PGS Văn Như Cương: Không hi vọng nhiều vào đổi mới giáo dục năm 2012

22/01/2012 13:49
Bích Thảo
(GDVN) -  GS Văn Như Cương nhận xét rằng: “Năm 2011 biểu thị sự lúng túng toàn diện trong khâu quản lý tổ chức điều hành nền giáo dục từ mọi mặt."

Năm 2011 ngành giáo dục còn nhiều lúng túng

GS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng muốn thay đổi 1 cách toàn diện và căn bản thực chất cần phải tiến hành 1 cuộc cách mạng nhằm chấn hưng giáo dục. GS Cương cho biết: “Nghị quyết TƯ Đảng về đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam tôi cho là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng nó cần phải thực hiện như thế nào thì hiện nay tôi chưa thấy bắt đầu. Theo tôi thì trước tiên cần thành lập những ban bộ, đề ra bước đi cụ thể cho nền giáo dục, chứ cứ để mù mờ thế này thì tôi thấy rất lo lắng.”

Giáo sư Văn Như Cương
Giáo sư Văn Như Cương

GS Cương nhận định cái quan trọng nhất của phổ thông là xây dựng được một hệ thống, một cái khung hoàn chỉnh. Nghiên cứu đưa ra khung học cho chương trình học đến phổ thông cần thời gian bao lâu. 10 năm, 11 năm hay 12 năm là một vấn đề rất lớn. Nếu không hình thành được cái khung này thì sẽ khó định hướng, phân luồng học sinh.

“Theo tôi chỉ cần học 11 năm rồi cấp bằng tốt nghiệp. Sau đó sẽ chọn lọc 30% đủ điều kiện theo học 1 năm dự bị đại học để đưa vào các trường đại học. Còn các em khác sẽ học các trường dạy nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Khi đó mới hình thành có một sự phân luồng người học rõ ràng.

Hiện nay chúng ta đang tiến hành xây dựng chương trình sách giáo khoa cho 12 năm học trong khi đang nghiên cứu đưa ra số năm học thì thật là ngược đời. Chúng tôi nghiên cứu và đưa ra sách giáo khoa cho 12 năm, nhưng đến khi học lại chỉ học 11 năm thì lại phải điều chỉnh nội dung học, kiến thức học.”

Báo động đỏ bạo lực học đường

2011 nổi bật nhất là bạo lực học đường đặc biệt là vụ em nữ sinh Thái Bình tự tử, học trò đánh nhau nhiều, học sinh đánh thầy giáo và ngược lại cũng nhiều. Bạo lực học đường đang ở mức báo động đỏ.

Bạo lực học đường đang báo động
Bạo lực học đường đang báo động

Chất lượng của đội ngũ giáo viên tương đối chuẩn ở chỗ giáo ngày càng phát triển và nâng cao hơn. Hầu hết các thày cô đều có trình độ đại học cao đẳng. Tuy nhiên chất lượng vẫn có chỗ này chỗ khác như những thày cô mới ra trường còn ít kinh nghiệm. nhưng 1 số vi phạm là giáo viên trẻ, rèn luyện phẩm chất của thày giáo chưa được chú trọng, rẻn luyện học tập thêm về phương pháp, kiến thức. Giáo viên chưa thực sự tự học để nâng cao kiến thức, cũng như đạo đức sư phạm..

Trước đây những sự việc thày giáo đánh mắng học trò có xảy ra cả ở nước ngoài, nhưng bây giờ phẩm chất của thày giáo trong thời buổi kinh tế thị trường càng có nhiều vấn đề. Đạo đức của người thầy cần phải được quản lý.

Phẩm chất của học sinh càng phải xem xét. Các em tiếp xúc với thông tin nhiều hơn, hiểu biết và khẳng định mình hơn. Học sinh hiểu được tự do của bản thân, muốn khẳng định mình điều này rất đúng.
Nhưng đôi khi các em lại  thể hiện bản thân mình một cách không chính đáng bằng mọi cách.

“Nếu không nổi bằng học tập thì các em ra oai bằng cách này cách khác. Vì vậy mới có hiện tượng đánh nhau rồi quay clip tung cho nhiều người biết để được nổi tiếng. Nó thể hiện tâm lý thích thể hiện bản thân của giới trẻ.” GS Văn Như Cương phân tích.

Căn bệnh tiêu cực đang quay lại

Một vấn đề chiếm được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội và sự băn khoăn của GS Cương là kết quả kì thi tốt nghiệp và đại học chênh lệch nhau quá lớn.

Bệnh tiêu cực đang len lỏi vào trường học
Bệnh tiêu cực đang len lỏi vào trường học

Kết quả thi tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất là 100% không có điểm liệt. Nhưng khi thi đại học lại có hàng ngàn bài được điểm 0 môn sử, các môn khác rất nhiều cũng nhiều. Điểm đầu vào của các trường ĐH bị giảm một cách thảm hại, nó báo động lên chất lượng của học sinh và tiêu cực trong thi cử.

GS Cương bức xúc rằng: “Bài tốt nghiệp và đại học chắc chắn có nhiều điểm tương đồng. Tại sao có thể lọt được nhiều điểm 0 đến kì thi ĐH đến vậy? Hình như việc thực hiện nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng bị coi nhẹ. Căn bệnh tiêu cực đang bị quay trở lại ngày càng nhiều hơn.”

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục là đổi mới ban hành việc tự chủ cho các cơ sở. Việc thi cụm, chấm chéo những năm vừa qua thể hiện nhiều bất cập và không đem lại nhiều lợi ích gì.

Thương học trò còng lưng cõng chữ

“Tôi thấy buồn cười nhất là vấn đề giảm tải trong năm qua. Ngày 1.8 tiến hành giảm tải ở Hà Nội đã diễn ra rồi nhưng đến 4.8 Bộ mới đưa ra nghị quyết giảm tải như thế thì thật là chạy theo, đưa ra cho có.

Bỏ phần ví dụ này, thay bằng ví dụ khác… thực chất không đem lại lợi ích gì mà chỉ là làm hời hợt làm cho có, để xoa dịu phụ huynh đang rất căng thẳng vì cho rằng chương trình học còn đang quá nặng.” GS Cương cho biết.

“Nếu toán học 6 tiết 1 tuần như trường chúng tôi thì sẽ không nặng, chúng tôi vẫn học một cách ngon lành, các em vẫn có kiến thức đầy đủ, có thời gian để rèn luyên thêm. Nhiều trường học có 3,4 tiết thì khối lượng kiến thức cho một tiết của các em sẽ rất nặng là đúng rồi, các em phải đi học thêm là đúng rồi.

Nếu chúng ta tăng thời gian học, số tiết học lên thì sẽ kéo theo nhiều thứ khác như số lượng giáo viên, cơ sở vật chất lên gấp đôi, không gian học cũng cần phải tăng lên. Vì vậy chúng ta chưa có điều kiện tăng thời lượng học tập. Tôi nghĩ bớt đi được 20% , đến 30% kiến thức hàn lâm, xa rời thực tiễn thì các em sẽ đỡ cực khổ như bây giờ. Chưa có 1 nước nào mà các em lớp 12 phải học đến 12 môn, các em phải học mỗi môn một chút, từ thể dục, quân sự, công dân, thủ công… sức trẻ con mà cứ  phải còng lưng ra học đủ mọi môn thì thật là cực quá.”

Bỏ thi tốt nghiệp

Theo kiến nghị của GS Cương nên bỏ bớt kì thi tốt nghiệp THPT. Kì thi tốt nghiệp quá chặt chẽ, gây áp lực lớn đối với các em, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của kì thi ĐH. 12 năm học, năm nào các em cũng trải qua hết kì thi này đến kì thi khác, vì vậy khi thi hết năm lớp 12 là có thể cấp bằng tốt nghiệp chứ không cần một kì thi căng thẳng như hiện nay.

Nên bỏ thi Tốt nghiệp giảm áp lực cho học sinh
Nên bỏ thi Tốt nghiệp giảm áp lực cho học sinh

Hoặc nếu có thể thi tốt nghiệp thì sao không làm nhẹ nhàng hơn, bỏ chấm chéo, thi cụm, thi chung. Sở Hà Nội có thể thi ngày này, Hà Nam thi ngày khác đề thi các tỉnh có thể nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo kiến thức để giảm áp lực cho các em.

Thi đại học nhất định phải có để chọn những người xứng đáng. Nhưng việc thi 3 chung là điều không chấp nhận được. Thi toán vào các trường khác nhau như Bách Khoa, Tổng hợp, Sư phạm nhưng lại cùng chung một đề là không đúng. Mục đích đào tạo và đầu ra của mỗi ngành,  mỗi trường khác nhau mà cùng một chuẩn đầu vào là không khoa học. Cần cho các trường ĐH tự ra đề phù hợp với nhu cầu đào tạo của từng trường.

Đại học giao cho các trường tự tuyển chọn để họ đào tạo từ A-Z. Nghịch lý hiện nay là Bộ nắm đầu A của ĐH và ôm đầu Z của THPT. Bộ không tin tưởng vào Sở thì khó mà giúp nền giáo dục phát triển tốt.

Các cơ quan truyền thông phải góp phần phát triển nền giáo dục

Năm 2011 so với 2010 không thấy có tiến bộ léo lên tia hi vọng nào, mà có nhiều điểm thụt lùi so với năm trước. Nếu cung cách làm việc tà tà như năm 2011 sẽ không có tiến bộ gì năm 2012, trong 5 năm sẽ không thể làm được đổi mới một cách căn bản và toàn diện như Nghị quyết đưa ra.

GS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Để có cuộc cách mạng đúng nghĩa, trước tiên Bộ cần có sự thay đổi về chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, làm việc có hiệu quả và phải là những người có tâm với nghề sư phạm. Đầu vào các trường sư phạm cần được quan tâm, đời sống giáo viên cần được cải thiện. Bộ cũng như các cấp và toàn xã hội cần bắt tay vào làm ngay, làm nghiêm túc, cẩn trọng khẩn trương thì nền giáo dục mới hi vọng có sự chấn hưng.”

Đồng thời GS Cương cũng nêu lên vai trò định hướng thông tin xã hội của các cơ quan báo chí đặc biệt báo chuyên về giáo dục như Giáo Dục Việt Nam. GS cho biết: “Các cơ quan báo chí đặc biệt là báo Giáo dục Việt Nam là kênh quan trọng nêu ra thực trạng của nền giáo dục Việt Nam. Do đó, báo GDVN trong năm 2012 cần phát triển hơn nữa, cần gần gũi và phản ánh nhanh chóng kịp thời hơn những băn khoăn, bức xúc của xã hội chung tay để xây dựng một nền giáo dục phát triển một cách toàn diện hơn.”

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

 
Bích Thảo