"Chỉ vừa nghe tên Kangaroo đã muốn tẩy chay"

30/05/2011 23:46
(GDVN) - Mặc dù gây ấn tượng đối với người xem, nhưng quảng cáo Kangaroo lại gây phản cảm, khiến nhiều người quay ra tẩy chay sản phẩm này...

(GDVN) – Về quảng cáo Kangaroo, giới truyền thông – pr cho là rất ấn tượng. Tuy nhiên, chỉ với một câu slogan đơn điệu đi kèm theo tiếng “nổ” inh tai để tạo hiệu ứng âm thanh mạnh với tần suất dày đặc, vô hình chung đã tạo “phản ứng ngược”, khiến nhiều người quay ra tẩy chay sản phẩm này khi chỉ vừa nghe thấy tên.

>> Thư gửi Kangaroo và ông VTV!

Vì sao quảng cáo như Kangaroo gây phản cảm?

“Thông thường một quảng cáo truyền hình ít nhất phải đạt được 3 yếu tố tối thiểu: Thứ nhất là gây sự chú ý đối với người tiêu dùng. Thứ hai là tạo được cảm tình của người xem đối với quảng cáo đó và thứ ba là tạo được cảm tình với thương hiệu của sản phẩm quảng cáo. Xét trên bình diện này, quảng cáo của Kangaroo có thể nói là không thành công vì mặc dù thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhưng lại khiến họ có ấn tượng không tốt về sản phẩm đó, thương hiệu đó”, anh Thuận, người chuyên thiết kế ý tưởng quảng cáo tại Hà Nội cho biết.

Đoạn quảng cáo lặp đi lặp lại liên tục vào thời điểm nghỉ giữa hai hiệp đấu của trận chung kết Champions League theo kiểu “Uỳnh! Kangaroo - Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” đã thực sự gây phản cảm đối với khán giả truyền hình. Với kinh nghiệm chuyên môn, anh Thuận cho biết: “Bình thường, một tvc chỉ nháy lại 2 lần âm thanh đã là nhiều rồi, đằng này nháy liên tục tới 3 lần. Thậm chí có lần phát đúp 2 tvc cùng một lúc, tổng cộng có 6 lần âm thanh chát chúa đó phát ra liên tiếp, quất vào tai người nghe, gây khó chịu và rất ức chế. Hơn nữa, nếu quảng cáo đó được phát trong giờ sớm, lúc có nhiều người xem khoảng 7– 8 giờ tối thì khác, đằng này, lại vào ban đêm, khi tất cả xung quanh đang khá im ắng, nên nó rất phản cảm”.

a
Quảng cáo Kangaroo phát trên VTV3 khiến người xem phẫn nộ.
Theo anh Thuận, để làm được một quảng cáo hay, đi vào lòng khán giả, đem lại dấu ấn đặc biệt, đầu tiên phải xác định được đúng đối tượng mà mình nhắm tới. Sở dĩ, nước giải khát Dr Thanh nhanh chóng gây được chú ý của người xem bởi Dr Thanh sớm xác định được đối tượng mục tiêu để phục vụ của mình. Hình ảnh những cô, cậu thanh niên trẻ trung, năng động chạy nhảy, hát hò đã thực sự ấn tượng với thế giới tuổi teen và những ai vốn ưa thích sự vui vẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn.

Sau khi xác định được đối tượng, biết được nhu cầu của khách hàng, muốn gì, cần gì, suy nghĩ như thế nào, người sản xuất các chương trình quảng cáo (tvc) phải tìm mọi cách để thể hiện sao cho hình ảnh và âm thanh phù hợp với những gì mà khách hàng quan tâm.

“Ví dụ như khi quảng cáo về bất động sản, đối tượng cần nhắm tới là những tầng lớp sang trọng, cao cấp - những người có tiền chính vì vậy, đoạn video quảng cáo phải thể hiện rõ đẳng cấp của mình, các hình ảnh phải lung linh, đầy mời gọi như nhà hàng, khách sạn, bể bơi, đầy đủ tiệm spa, mát xa,…”, anh Thuận nói. 

Ngoài ra, để việc pr đạt hiệu quả, việc thông tin rõ ràng tới khán giả cũng vô cùng quan trọng. Quảng cáo gạch Prime, với hình ảnh viên gạch và mọi người nhảy theo hòa vào tiếng nhạc và tiếng reo hò, theo đánh giá của anh Thuận: Về cơ bản quảng cáo này hay, tuy nhiên lại không đạt hiệu quả vì người đầu tiên xem quảng cáo không thể đoán biết được đó là sản phẩm gì, nhà sản xuất tvc đã không thành công khi bắt người xem phải “đoán già, đoán non” mãi.

a
Sản phẩm máy lọc nước kangaroo "nổi như cồn" trên mạng.

Trở lại bàn về quảng cáo Kangaroo, giới truyền thông – pr cho là rất ấn tượng. Tuy nhiên, chỉ với một câu slogan đơn điệu đi kèm theo tiếng “nổ” inh tai để tạo hiệu ứng âm thanh mạnh với tần suất dày đặc, vô hình chung đã tạo “phản ứng ngược”, khiến nhiều người quay ra tẩy chay sản phẩm này khi chỉ vừa nghe thấy tên. “Giá mà máy lọc nước Kangaroo quảng cáo ít thôi vừa đỡ tiền lại không gây ức chế cho người xem, có lẽ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn”, anh Tô Ngọc Huy, một tín đồ của túc cầu giáo theo dõi truyền hình đêm trận chung kết nhận xét.

Kangaroo có phạm luật quảng cáo?

Ngay sau khi bức thư gửi Kangaroo và ông VTV đăng tải trên Giáo Dục Việt Nam, phản hồi của độc giả về giaoduc.net.vn, bạn Trịnh Văn Hòa cho biết: Trước đây, Kangaroo đã từng có một quảng cáo truyền hình về sản phẩm của mình với hình ảnh hai mẹ con nói chuyện trong quá trình rửa bát đũa. Người mẹ tư vấn với con: Lấy nước ở máy lọc nước Kangoroo thì hiệu quả hơn. “Bây giờ lại tự nhiên xuất hiện quảng cáo “độc chiêu” kiểu này, chắc có lẽ là quảng cáo trước không thành công, nên Kangaroo tức quá, muốn hút người tiêu dùng bằng mọi cách sao?”, bạn Hòa không khỏi thắc mắc.

Nếu xét về luật thì quảng cáo máy lọc nước Kangoroo không hề vi phạm. Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16/11/2001 về quảng cáo có quy định rõ: “Báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau hình hiệu, trong chương trình thời sự”. Trong khi đó, theo ghi nhận của khán giả xem truyền hình cả nước, mặc dù bị nghe tra tấn đoạn điệp khúc “Uỳnh! Kangaroo - Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” tận 54 lần trong một đêm, nhưng nếu xét về số lần trình chiếu tvc thì chỉ khoảng 5 – 7 lần.

“Xét về các nguyên tắc và quy định của quảng cáo, các hình ảnh không hề nhạy cảm và cả âm thanh của quảng cáo này đều không vi phạm. Tuy nhiên, việc quảng cáo này lại gây phản cảm đối với người xem khi tần số xuất hiện quá dày đặc và âm thanh mạnh, quá chói tai – Điều này cả bên cung cấp tvc và ban kiểm duyệt, đăng tải đều phải nhận một phần trách nhiệm. Chỉ trong một thời gian ngắn mà phát đi, phát lại nhiều lần như vậy, Trung tâm dịch vụ quảng cáo của Đài Truyền hình Việt Nam (Tvad) cũng có lỗi trong chuyện này”, anh Long, trưởng phòng pr của một công ty truyền thông tại Hà Nội nhấn mạnh.

>> Thư gửi Kangaroo và ông VTV!

Phương Hạ