Lữ đoàn tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam

25/01/2012 16:42
Theo Quân Đội Nhân Dân
Theo đại tá Phạm Mạnh Hùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, để quản lý, khai tác tốt các trang bị tiên tiến.
Ra đời vừa cách đây tròn 10 năm, Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân đã có bước trưởng thành vượt bậc. Từ những chiếc tàu tên lửa thế hệ 1241RE, đến nay Lữ đoàn đã có những chiếc tàu chiến hiện đại, thế hệ mới nhất, đáp ứng mục tiêu xây dựng Lữ đoàn tàu hiện đại, tiên tiến của Hải quân nhân dân Việt Nam (NDVN) trong những năm tới.

Đổi mới tác phong công tác từ người chỉ huy

Có một biên đội tàu tên lửa thế hệ mới là mong mỏi từ lâu của cán bộ chiến sĩ Hải quân NDVN, cũng như Lữ đoàn 162. Ngày 10-1-2002 như một dấu mốc quan trọng khi Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Lữ đoàn 162 - đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Đơn vị có nhiệm vụ độc lập tác chiến hay hiệp đồng với các lực lượng để tiến công tiêu diệt các tàu mặt nước của địch trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền; là lực lượng cơ động theo nhiệm vụ của Quân chủng.

Biên đôi tàu hộ vệ tên lửa Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân huấn luyện trên biển
Biên đôi tàu hộ vệ tên lửa Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân huấn luyện trên biển
Lực lượng của Lữ đoàn khi mới thành lập gồm các tàu tên lửa, tàu tuần tiễu tên lửa; các tàu phục vụ như HQ-950, HQ-936, HQ-631. Năm 2006, Lữ đoàn được trang bị tàu thế hệ mới hơn và năm 2011 tàu hộ vệ tên lửa (Gepard 3.9) đã có mặt sẵn sàng làm nhiệm vụ ở đơn vị.

Dù các loại tàu tên lửa mới được trang bị đều là thế hệ mới, tích hợp nhiều công nghệ số, trong khi đội ngũ sĩ quan, chuyên môn kỹ thuật còn thiếu kinh nghiệm quản lý, khai thác sử dụng nhưng với tư duy sáng tạo, các cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều cách làm mới trong tác phong chỉ huy, quản lý kỷ luật, huấn luyện và làm chủ trang bị. Do vậy,chỉ trong một thời gian ngắn Lữ đoàn 162 đã làm chủ, đưa vào khai thác tốt các trang bị mới, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Việc các loại tàu loại tàu của Lữ đoàn đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiêm vụ huấn luyện SSCĐ hàng năm, nhất là hoàn thành nhiều đợt diễn tập hiệp đồng quân binh chủng hay độc lập tác chiến trên biển xa. Các chuyến tuần tra chung, diễn tập, thăm các nước trong khu vực những năm gần đây đã khẳng định khả năng tổ chức chỉ huy cũng như làm chủ có hiệu quả các trang bị mới của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162.

Để có được bí quyết thành công bước đầu của Lữ đoàn trẻ này, Đại tá Phạm Hoài Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân cho biết: tác phong chỉ huy và tư duy quản lý, duy trì kỷ luật luôn khoa học, hiện đại là yếu tố hàng đầu. Người chỉ huy có tác phong làm việc hiện đại, khoa học sẽ hướng đồng đội đến tư duy và phong cách làm việc tương tự, khi đó tính kỷ luật và văn hóa quân sự sẽ được duy trì với tính tự giác cao.
Đơn vị kết nghĩa thăm tàu Lữ đoàn 162
Đơn vị kết nghĩa thăm tàu Lữ đoàn 162
Sáng tạo trong huấn luyện kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn


Để khai thác, quản lý tốt trang bị trong điều kiện công tác đào tạo, huấn luyện còn chưa theo kịp, Lữ đoàn 162 đã đề ra nhiều chương trình huấn luyện bổ sung để từng cán bộ, nhân viên thành thạo ở từng vị trí làm việc.

Ngoài việc tổ chức thường xuyên các lớp học ngoại ngữ tại đơn vị để cán bộ, chiến sĩ tiếp thu nhanh công nghệ từ chuyên gia nước ngoài, Lữ đoàn còn phát huy vai trò của quân nhân chuyên nghiệp, đội ngũ "xương sống" của con tàu, thường xuyên tổ chức thi các vị trí trưởng để nâng cao khả năng làm chủ trang bị kỹ thuật, nhất là những trang bị mới.

Theo đại tá Phạm Mạnh Hùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, để quản lý, khai tác tốt các trang bị tiên tiến, ngoài yếu tố con người, quán triệt nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên, việc duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật như: chế độ thao tác, kiểm tra vũ khí buổi sáng, chế độ bảo quản ngày, tuần, tháng, quí để duy trì sự đồng bộ của vũ khí, thiết bị khí tài là rất quan trọng. Ngoài ra, duy trì tốt chế độ kiểm tra, làm tốt việc thi đua khen thưởng kịp thời sẽ động viên, khuyến khích mọi cán bộ, chiến sĩ thi đua trên từng vị trí công tác.

Quán triệt nhiệm vụ trước khi đi biển ở tàu Lý Thái Tổ, Lữ đoàn 162
Quán triệt nhiệm vụ trước khi đi biển ở tàu Lý Thái Tổ, Lữ đoàn 162
Vươn ra biển lớn


Việc Lữ đoàn 162 tiếp nhận thêm nhiều trang bị mới không chỉ nâng cao đáng kể sức chiến đấu của đơn vị, mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về quản lý, huấn luyện sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật. Đại tá Tống Xuân Quân cho biết: để làm tốt nội dung này, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của mỗi một cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Cùng với việc quán triệt tốt tình hình nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm, để mọi cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền, việc đề ra các giải pháp về thu hút nhân lực, đào tạo cán bộ, chế độ chính sách phù hợp với đơn vị tàu chiến đấu rất quan trọng.

Một cán bộ, chỉ huy tàu của Lữ đoàn khẳng định, muốn xây dựng đơn vị hiện đại phải có con người hiện đại, trong đó tư duy, cách làm và chế độ chính sách cần đi trước một bước và luôn bám sát thực tiễn.

Mong rằng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo, bước vào năm con Rồng, Lữ đoàn 162 sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn ra biển lớn, xứng đang là đơn vị tiên phong về xây dựng chính qui, tinh nhuệ, hiện đại của Hải quân NDVN.





Theo Quân Đội Nhân Dân