Vụ cưỡng chế ở HP: Lãnh đạo huyện Tiên Lãng phàn nàn về báo chí

01/02/2012 06:35
Tuệ Minh
(GDVN) - "Những người bị kẻ sử dụng vũ khí bắn đổ máu, may mà không chết thì chưa ai hỏi han được câu nào mà chỉ về tìm những cái sơ suất nhỏ".
Chiều ngày 31/1, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng). Nói về số thủy hải sản trong đầm nhà ông Vươn, ông Khánh cho biết:

“Ngay trong ngày, sau buổi cưỡng chế, chúng tôi quản lý đầm rồi thì đoàn cưỡng chế đã tháo cống thông thủy". Và theo ông Khánh, khi đó hoa lợi trong đầm “không có cái gì”. Ông Khánh cũng cho biết thêm, việc làm trên dựa theo nguyên tắc, trước khi thu hồi có thông báo cho chủ đầm thu hoạch hoa lợi.

Theo ông Khánh, khi cưỡng chế, hoa lợi trong đầm nhà ông Vươn "không có cái gì"
Theo ông Khánh, khi cưỡng chế, hoa lợi trong đầm nhà ông Vươn "không có cái gì"
Theo ông Khánh: Việc xác định đúng sai trong vụ việc này là việc của cơ quan chức năng và khi nào có kết quả sẽ có thông báo chính thức tới cơ quan báo chí. Tất cả mọi vấn đề sẽ không thông tin được.

Ông Khánh cũng "phàn nàn": "Có những người (những người trong đoàn cưỡng chế - PV) bị kẻ sử dụng vũ khí bắn đổ máu, may mà không chết thì chưa ai hỏi han được câu nào mà chỉ về tìm những cái sơ suất nhỏ, những cái tiểu tiết để mà đưa lên. Mà một số cơ quan báo chí đã thông tin không đúng bản chất".

Khi được hỏi về những "tiểu tiết", những "cái sơ suất nhỏ" là gì thì ông Khánh không nói. Thậm chí, khi được chỉ cho biết khi có kết quả xác định đúng sai về vụ việc rồi mới có ý kiến.
Trước đó, theo chị Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý), toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống trong đầm đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết, trong đầm bây giờ em không thấy tăm cá, cua nào ngoi lên. Chính những người từng mua cua, cá nhà em những năm trước đã đến đây mua của họ”, chị Hiền nói.
Và theo chị Hiền, “họ” ở đây là người nhà gia đình T.K, một chủ đầm gần đó. “Chính nhà này đã cho người xuống tiếp quản đầm nhà em ngay sau khi anh Vươn bị bắt”.Khi đó, những người mới tiếp quản khu đầm nhà chị vẫn hàng ngày dùng các dụng cụ đánh bắt bằng điện để khai thác nguồn lợi nơi đây.

Những loại ngư sản giá trị nhất, họ đã đánh bắt cạn kiệt. Còn tôm, tép và những loại ngư sản nhỏ thì đang bị tận diệt bằng te điện, lưới điện. Chị Hiền cho biết thêm.

Chị Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn - bìa trái)
Chị Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn - bìa trái)
Chị nói, thông thường, trong nước tự nhiên ở khu đầm nuôi trồng nhà chị chỉ cần đầu tư thêm 40% con giống, số còn lại hoàn toàn là tự nhiên. Do đó, nếu dùng các phương tiện đánh bắt bằng điện, chắc chắn số con giống này sẽ bị chết. Sau này dù có tiếp quản lại thì việc phục hồi khu đầm sẽ rất lâu và khó khăn…
Trong khi đó, ông H., một chủ đầm ngay cạnh đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn cũng xác nhận: “Sáng hôm 6/1 (vụ cưỡng chế xảy ra sáng 5/1), tôi tỉnh dậy thì thấy đầm nhà anh Vươn đã bị tháo nước, hôm sau thì thấy nhiều người bắt cá, tôm. Có hôm tôi thấy 3 người dùng kích điện để bắt cá ở khu đầm này”…
Cũng trong buổi chiều ngày 31/1, tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, khi nói về ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý đã bị san phẳng, ông Khánh nói: “Không khẳng định ai phá ngôi nhà. Và đó không phải là ngôi nhà mà chỉ là túp lều tạm”. 
Theo ông Khánh, ngôi nhà đã bị san phẳng không thuộc khu vực cưỡng chế nên việc ngôi nhà bị san phẳng không thuộc trách nhiệm của đoàn cưỡng chế.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – TP. Hà Nội) cho biết: “Đoàn cưỡng chế phải biết trong đầm nhà ông Vươn có nhiều thủy hải sản.

Thủy sản lại không phải tất cả là do trời sinh ra. Như thế, đoàn cưỡng chế đã không thu hoạch mà lại đi tháo cống thông thủy có nghĩa phá hoại tài sản của người dân.
Mà theo tôi được biết khu đầm trong khu vực cưỡng chế nhà ông Vươn thuộc diện đang có tranh chấp về quyền sử dụng. Về nguyên tắc, khi đang có tranh chấp thì phải giữ nguyên hiện trạng. Họ nói như vậy là ngụy biện. Đó là hành vi hủy hoại tài sản được quy định trong bộ luật hình sự”.


Điều 143. (Bộ luật hình sự) Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.


3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.


4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.


5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuệ Minh