Cô gái Việt kể lại chuyện tàu chìm ở Ý

21/01/2012 19:00
Mai Thị Phương Thy là cô gái người Việt duy nhất trong số 3 người VN làm việc trên tàu Costa Concordia bị chìm ngoài khơi nước Ý.

 Đã 8 ngày trôi qua, Phương Thy kể lại với phóng viên tình huống cô tận mắt chứng kiến.

Phương Thy diễn tả lại tình huống tàu chìm - Ảnh: My Lăng
Phương Thy diễn tả lại tình huống tàu chìm - Ảnh: My Lăng

Trò chuyện với chúng tôi, Mai Thị Phương Thy (sinh năm 1982) bảo rằng ngoài mấy bộ quần áo được phát khi cứu trợ, cô còn giữ được một cái nơ và thẻ nhân viên Costa Concordia. Bộ đồng phục ướt sũng của tai họa đáng sợ ấy, Thy đã để lại nước Ý xa xôi. Còn quần áo, laptop, máy chụp ảnh, điện thoại, tiền, cả bằng cấp… đều đã nằm lại dưới lòng biển lạnh ngắt nơi tàu Costa Concordia đang ngày một chìm dần…

Buổi tối định mệnh

“Khi tai nạn xảy ra tôi đang làm ở tầng 3 khu vực nhà hàng, hành khách có người còn đang ăn món khai vị bữa tối. Tôi vừa bưng thức ăn cho khách xong, đang quay vào khu vực của mình để bưng chồng đĩa cao ngang mặt thì đột nhiên nghe một tiếng “ầm” rất lớn, như là tàu va phải cái gì đó, và chao mạnh. Chồng dĩa cao ngất trượt khỏi bàn, kêu loảng xoảng! Tôi cứ nghĩ gặp sóng lớn như nhiều lần trước”. Rồi đột ngột, điện tắt phụt. Màu đen sụp xuống trước mặt cô phục vụ người VN. Những tiếng la hét vang lên khi tàu bắt đầu nghiêng qua một bên " - Thy kể lại.

“Rất may là tàu Costa Concordia chỉ gặp nạn khi gần bờ nên việc sơ tán nhanh và dễ hơn. Chứ nếu tai nạn ở giữa biển thì nước đã nhanh chóng tràn vào và lật tàu. Khi đó, hậu quả còn kinh khủng hơn cả Titanic”.

Giống như hình ảnh trong phim Titanic, trước mặt Thy, bàn ghế chạy nghiêng về một bên. Chén, dĩa, ly, tách… đồng loạt bay vèo vèo xuống sàn không cách gì níu kéo. Thy vẫn không rời vị trí của mình phụ trách. Cô bám chặt tay vào bàn. Tàu mỗi lúc một nghiêng. Đến nỗi cả hộc tủ trong bàn cũng bay ra. Thy lảo đảo. “Tôi không sợ mà rất bình tĩnh vì mỗi tuần chúng tôi đều được tập huấn 1 lần. Khi có tình huống gì thì phải ở lại khu vực của mình và tìm cách xử lý và trấn an du khách. Tôi biết mình phải làm gì nên không sợ”, Thy bảo.

Lúc đó cô nhân viên phục vụ phòng vẫn chưa biết nguy hiểm đang đến rất gần. Thy vẫn ở lại vị trí. Rồi điện vụt sáng. Tàu dần cân bằng trở lại. Thy dọn dẹp đống ly chén vỡ vụn trong khi nghe thông báo bằng 6 thứ tiếng của tàu: sự cố điện đã được kiểm soát. “Giám đốc nhà hàng còn đùa với nhân viên: Dọn dẹp sớm nghỉ sớm”, Thy mỉm cười kể.

45 phút sau. Con tàu thình lình nghiêng về một bên! Tàu phát tín hiệu khẩn cấp. Cô phục vụ người VN lấy ngay chiếc áo phao dành cho nhân viên mặc vào người. “Đó là thao tác đầu tiên mà khi tập huấn, mỗi người nhân viên chúng tôi phải làm. Vì khi mình an toàn thì mới có thể giúp người khác an toàn được”, Thy cho hay. Xung quanh Thy là một mớ âm thanh hỗn loạn của rất nhiều thứ tiếng. Tất cả nhân viên phải chạy đến khu vực của họ phụ trách và di tản khách từ trên xuống tầng số 4. Phương Thy phụ trách khu cuối tàu ở… tầng 7! “Tôi đứng trong dòng người đang gào hét, đang khóc lóc, chen lấn, xô đẩy nhau, miệng gào to lên bảo mọi  người phải xuống tầng 4, nơi có life boat (tàu cứu hộ)”, Thy kể.

Khung cảnh trên con tàu du lịch hạng sang hỗn độn, hoảng loạn không khác gì trong phim Titanic. Thy nhớ lại giây phút lúc đó: “Chúng tôi chờ đợi tín hiệu rời tàu của thuyền trưởng, đợi rất lâu những vẫn không hề nghe thấy. Tôi thấy nhiều người ngất xỉu trước mặt mình. Nhiều người khác thì bật khóc. Những người già và người đi xe lăn thì run rẩy cầu nguyện. Hàng trăm ngàn ngàn người còn lại đều hiển hiện nỗi sợ hãi tột cùng. Có người quá hoảng sợ thành cáu giận, mất bình tĩnh. Đa số họ là người Ý, Đức và Pháp. Nó làm cái không khí lúc đó như nghẹt thở.

Cuối cùng, ở khu vực master station mới có tín hiệu rời tàu. Sau này tôi mới biết thuyền trưởng không đưa ra lệnh rời tàu trong tình huống nguy hiểm đó và là người đầu tiên rời tàu”.

Phương Thy kể lại câu chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Đức Thanh
Phương Thy kể lại câu chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Đức Thanh

Trên tàu có 16 tàu cứu hộ với 2 loại, một loại chở 150 người và loại kia chỉ chở được 69 người. Hành lang tầng 4 cũng có áo phao nhưng chỉ đủ dành cho ½ số hành khách có trên tàu (tức 2.100 người). “Thật ra tại từng phòng, mỗi hành khách đều có áo phao nhưng trong tình huống đó, họ không kịp nghĩ đến áo phao mà cứ lao ra khỏi phòng và hoảng loạn”, Thy nói. Đợt xuống tàu cứu hộ đầu tiên, nhiều hành khách sợ, không dám xuống, cứ đứng lại một chỗ. Nhân viên phải la hét thậm chí đẩy khách xuống”.

Lúc này, nước đã ngập tầng 1 và tầng 2. Mọi người chạy về phía cao hơn. Có người cứ bám chặt vào hành lang. Có người hoảng loạn chạy vào phòng. Ai cũng cố tìm một chỗ an toàn. Nhưng khi đó, không nơi nào thật sự là an toàn. Có người không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đến lượt, đã liều mình nhảy xuống mặt biển đen kịt, cóng lạnh.

"Hai tiếng sau, khi đến lượt Thy nhảy xuống tàu cứu hộ thì nước đã ngập lên tầng 3. Khu vực của tôi nằm ngay hướng nghiêng của tàu nên được vào bờ nhanh hơn khu vực khác. Lúc đó, có người còn nói về số tiền bảo hiểm mà họ sẽ nhận được là bao nhiêu. Nhưng nhiều người khác thì lặng đi, ủ rũ. Có người thì sợ đến mức không còn nói được gì và không còn thể hiện nổi cảm xúc. Tôi nghĩ đến hai người bạn của mình…”.

Thẻ nhân viên Costa Concordia của Phương Thy - Ảnh: My Lăng
Thẻ nhân viên Costa Concordia của Phương Thy - Ảnh: My Lăng

Trên bờ, xe cứu thương chớp đèn và hú còi inh ỏi. Những người bị ướt lập tức được sơ cứu vì gần như kiệt sức khi ngấm lạnh trong nhiệt độ rất thấp. Lúc này đã gần 1g sáng. Nhà thờ và nhà người dân ở đảo Giglio mở cửa, mang chăn ấm, quần áo và thức ăn cho người bị nạn. Thy phải tìm khu vực có nhân viên phụ vụ phòng để điểm danh xem ai còn ai mất. Rồi cô lo lắng đi khắp khu vực cầu cảng tìm Oanh Di (sinh năm 1990) và Đình Duy (sinh năm 1981), hai đồng nghiệp người VN. 

Cô gái trẻ cứ đứng co ro dưới sương đêm ở chỗ tàu cập cảng, đôi mắt lướt qua hết gương mặt này đến gương mặt khác để tìm hai gương mặt VN. Cứ mỗi chuyến tàu cứu hộ cập cảng là một lần Thy hấp háy niềm hy vọng.

Sáng hôm sau

14 chiếc phà chở mọi người đến một hòn đảo khác để nghỉ ngơi ở khách sạn. Hội Chữ thập đỏ địa phương đến phát đồ cứu trợ: bánh mì, nước, quần áo, chăn… Hai ngày sau, họ được đưa tới ở khách sạn gần sân bay Roma. Lúc này, khi phân nhóm theo quốc gia, quốc tịch, Thy mới gặp lại hai người bạn mình. Thì ra khi tàu đã nghiêng quá lớn, Di đang ở mũi tàu còn Duy ở cuối tàu.

Phương Thy kể lại chuyện tàu chìm - Ảnh: Đức Thanh
Phương Thy kể lại chuyện tàu chìm - Ảnh: Đức Thanh

Nhìn thấy số người còn lại quá đông mà tàu cứu hộ thì ít, họ quyết định nhảy xuống biển. Oanh Di may mắn do nhảy ở khu vực có điện sáng nên được một tàu cứu hộ gần đó vớt lên. Còn Đình Duy do đứng ở khu vực cúp điện nên không ai nhìn thấy…

Bằng những nỗ lực vượt lên sức chịu đựng và khả năng có thể, Đình Duy đã bơi vào một hòn núi gần đó và cầm cự qua đêm cho đến sáng hôm sau được tìm thấy. Nhưng suốt đêm đó anh đã phải trải qua nỗi ám ảnh khủng khiếp khi chứng kiến cảnh một hành khách bị chết cóng do lạnh ngay trước mặt mình.

Hỏi có còn “dám” đi biển nữa không hay ở lại đất liền, cô gái sinh năm 1982 điềm tĩnh bảo: “Tôi cho rằng đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Khi trải qua tình huống này, tôi có kinh nghiệm xử lý hơn. Tôi thấy trong những lúc như thế, bình tĩnh là điều rất cần thiết”.

MY LĂNG - ĐỨC THANH/Tuổi trẻ