Bất chấp cảnh báo liên cầu khuẩn, thực khách vẫn khoái khẩu tiết canh

30/05/2011 11:41
Bà chủ quán phân bua: "Nhiều người cũng bảo đang có dịch liên cầu lợn nên không ăn tiết canh nhưng quán nhà cô ngày nào cũng phải bán được vài chục bát".

Bà chủ quán phân bua: "Nhiều người cũng bảo đang có dịch liên cầu lợn nên không ăn tiết canh nhưng quán nhà cô chưa bao giờ vắng khách. Mỗi ngày cũng phải bán được vài chục bát".

Theo ghi nhận của PV, tại một số cửa hàng bán lòng lợn tiết canh ở khu vực Hà Đông hoạt động vẫn rất tấp nập.
 
Bất chấp cảnh báo nhiều trường hợp ăn tiết canh lợn bị tử vong do bệnh liên cầu khuẩn nhưng tại các quán lòng lợn tiết canh trên khắp các phố Hà Nội, rất đông thực khách vẫn vô tư ăn món khoái khẩu này.

Món "khoái khẩu" vẫn đắt khách

Ngày 29/5, theo ghi nhận của PV, tại một số cửa hàng bán lòng lợn tiết canh ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) hoạt động rất tấp nập, bất chấp nguy cơ dịch bệnh đang chực chờ.

8h sáng, khi phóng viên có mặt ở đường Chiến Thắng (phường Văn Mỗ, quận Hà Đông) chỉ trên một đoạn phố ngắn đã có tới 2 quán cháo lòng tiết canh. Phóng viên vừa dừng xe, chủ quán cháo lòng tại số 34 đường Chiến Thắng vồn vã mời chào. Thấy chúng tôi e dè chuyện ăn tiết canh đang mùa có dịch, bà chủ quán phân bua: "Nhiều người cũng bảo đang có dịch liên cầu lợn nên không ăn tiết canh nhưng quán nhà cô chưa bao giờ vắng khách. Mỗi ngày cũng phải bán được vài chục bát".
 

 Một bát tiết canh có trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho người.
Một bát tiết canh có trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho người.

Quán này mở cửa từ 5h30 sáng cho đến trưa. Theo quan sát của phóng viên, quán lúc nào cũng tấp nập thực khách ra vào thưởng thức món tiết canh. Nhiều khách sau khi ăn xong còn mua đem về nhà tỏ vẻ không kiêng dè trước dịch bệnh đang hoành hành.

Cạnh bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cũng mọc rất nhiều quán tiết canh cháo lòng. Tại một quán cháo lòng tiết canh gần bến xe này mới đầu giờ sáng đã có tới gần 10 vị khách đang ngồi ngâm nga "chén chú, chén anh". Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn những thực khách này là người lao động tay chân, xe ôm. Tiết canh được chủ đánh sẵn bày ngay trên mặt bàn chẳng cần che hay cho vào tủ kính. Khi khách gọi tiết canh là bà chủ tay không rúm ít lạc rang giã nhỏ rắc lên và phủ 2 - 3 miếng gan lợn.
Việc người dân thờ ơ, hàng quán "thả nổi" về vệ sinh đối với các loại tiết canh, không chỉ diễn ra ở một vài nơi... Ngay dọc tuyến phố Định Công, chỉ cần đi khoảng 1km đã có tới 3 quán tiết canh, cháo lòng. Quán nào cũng tấp nập người. Bà Liên, chủ quán tiết canh ngay chân cầu Định Công cho biết: "Từ đầu mùa hè đến giờ, đài báo cứ ra rả nói về dịch liên cầu lợn, dịch tai xanh, không nên ăn tiết canh... nhưng quán của tôi mỗi ngày vẫn bán được 20 bát, thậm chí có hôm còn nhiều hơn".

Bất chấp dịch bệnh


Tại số nhà 298 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân (Hà Nội), Quán Lò nổi tiếng là “thủ phủ" của tiết canh. Ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều người vào ăn sáng. Chỉ tính riêng hai dãy bàn đã có khoảng 15 người vẫn đang ăn món tiết canh, rau sống.

Chúng tôi gọi một bát cháo lòng, ngồi một lúc thì có thêm vài thực khách khác. Ngồi đối diện với chúng tôi là một người đàn ông gọi một bát tiết canh, rắc thêm ít hạt tiêu vào bát và ăn “ngon lành" cùng rau thơm. "Đang dịch liên cầu lợn, anh không sợ à mà ăn tiết canh" - PV hỏi. Người đàn ông này cười: “Ăn tiết canh rồi uống rượu thì vi khuẩn sống sót sao được. Mà dịch ở đâu chứ có ở đây đâu mà lo. Những trường hợp tử vong do ăn tiết canh là vì... không biết cách ăn. Cứ uống rượu vào là không thể chết được".

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề dịch bệnh, hầu hết thực khách đều cười cho qua chuyện. Anh Nguyễn Văn Đoàn, tài xế taxi cho biết: "Nghe mọi người nói về bệnh liên cầu lợn hơi sợ khi ăn tiết canh nhưng quán này là quán quen nên cũng yên tâm. Mình cũng "nghiện" món ăn này vì tiết canh vừa mát, vừa có vị bùi của lạc, vị thơm của thịt, sụn nướng ăn kèm rau thơm thì còn gì bằng. Nó cũng rẻ tiền, lại vừa... bổ máu".

Dạo tiếp lên phố Hàng Thùng, con phố nổi tiếng với việc bán lục phủ, ngũ tạng của lợn, đặc biệt là lòng non, chúng tôi vào hàng Lan Chí, số 5 Hàng Thùng đã gần giờ cơm trưa, thực khách bắt đầu kéo đến. Một thanh niên đang ngồi ăn tiết canh, vừa lúc hết một bát lại thấy gọi thêm bát thứ hai và thêm một chén rượu. Tôi hỏi chị chủ cửa hàng: "Chị vẫn bán tiết canh à, giờ mà vẫn có người ăn sao?". Chị cười: "Ăn chứ, tiết canh lợn thì có làm sao. Ngày nào chị chẳng làm tiết canh, từ sáng đến trưa là bán hết sạch".

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, ở Đống Đa chia sẻ: Hầu như cuối tuần nào, mấy anh em làm cùng công trường cũng rủ nhau đi nhậu. Người ta cứ sợ ăn tiết canh vì mất vệ sinh chứ tôi ăn hoài có việc gì đâu. Cháo lòng tiết canh là món ăn bình dân nên cánh nhậu rất thích. Với lại nó cũng rẻ, chỉ cần dắt túi khoảng 200.000 - 300.000 đồng là hai ba anh bạn có thể vào quán lòng lợn tiết canh lai rai một bữa ra trò.

Trong khi dân nhậu vẫn vô tư ăn tiết canh theo thói quen thì thông tin cảnh báo của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội là điều đáng phải suy nghĩ: Người dân quan niệm về tiết canh mát, bổ nhưng thực chất đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Tiết canh là máu tươi của gia súc, gia cầm. Tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.
 
Bệnh liên cầu ở lợn do vi khuẩn streptococcus suis gây nên. Việc truyền bệnh từ lợn sang người có thể qua các vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh. Những người dễ nhiễm bệnh từ lợn gồm người làm việc ở trang trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, đặc biệt là người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu tháng 5 đến nay, cả nước đã có 14 trường hợp mắc liên cầu khuẩn ở lợn nặng phải nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp tử vong. Cũng theo thông tin từ viện này, có tới gần 60% số bệnh nhân mắc liên cầu lợn là do ăn tiết canh và thịt lợn tái.


Theo Gia đình&xã hội