Đi nhặt xuân tàn, kiếm tiền triệu từ bãi rác

04/02/2012 13:03
Cao Nguyên
(GDVN) - Hết Tết, những cây quất cảnh trị giá tiền triệu bỗng trở thành rác thải, nhưng nó lại là nguồn sống, cơ hội kiếm tiền của những người trồng quất. 
Sau Tết, phần lớn những cây quất cảnh đều được người chơi vứt bỏ, cho dù giá trị lúc mua về chơi lên đến cả chục triệu đồng. Nhưng nó lại là nguồn sống khi vào tay của người nông dân trồng quất.

Cũng từ những cây quất bị vứt bỏ, người nông dân đã về trồng tái sinh để kiếm tiền triệu cho mùa Tết năm sau.
Những người nông dân trồng quất cảnh tái sinh, sau Tết thường đi chở về trồng lại, thu nhập từ việc này lên đến hàng chục triệu đồng
Những người nông dân trồng quất cảnh tái sinh, sau Tết thường đi chở về trồng lại, thu nhập từ việc này lên đến hàng chục triệu đồng
Không chỉ đơn thuần là đi tìm và nhặt cây quất cảnh từ những bãi rác mà những người nông dân trồng quất cảnh chuẩn bị hành trình cho mình khá chu đáo với chiếc xe thồ trang bị đầy đủ dây buộc, giá đỡ.

Có nhiều công ty, gia đình... ở phố Hà Nội, hết Tết đào, quất cảnh bỗng nhiên trở thành "của nợ”. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty, gia đình trước Tết phải bỏ ra một số tiền khá lớn mới có được cây quất đẹp nên đến nay họ vẫn nấn ná để lại chơi thêm ít ngày nữa, thậm chí nhiều nơi còn để khi nào quất cảnh héo khô, không còn sức sống mới bắt đầu đem đi vứt bỏ. 

Theo anh Lê Quang Nhật  - một hộ dân chuyên trồng quất tái sinh khác tại vùng quất cảnh ở Tứ Liên cho biết: Để trồng được một cây quất cảnh đẹp có giá trị phải mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, việc tạo thế cây, uốn nắn cây cho đẹp cũng rất khó. Trong quá trình thu hoạch, hầu hết những cây có dáng đẹp, lâu năm đều được các chủ vườn cho thuê, rất ít người bán. Thậm chí, nếu khi khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua thì phần lớn chủ vườn cũng luôn có ý định ngỏ lời xin gốc sau khi khách hàng chơi xong Tết.
Việc đi nhặt những gốc cây từ các bãi rác, với người trồng quất cảnh có nhiều thuận lợi như đỡ tốn tiền mua giống mà lại có được giống tốt, lâu năm.
Việc đi nhặt những gốc cây từ các bãi rác, với người trồng quất cảnh có nhiều thuận lợi như đỡ tốn tiền mua giống mà lại có được giống tốt, lâu năm.
Để quất tái sinh sinh trưởng tốt, sau khi đưa quất trở lại ruộng, người trồng phải dỡ hết dây thép tạo thế, trẩy hết quả cũ, cắt bớt cành và lá sau đó bắt đầu công đoạn "phục hồi" sức sống cho cây. Tuy nhiên, theo anh Nhật, nếu muốn quất trồng tái sinh sống khỏe thì phải xin về trồng càng sớm càng tốt.

Còn theo chị Bùi Thị Lý, một hộ dân trồng quất cảnh tại xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội), với những cơ quan hay gia đình đang sở hữu những cây quất gốc to, thế đẹp thì người đi xin phải đặt vấn đề mua lại, với giá có khi cả triệu đồng mỗi cây. Còn lại phần đa những chậu quất dạng tháp, cỡ vừa (mua trước Tết từ 500.000 - 1.5 triệu đồng), chủ nhân thường chơi xong rồi vứt bỏ hoặc cho không và có thể bán lại với giá chỉ từ 50 – 100 nghìn đồng/chậu.

Theo chị Lý, việc đi nhặt xuân tàn, từ các bãi rác vừa nhanh, kinh tế lại khá. Sau khi thu hoạch, ra Tết phải xuống giống mới, mà giống quất con một năm tuổi hiện có giá tương đối cao. Trong khi đó, nếu xin quất về trồng tái sinh, chịu khó chăm sóc quất sẽ phát triển nhanh hơn, cuối năm kích cỡ quất lại to hơn các hộ vào giống mới. Thế là được lợi cả đôi đường, vừa đỡ tiền giống, vừa có nguồn giống tốt.  
Xuân tàn trên những xe rác.
Xuân tàn trên những xe rác.

Trái ngược với quất, đào cũng là một trong những loại cây cảnh được nhiều người chơi ưa chuộng. Tuy nhiên, với những cây đào cảnh, gốc khủng thường được người dân thuê về chơi Tết, sau khi hết Tết các chủ vườn lại chở xuống vườn chăm sóc cho vụ sau.

Cao Nguyên