Bạn đọc "sôi sục" chuyện Hà Nội đổi giờ học giờ làm

03/02/2012 11:40
Theo Thu Phương -Ngọc Trâm/ Vnexpress
Hàng ngàn thư bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ những băn khoăn, bức xúc, phản đối lẫn tán thành, với những chia sẻ của mình sau khi Hà Nội đổi giờ học từ 1/2.

Có khoảng 80% độc giả nhận định những bất cập của việc đổi giờ học sẽ không đem lại nhiều hiệu quả trong việc giảm ùn tắc mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và đảo lộn nếp sinh hoạt gia đình.

Độc giả có nick Christnguyen chia sẻ cảm xúc "thật đáng giận" với hoàn cảnh riêng: "Trời còn tối thui, trong mưa phùn bẩn thỉu và gió rét căm căm, tôi đèo con ra bến xe buýt đi học lúc 5h45 sáng. Tối về con nó bảo vẫn muộn học vì xe buýt số 33 hoặc 50 (tuyến đường Thanh niên - Big C) không hoạt động tới tận gần 6h30 mới có xe. Tức là nó phải chờ thêm gần 1 giờ nữa trong mưa rét ở bến xe. Một thằng thanh niên học cấp 3 to khỏe mà về đến nhà là phờ phạc, mặt mũi tái mét. Càng thương con càng thấy giận cái quy định đổi giờ học này".

Trong khi đó một độc giả nữ tên Oanh lại lo lắng về việc con gái mình phải đi học về muộn và những hệ lụy của sự đổi giờ: "Con gái tôi phải đi xe bus nên 8h tối mới về đến nhà. Nhà ở xa, đường tối làm tôi thấp thỏm không yên cho đến khi nhìn thấy con về mới thôi. Vội vàng giục cháu ăn tối rồi lại lo học bài hôm sau, bát đũa thì mẹ phải dọn vì thấy con quá mệt.

Chả dám hỏi han cháu chuyện trường lớp thế nào vì thời gian buổi tối còn ít quá. Tôi tự hỏi liệu tình trạng này kéo dài thì sự gắn bó của cháu với gia đình sẽ thế nào, buổi cơm tối với gia đình là thời gian chuyện trò giữa các thành viên với nhau mà cháu không được tham gia, cháu sẽ mất định hướng và thiếu sự chia sẻ với gia đình. Thiết nghĩ việc này sẽ dẫn đến hệ lụy lớn cho xã hội và thế hệ trẻ sau này. Mong thành phố cân nhắc được mất".

Một ông bố khác cảm thấy quá mệt mỏi với thời gian học hành của con cái, điều đáng lo ngại nhất theo ông bố này là việc đổi giờ sẽ đánh mất sự kết nối gia đình vốn đã ít ỏi trong nhịp sống nhanh như hiện nay: "Học sinh THPT ngủ dậy lúc 5h, đi học bằng xe buýt lúc 5h30, ăn sáng tại căngtin trường, 7h vào học, trưa ăn tại trường, trước giờ tan học phải ăn tạm cho đỡ đói lúc 18h, học tiếp và tan trường lúc 19h30, đi xe buýt về đến nhà lúc 20h30, vệ sinh cá nhân và ăn một mình lúc 21h30, chuẩn bị sách vở cho ngày mai, quá ít thời gian để học bài hoặc học thêm.

Quá mệt mỏi phải đi ngủ lấy sức khỏe mai dậy sớm lúc 5h. Đó là thời gian biểu của con tôi. Gia đình là tế bào xã hội. Vậy mà giờ đây bị xáo trộn lớn. Học sinh 3 bữa không ăn ở nhà với gia đình sức khỏe không đảm bảo, không giúp bố mẹ được việc gì từ giặt giũ, lau nhà, rửa bát, giúp em học bài, quan hệ chòm xóm. Cần xem lại việc thay đổi giờ học và làm việc. Đảo lộn cuộc sống gia đình tất xã hội sẽ bị ảnh hưởng".

Và không ít phụ huynh có cùng bức xúc về sức khỏe của con trẻ không thể đảm bảo nếu cứ như thế này: "Con nhà tôi lớp 10, hôm qua cháu về phải ăn cơm một mình, người đau mỏi vì phải học 6 tiết, về không muốn ăn nữa vì khi đói lại không được ăn, vẫn phải học tiết cuối là thể dục ở trường. Nếu cứ tình trạng này chắc các cháu không đủ sức để học".

Hầu như các ý kiến của độc giả đều nhận định việc ra về của học sinh PTTH lúc 19h như quy định là quá muộn, chưa kể thời tiết Hà Nội trong những ngày mùa đông giá lạnh rất khổ sở cho các em học sinh. Bên cạnh đó, việc tồn tại hình thức học thêm sau giờ học chính hay tham gia các lớp học kỹ năng, ngoại khóa cũng bị đảo lộn vì như hiện nay các trung tâm ngoài giờ đều bắt đầu dạy từ khoảng 19h trở đi.

Không chỉ với học sinh THPT, các ông bố bà mẹ cũng ca thán nỗi khổ cho các bé mẫu giáo, như lời bạn đọc Nguyen Hoang: "Trước đây cháu nhà em 7h là trường mẫu giáo nhận. Thế là 7h10 em đưa qua và 7h15 là đến Công ty 8h để kịp điểm danh (vì nhà cách công ty hơn 10 km - nên đi mất 40 phút qua toàn các phố tắc). Bây giờ chuyển sang 7h30 nhà trường mới nhận, bố mẹ phải ký vào bản cam kết đồng ý với giờ bắt đầu là 7h30. Vậy em đưa con đi thế nào, chẳng lẽ thuê thêm người đưa đi vì trường 7h30 mới nhận?"

Tuy vậy khoảng 20% ý kiến độc giả cũng nhận xét rằng, 2 ngày qua đổi giờ đã thấy đường phố thông thoáng hơn vào buổi sáng, đem lại tín hiệu tích cực cho việc chống vấn nạn ùn tắc hằng ngày. Theo kết quả thăm dò trên VnExpress tính đến sáng 3/2, có 24,9% bạn đọc (520/2090 phiếu) cho rằng giao thông Hà Nội thông thoáng hơn sau đổi giờ.

Độc giả Sơn nhận xét: "Ngày đầu tiên đi làm theo khung giờ mới, tôi và các cán bộ cùng công ty đều thấy đường đi làm hôm nay đỡ tắc hơn nhiều. Nhiều người nghĩ rằng do sinh viên chưa đi học, nhưng theo ý kiến đám đông thì biện pháp này đã có hiệu quả. Tôi thấy thay đổi giờ làm và giờ học là đúng, nhưng cần xem xét kỹ hơn đối với mọi lứa tuổi và công việc. Theo tôi sinh viên thì thời gian và độ tuổi rất phù hợp với việc điều chỉnh này. Ngoài ra cần nhanh chóng xúc tiến việc di dời trường học và một số cơ quan hành chính ra ngoại thành tránh việc tập trung giao thông với mật độ cao, giảm việc xây chung cư tập trung, giảm mật độ dân số trên m2, tăng diện tích đường đi, có biển hiệu chỉ hướng đi hiệu quả. Mong rằng đường sá ở VN sẽ tốt hơn với những chính sách hiệu quả của nhà nước".

Nhiều bạn đọc kêu gọi sự hợp tác của người dân, chấp nhận xáo trộn đời sống riêng vì mục đích chung. Bạn đọc Anh Tú viết: "Sáng nay tôi thấy đường đi làm của tôi thật là thênh thang và tôi trở nên yêu cuộc sống này hơn, không phải bức xúc về giao thông HN nữa. Tôi thấy quyết định thay đổi giờ làm là cần thiết và tất nhiên để đạt được điều đó thì mỗi người phải hi sinh một ít. Không tránh khỏi ùn tắc ở 1 vài tuyến đường nhất định (do mật độ dân cư đông, đường nhỏ) nên mọi người nên nhìn nhận ở cái tổng thể ". Còn bạn Duong Nhung bày tỏ: "Từ ngày 1/2/ đi làm mình thấy đường Hà Nội không tắc nữa. Đổi giờ học thế này mình thấy cũng hợp lý, cần phải có thời gian để ổn định".

Anh Dương Thanh Hải cũng cho chia sẻ: "Giờ sáng đi làm tôi thấy đường cũng đỡ tắc đấy chứ. Tuyến đường qua cầu Chương Dương đỡ hẳn so với mọi ngày. Xe bus cũng đỡ đông hơn hẳn. Muốn tình hình giao thông thay đổi thì bản thân mỗi người phải chấp nhận thay đổi thói quen đi lại, sinh hoạt. Thay vì ngồi đó kêu ca thì tự sắp xếp lại lich sinh hoạt trong ngày với tình hình mới đi các bác ạ".

Và cũng có cả những lợi ích thiết thực như lời một bà mẹ: "Tôi bán hàng nên thường về muộn, thường phải 8 giờ tối mới dọn hàng nên cháu học về từ 5 giờ lại ra chơi điện tử. Quy định học muộn thế này, tôi đỡ phải lo con mải chơi vì nhà trường đã trông giúp".

Dù chiếm một số lượng ít hơn, nhưng ý kiến thể hiện sự tán đồng với quy định đổi giờ này cũng đưa ra những lý giải hợp lý. Bạn Danh Hậu viết: "Nói về vấn đề thay đổi giờ làm, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh thì chúng ta cũng phải chấp hành. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh, và hiện đại, thì tất nhiên phải chịu nhiều áp lực từ việc phát triển của xã hội ấy, nên nếu đã có quy định thì nên chấp hành, có thế thì mới ổn định được, đừng vì quyền lợi riêng của mình mà cứ ra luật một cái là kêu váng hết cả lên. Hãy thể hiện mình là người văn minh, có trình độ, sống và làm việc theo pháp luật."

Một số độc giả nhìn nhận việc đổi giờ với học sinh PTTH là phù hợp nhất cho các lứa tuổi học sinh, vì ở độ tuổi này các em đã có thể tự lập: "Tôi thấy là việc thay đổi giờ làm là hợp lý, trong thời gian đầu mới thay đổi tuy nhiên sẽ có các khó khăn nhưng khi đi vào guồng thì sẽ rất ổn. Các nhà trường dần sẽ sắp xếp xe bus đưa đón HS vì vậy bố mẹ ko cần phải lo giờ học của con nữa. Còn HS cấp 3 và ĐH đều lớn rồi tự lo cho mình được".

Độc giả Lưu Lợi so sánh điều kiện ở Hà Nội với các vùng khó khăn: "Học sinh cấp 3 rồi mà bố mẹ còn đưa đón. Hôm nay những vùng khó khăn của đất nước không ai không biết, nhưng có ai nói ra đâu. Những trẻ em đi học vài cây số đường rừng kiếm cái chữ, bụng có gì ngoài cơm mắn, muối. Hãy để các em tự lập đi. Cấp 3 rồi mà!"

"Các vị đi đường bị kẹt xe thì than thở là giao thông thế này thế kia nhưng khi có sự thay đổi để giảm kẹt xe thì lại chuyển sang than thở về việc thay đổi. Như vậy hình như không được hợp lý cho lắm. Cái gì cũng phải có thời gian để xem nó có hiệu quả không? Nếu thời gian tới mà nạn kẹt xe vẫn không giảm thì ý kiến vẫn còn kịp mà", anh Trương Quang Cường nói.

Bạn đọc nick Nguoi Dan nhắc lại chuyện xưa chuyện nay: "Tôi nhớ khoảng hơn 40 năm về trước khi mà CBCNV làm việc hành chính chia ra 2 buổi trong 1 ngày (sáng từ 6h đến 10h, chiều từ 14h đến 18h), ngày đó tôi còn đang đi học buổi sáng bắt đầu 7h và chiều là 13h. Sau đó nhà nước quy định lại giờ làm việc 8 tiếng và có giờ nghỉ trưa khoảng 1 tiếng 30 phút (ngày đó gọi là làm thông tầm từ 8h đến 16h30) và trẻ nhỏ thì vẫn đi học như giờ học trước đó tức là không đổi giờ, tại thời điểm đó khi mới thay đổi cũng có xáo trộn sinh hoạt, ví dụ hầu như nhà nào cũng không có bữa trưa ăn cùng nhau và bữa tối đang từ ăn muộn đẩy lên ăn sớm hơn rồi người đi làm phải mang theo thức ăn của bữa trưa, trẻ nhỏ ở nhà phải đi học buổi chiều phải tự lo bữa ăn trưa trước khi đi học... Rồi sau đó mọi việc cứ thế được thực hiện và moi người quen không cảm thấy phiền hà khi đã điều chỉnh lại thói quen. Vậy mới thay đổi bao giờ cũng sẽ thấy bất tiện, cần hy sinh thay đổi thói quen hoặc khắc phục khó khăn vì lợi ích chung và kỳ vọng là giao thông được cải thiện hơn và đem lại lợi ích khác cho chúng ta".

Sẽ còn rất nhiều những ý kiến trái chiều từ quy định đổi mới giờ học và giờ làm, mỗi ý kiến đều có những phân tích và chia sẻ thấu đáo và đó đều sẽ là những đóng góp không nhỏ cho việc nhìn nhận tác động và tính hiệu quả từ quyết định này

Học sinh Hà Nội kêu ca quá nhiều

Tôi luôn cho rằng các e ở Hà Nội đã quá được ưu ái sống trong nhung lụa và ánh sáng nên giờ khi mới khó khăn một chút đã kêu. Thử hỏi học sinh ở nông thôn, các tỉnh lẻ. Nào có nhiều điều kiện như các e ở đây. Đi học bằng xe đạp, thậm chí đi bộ. Đâu chỉ là vài ba cây số đường bộ, Có bạn còn phải đi đường rừng. Về nhà đâu chỉ có ăn với học như các bạn Hà Nội. Các bạn ấy về nhà còn giúp cha mẹ lợn gà, vườn ruộng. Bao giờ khi các bạn ấy ngồi vào bàn học thì cũng đã muộn. Ở tỉnh lẻ cũng đâu phải ai cũng có điều kiện cho con đi học thêm. Tại sao các bạn ấy vẫn đỗ được đại học? Ai đã từng về quê ở tỉnh lẻ thì biết. Trời tối nhanh hơn và làm gì có điện như ở Hà Nội. Nhưng có bao giờ thấy tỉnh lẻ kêu là khổ. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra ở Hà Nội. Hàng ngày cưỡi xe bốn bánh hoặc được bố mẹ chở đi bằng xe máy mới kêu ca như thế này. Cũng đừng kêu ca ko có thời gian cho việc học thêm. Vì học tốt hay ko là do chính bản thân sự cố gắng và nỗ lực của người đó.

suốt ngày tắc

chung quy thì cơ bản tại các tỉnh về hà nội đông quá,cứ tắc đường rồi nhìn xung quanh mình mà xem,được mấy người hà nội còn đâu toàn các tỉnh,chỉ có tết khi các tỉnh về rồi thì là hết tắc,chẳng cần đổi chác gì cả

Đổi nhưng phải hợp lý

Việc đổi giờ dù ít hay nhiều đương nhiên phải có tác dụng, Trước cả ngàn người đổ ra đường cùng một giờ nay giảm đi thì đương nhiên phải đỡ đông hơn. Nhưng không thể bắt học sinh cấp 3 hy sinh hẳn 2 tiếng của mình để đỡ ít phút tắc đường của những thành phần khác. Mọi sự so sánh với nông thôn, thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp đều là không phù hợp.Tại sao không có ban ngành nào xung phong tan sở lúc 19h thay cho học sinh cấp 3 đi. Học sinh cấp 3 , các thầy cô giáo và phụ huynh cũng tán thành đổi giờ, nhưng đổi sao cho hợp lý cho không quá xáo trộn cuộc sống, các thành phần khác chỉ điều chỉnh 30 phút sao bắt học sinh cấp 3 lùi hẳn 2 tiếng? Cho các cháu tan sớm hơn 30 phút hoặc tan vào lúc 18h chắc chắn sẽ ít ảnh hưởng và dễ chấp nhận hơn.

không lo học sớm hay muộn - chỉ lo hư

Nếu buổi trưa đi về thì nhà xa, đi và về hết gần 2h. Các cháu cấp III nghỉ 3h buổi trưa nếu ở tại trường thì ai quản lý ??? Quanh trường thì các tiệm Intenet quá nhiều, đôi khi còn có cả nhà nghỉ . Tuổi các cháu đang học khám phá, chơi bời. Ai dám đảm bảo các cháu không sa đà vào các tệ nạn xã hội ??? Sau quyết định thay đổi giờ này khoảng vài năm thì tệ nạn xã hội tăng đột biến, có ai chịu trách nhiệm không ???

Xem lại

Mọi người chứ nghĩ đến T1 là tháng ăn chơi sao? Đấy là dân lao động phổ thông còn chưa ào ra HN , và một số trường học còn chưa đi học hết . Cứ ngồi đấy mà chờ đường thông thoáng. Chứ nếu chở về bình thường thì chắc không ổn , chưa kể nhiều gia đình bắt đầu có ý định mua thêm xe cho các cháu đi học vì sự bất cập này.

anh huong den nhip sinh hoc

Không biết bộ giao thông đưa ra giải pháp này có tính đến việc sẽ làm thay đổi nhịp sinh học của các em không nhỉ. Có lẽ cần phải có nghiên cứu về vấn đề này. Bình thường các em về lúc 5rưỡi chiều, tập thể dục giải trí đến khoảng 7 h là bắt đầu học tối tới 11-12h, bây giờ 7h mới tan trường, 7 rưỡi tới nhà, tắm rửa ăn cơm xong cũng gần 8rưỡi rồi. đấy là chưa kể nhiều em còn bị áp lực học thêm nữa. khả năng tiếp thu bài ở lớp và tự học ở nhà chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, rồi thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. có lẽ bộ giao thông chưa xem xét vấn đề này

Thay đổi giờ làm

Tôi thấy về căn bản việc thay đổi giờ làm là cần thiết, song cần phải điều chỉnh sao cho hợp lý thôi. Như một số người nói là cứ để học sinh cấp 3 tự lo và so sánh với các vùng miền khác là vô trách nhiệm và quá thờ ơ với gia đình và mọi người xung quanh, vì nếu các vị thấy nơi nào đó là ổn thì cứ về đó mà sinh sống đi, lúc đó hãy lên tiếng, vì đây là Hà Nội, tình hình giao thông quá phức tạp nên để con cái đi về tối muộn như thế thì không thể nào mà yên tâm cho được.

Theo Thu Phương -Ngọc Trâm/ Vnexpress