồng mà Diễm vẫn chưa thấy có “dấu hiệu tin vui” trong sự chờ đợi đến nóng ruột của cả gia đình hai bên nên vợ chồng dắt nhau đến bệnh viện tìm rõ nguyên nhân. Được kết luận là “người vợ bị bệnh tiểu đường nên không có khả năng sinh con” nhưng vợ chồng vẫn động viên nhau sẽ tìm mọi cách để chữa trị cho Diễm và tiếp tục hy vọng.

Đến giữa năm 2004, sau 5 năm sống chung mà vẫn chưa có con, có lẽ đã mất hết sự kiên nhẫn nên anh chồng bàn bạc với vợ: “Có lẽ vợ chồng mình nên sống ly thân một thời gian, em về bên nhà cho thoải mái để chữa trị cho hết bệnh rồi anh sẽ sang rước về”. Không muốn xa chồng nên Diễm cực lực phản đối, không chấp nhận về nhà cha mẹ ruột.

Không “đuổi” được vợ đi, vài ngày sau anh chồng lại dùng “chiêu” khác là kêu Diễm ký tên vào lá đơn xin ly hôn cho mình đi cưới vợ khác để có con. Anh chồng “dụ ngọt”: “Anh thực sự rất yêu em và chỉ có một mình em thôi, nhưng anh cũng rất muốn có một đứa con cho vui cửa vui nhà và còn nối dõi tông đường nữa chứ. Nếu không sau này anh sẽ “tụt hậu”…”. Thấy vợ không đồng ý, người chồng tiếp tục dỗ ngọt bằng nhiều cách nhưng Diễm vẫn không chấp nhận ly hôn theo cái kiểu “thật giả, giả thật” mặc dù cũng rất thương chồng. Suy đi tính lại, Diễm nói với chồng: “Nếu anh muốn có đứa con thì chúng ta sẽ đi xin một đứa con nuôi, như vậy vợ chồng chúng ta vẫn có thể sống chung với nhau”.

Lẽ đương nhiên là anh chồng không chấp nhận “ý tưởng” này của vợ nên xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, hai vợ chồng thường giận dỗi, hục hặc với nhau. Vốn là người phụ nữ đa cảm, nay lại mắc căn bệnh đau khổ nên Diễm bắt đầu nảy sinh sự mặc cảm, tự ti và thường mang trong đầu suy nghĩ “chắc chồng không còn thương mình nữa, nếu vậy mình chết quách đi cho xong”.

Chết vì không thương vợ?


Để chuẩn bị cho ý định của mình, sáng một ngày cuối tháng 8/2004, trong lúc đi chợ xã, Diễm ghé vào cửa hàng tạp hóa có bán lẻ xăng dầu mua một lít xăng đựng trong can nhựa màu trắng rồi đem về nhà cất giấu trong buồng. Lúc này, trong đầu Diễm có ý định: “Nếu chồng lạnh nhạt hoặc bỏ rơi, mình sẽ dùng nó để tự kết liễu đời mình cho đỡ khổ”.

22h hôm sau, sau khi đã ngủ một giấc, anh chồng qua nhà người anh ruột ở kế bên uống rượu đến rạng sáng mới về ngủ. Nằm ôm vợ một lúc, anh chồng nói với Diễm: “Ôm anh đi mai mốt sẽ không còn được ôm anh nữa”, Diễm thấy buồn nhưng cũng gắng hỏi lại: “Làm sao lẹ vậy?” và người chồng lặng thinh không trả lời. Một lúc sau anh chồng mới nói tiếp: “Sáng mai anh đi vay 10 triệu đưa cho em về bên ngoại”. Nghe vậy, cô vợ ra sức năn nỉ cho mình được ở lại để chăm sóc cho chồng nhưng người chồng vẫn một mực kiên quyết chối từ.

Nghĩ chồng đã thay lòng đổi dạ hay có người đàn bà khác nên Diễm rất uất giận nhưng để kiểm chứng lại tình cảm chồng dành cho mình, thiếu phụ hỏi lại: “Nếu tôi chết anh nghĩ thế nào?”. Đáp lại sự chờ đợi của Diễm, người chồng đã 5 năm “đầu ấp tay gối” trả lời đầy hờ hững: “Buồn một chút thôi!”. Câu nói vô tình như như nhát dao sắc lẹm đâm vào trái tim người phụ nữ mặc cảm khiến tình yêu tha thiết của người vợ biến thành sự uất hận.

Lúc này, Diễm nảy sinh ý định sẽ giết chồng rồi cùng chết để không phải xa nhau và sẽ được ở bên nhau mãi mãi. Cô nghĩ tới can xăng và dằn lòng chờ đợi cơ hội có thể ra tay. Chờ cho chồng say giấc, Diễm nhẹ nhàng đi ra khỏi giường, vào buồng lấy can xăng cùng cái hộp quẹt gas đem vào trong mùng. Diễm ngồi kế bên chồng rồi dùng tay trái cầm can xăng tưới lên ngực anh chồng, tay phải bật hộp quẹt gas.

Lửa bùng cháy dữ dội thì nạn nhân cũng kịp tỉnh giấc la lớn: “Cứu tôi, cứu tôi”, đồng thời phóng ra khỏi mùng thì bị vợ với tay ôm lại để “cùng chết”. Nạn nhân dùng hết sức lực vùng vẫy thoát ra khỏi sự níu kéo của vợ và lao ra phía sau nhà rồi nhảy vào trong lu nước để dập ngọn lửa đang bùng cháy trên thân thể.

Nghe tiếng la hét và lửa cháy bùng bùng, những người dân xung quanh chạy đến cứu chữa. Người ta kinh hoàng nhận ra cô vợ vẫn còn ngồi trên giường trong khi nệm, chiếu, gối và chăn trên giường đều đang bốc cháy. Phải lao vào cầm tay và dùng hết sức lực kéo, người ta mới đưa được thiếu phụ ra ngoài dập lửa. Cặp vợ chồng này bị ngất xỉu nên được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) điều trị.

Người vợ bị thương nhẹ, người chồng bị thương nặng nề hơn. Tròn một tháng kể từ khi xảy ra vụ án, anh chồng mới được ra viện với y chứng là bỏng lửa xăng 40% độ II, III ở mặt, cổ, chân, tứ chi; tỷ lệ thương tật là 12%. Nạn nhân kê khai tổng chi phí điều trị là 75 triệu đồng nhưng cô vợ không có khả năng bồi thường.

Uất ức + Bế tắc = Phạm tội?


Hung thủ - cũng là người vợ tội nghiệp bị bắt tạm giam sau vài ngày điều trị vết thương nhẹ. Tại cơ quan điều tra, Diễm đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thiếu phụ này khai nhận nguyên nhân, động cơ nảy sinh ý định giết chồng là vì mặc cảm về bệnh tật của bản thân và nghĩ chồng có ý định ruồng bỏ trong khi mình còn rất yêu chồng. “Tôi không muốn anh ấy có bất kỳ người đàn bà nào khác nên khi thấy ảnh kiên quyết, tôi đã nảy sinh ý định giết chồng rồi tự tử vì cảm thấy quá uất ức và bế tắc”, Diễm khóc trước vành móng ngựa trong phiên xử sơ thẩm.

Trong phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại địa phương; hành vi của Diễm đã cấu thành tội giết người theo Điều 93 BLHS, mục đích chưa đạt được nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo do người bị hại đã phát hiện kịp thời nên hậu quả chết người đã không xảy ra nhưng người bị hại cũng đã bị thương tật với tỷ lệ là 12%.

Tuy nhiên, xét thấy sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do người bị hại gây ra; phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt; bị cáo có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, hoàn cảnh gia đình khó khăn… nên đã tuyên phạt thiếu phụ cuồng yêu này mức án 5 năm tù giam.

Thanh Hậu/Pháp luật & Thời đại