Cảnh báo kinh tế trong và ngoài nước năm 2012

27/01/2012 09:02
Dưới đây là những nhận định năm mới của TS Nguyễn Minh Phong, Viện NCPT KT-XH Hà Nội về tình hình kinh tế trong và ngoài nước năm 2012:
Ngày 20/9/2011, Quỹ Tiền tệ (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 4% cho 2 năm 2011 và 2012, thấp hơn 0,3% so với dự báo đưa ra vào đầu tháng 6/2011. Liên tiếp sau đó, các tổ chức Citigroup, Fitch và Goldman Sachs cũng điều chỉnh mức dự báo cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
TS Nguyễn Minh Phong
TS Nguyễn Minh Phong
Theo nhiều dự báo của các tổ chức chuyên nghiệp và cá nhân uy tín trong và ngoài nước, năm 2012, nhất là trong nửa đầu năm, kinh tế nhìn chung sẽ có nhiều tín hiệu màu xám hơn năm 2011. Đặc biệt, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục xu hướng yếu và yếu hơn, kể cả USD, Euro; khả năng đồng Nhân dân tệ, Yên Nhật và Rúp Nga sẽ tăng giá chậm…

Tháng 9/2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra những dự báo khá lạc quan cho Việt Nam như sẽ đạt mức tăng trưởng GDP năm 2012 là 6,3%, cao hơn so với mức 5,8% năm 2011. Mức lạm phát năm 2011 là 19% được cho là hạ thấp xuống chỉ còn 8,1% mà thôi, dù vẫn thuộc hàng cao trên thế giới… Tuy nhiên, theo Ngân hàng thế giới (WB), lạm phát Việt Nam năm 2012 sẽ là 10,5%... Tóm lại, dù khác nhau về chi tiết và con số cụ thể, nhưng tinh thần chung của các dự báo nêu trên đều thống nhất cho rằng kinh tế thế giới và của nhiều nước năm 2012 sẽ tiêu cực hơn năm 2011…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục phải xử lý các tồn tại đã và đang đặt ra, mà nổi bật là:

Thứ nhất: Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết trong Tổ chức thương mại Thế Giới (WTO), khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, tạo ra những cơ hội to lớn cho thu hút đầu tư và phát triển xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sức cạnh tranh của nền kinh thế đang trong quá trình chuyển đổi và khả năng phản ứng chính sách, phản ứng thị trường trước những diễn biến phức tạp của thị trường.

Thứ hai: thành tựu phát triển KT-XH đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Đặc biệt, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh  khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường.

Thứ ba: một số khó khăn và thách thức thị trường có thể lớn hơn và khó lường hơn so với dự báo: Một mặt, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng điện và điện tử sẽ có xu hướng giảm, nhất là những mặt hàng trong diện giảm thể thuế theo lộ trình hội nhập của Việt Nam trong khuôn khổ AFTA, WTO và một số FTA, cũng như thỏa thuận thương mại đặc biệt khác…;

Mặt khác, giá lương thực, thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế có thể tăng cao dần. Thị trường chứng khoán tiếp tục trầm lắng, trì trệ; xu hướng bảo hộ kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu quốc tế quan trọng của Việt Nam…

Thứ tư: Trước mắt, khả năng tăng giá xăng, dầu, điện và than kiểu sốc sẽ khó có cơ hội phát tác như năm 2011. Tuy nhiên, những cú sốc hạ giá trên thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ còn tiếp diễn chưa có điểm dừng. Đặc biệt, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực; thanh khoản của một số ngân hàng thương mại sẽ thêm khó khăn; nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, cũng như giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều lực cản chưa dễ tháo gỡ…

Nhận diện nhưng bất cập và xử lý tốt các hệ quả đã, đang và sẽ phát sinh của những cú sốc kinh tế nêu trên trở thành một trong những yêu cầu bức thiết để ngăn ngừa và kiểm soát tốt hơn sự tái lặp các cú sốc đó trong tương lai.

Ts Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội