PGS. Văn Như Cương: “Giáo sư Việt Nam chịu khổ quen rồi…”

07/02/2012 06:00
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) “Chính bản thân tôi cũng đã từng sống và nghiên cứu khoa học trong điều kiện còn “khổ” hơn như thế… Giáo sư ta chịu khổ quen rồi”

Sau khi báo chí đăng tải bài báo:“Vị giáo sư sử học trong căn phòng 6 mét vuông” phản ánh câu chuyện GS Sử học nổi tiếng Lê Văn Lan nghiên cứu khoa học trong căn phòng vỏn vẹn 6 mét vuông, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với GS. Văn Như Cương xung quanh vấn đề này.

GS. Văn Như Cương bất ngờ khi một giáo sư nổi tiếng như GS. Lê Văn Lan phải sống và nghiên cứu khoa học trong một không gian quá chật hẹp nhưng cũng coi đó là một chuyện bình thường vẫn thường thấy trong giới giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ… hiện nay.

Chính bản thân GS. Văn Như Cương cũng đã từng sống và nghiên cứu khoa học trong điều kiện còn khổ hơn thế. Hiện nay, nhiều GS, PGS… cũng đã và đang có chung hoàn cảnh như vậy.

Dưới đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

- Thưa GS. Văn Như Cương, GS có biết đến bài báo “vị giáo sư sử học trong căn phòng 6 mét vuông” được báo chí vừa đăng tải?

GS. Văn Như Cương: Tôi cũng vừa đọc được thông tin này trên báo chí hôm nay.

- GS có cảm xúc như thế nào sau khi đọc được những thông tin này về GS Sử học Lê Văn Lan?

GS. Văn Như Cương
GS. Văn Như Cương

GS. Văn Như Cương: Tôi thấy bất ngờ và có chút sửng sốt khi đọc được thông tin này. Tôi không nghĩ một vị giáo sư có tài, nổi tiếng… và có nhiều đóng góp cho khoa học như anh Lan lại phải sống và nghiên cứu trong một không gian quá chật chội như vậy.

- Theo GS, đây có phải là một câu chuyện đặc biệt và hiếm gặp?

GS. Văn Như Cương: Nó có phần đặc biệt khi được gắn vào một vị GS nổi tiếng như GS Sử học Lê Văn Lan. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây là một câu chuyện gì hiếm gặp. Bởi đó là chuyện rất bình thường trong giới GS, PGS, TS chúng tôi.

Chính bản thân tôi cũng đã từng sống, học tập và nghiên cứu khoa học trong điều kiện còn “khổ” hơn như thế. Tôi cùng vợ và 3 đứa con gái đã từng chỉ có 11 mét vuông đất để sinh sống. Tôi cũng được biết, hiện nay rất nhiều GS, PGS, TS cũng đang phải sinh sống, học tập, nghiên cứu khoa học trong những không gian còn chật hẹp hơn như thế.

Minh chứng là bạn tôi, nhà văn Sơn Tùng vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” còn đang khổ hơn nhiều. Tuy nhiên, họ vẫn vui vẻ, vẫn cống hiến và coi đó là chuyện hết sức bình thường.

- GS nhận định như thế nào về căn phòng 6 mét vuông của GS Sử học Lê Văn Lan? Đó có phải là không gian nghiên cứu phù hợp với một GS?

GS. Văn Như Cương: 6 mét vuông không hề rộng rãi thậm chí còn phải gọi là chật chội. Tuy nhiên, 6 mét vuông để làm không gian sinh sống và nghiên cứu khoa học với một GS không phải là chuyện không thể. Chẳng phải GS Sử học Lê Văn Lan đã cả đời sinh sống, nghiên cứu và cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học từ gian phòng chỉ 6 mét vuông đó sao.

Với điều kiện của GS. Sử học Lê Văn Lan, anh ấy hoàn toàn có thể chuyển đến một nơi rộng rãi, khang trang hơn để sinh sống và nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi người một sở thích, một quan điểm, một tiêu chuẩn khác nhau. Và tôi thiết nghĩ, GS Lê Văn Lan thích một không gian như vậy để nghiên cứu, cống hiến cho khoa học... và hài lòng với không gian sống đó của mình.

- Trên cương vị là một GS, GS có chia sẻ như thế nào về chế độ đại ngộ mà Nhà nước ta đã và đang dành tặng cho các GS, PGS, TS hiện nay?

GS. Văn Như Cương: Đòi hỏi thì vô cùng. Bản thân tôi là một GS đã về hưu, tôi thấy mình “đủ sống” với đồng lương GS về hưu của mình. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước ta với hàm GS, PGS, TS hiện nay có thể chưa thật cao, chưa thật xứng đáng với nhiều trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, mặt bằng chung là tương đối, có thể chấp nhận được. Để giàu có được bằng đồng lương GS là chuyện không thể.

Căn phòng 6 mét vuông của GS. Sử học Lê Văn Lan (Ảnh Hoàng Hải)
Căn phòng 6 mét vuông của GS. Sử học Lê Văn Lan (Ảnh Hoàng Hải)

- Chính sách đãi ngộ đó của Nhà nước có đảm bảo cho một GS yên tâm nghiên cứu khoa học và cống hiến cho đất nước?

GS. Văn Như Cương: Thế nào mới là đủ? Thật khó để trả lời. Một GS chân chính, một nhà khoa học chân chính không bao giờ tính toán đến đồng lương GS mà hàng thắng, hàng năm Nhà nước trả cho anh ta là bao nhiêu. Cái mà các nhà khoa học chân chính quan tâm là họ đã nghiên cứu và cống hiện được cái gì cho khoa học. Giới GS chịu khổ quen rồi…

- Tại sao GS lại dùng câu: “Giới GS chịu khổ quen rồi?”

GS. Văn Như Cương: Không có gì khó hiểu. Bạn hãy dùng một phép tính để giải thích cho hiện tượng này. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các GS, các PGS lại chưa kể đến các TS, các Th.S. Ngân sách Nhà nước có hạn. Thêm vào đó là năng lực của từng người khác nhau. Không phải ai có hàm GS, PGS cũng có những nghiên cứu, cống hiến khoa học cho đất nước. Để đòi hỏi một chế độ đãi ngộ cao hơn, đồng bộ hơn cho tất cả là điều chưa thể có và cũng không được công bằng. Do đó, khi vàng thau lẫn lộn thì tất cả đều phải chịu một cơ chế đãi ngộ như nhau.

- Chúng ta nên có một chính sách đãi ngộ với hàm GS như thế nào cho hợp lý khi vàng thau đang lẫn lộn như hiện nay, thưa GS?

GS Văn Như Cương: Đó là xét theo năng lực. Ai có năng lực, có đóng góp, cống hiến nhiều thì cần một chế độ ưu tiên hơn. Chúng ta cần phải kích cầu để không lãng phí tài năng và chất xám của các GS.

- Cám ơn những chia sẻ của GS. Văn Như Cương với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Đầu Xuân, chúc GS thật nhiều sức khỏe và tiếp tục có những cống hiến cho giáo dục!

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Thu Hòe (thực hiện)