Hình thành mô hình Khu Đại học tập trung Sài Gòn – Long An

31/05/2011 07:26
(GDVN) - Khu Đại học Sài Gòn - Long An nằm trên xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách TP.HCM 17km, do Hiệp Hội Các Trường ĐH ngoài công lập làm chủ

(GDVN) - Tại Việt Nam, thời gian gần đây xuất hiện khái niệm Đô thị đại học hay Khu đại học tập trung. Ở nước ngoài, đây là một mô hình đã khá phổ biến, được thực hiện ở nhiều đô thị, tuy nhiên ở nước ta, mô hình đô thị đại học vẫn còn ở trong giai đoạn thể nghiệm và hoàn thiện.

{iarelatednews articleid='2096,442'}

Đô thị Đại học có thể hiểu đơn giản là sự tập hợp một số trường đại học và các viện nghiên cứu trên một địa bàn được quy hoạch thống nhất, hợp lý; chúng có những mối hợp tác đa phương hoặc song phương với nhau về khoa học và về đào tạo; có thể sử dụng chung về nhân lực, về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Ở đây hình thành một môi trường học thuật, một sức mạnh với cấp số nhân của hệ thống. Việc đầu tư tập trung như vậy sẽ rẻ hơn, đem lại hiệu quả cao hơn.

Khu  Đại học Sài Gòn - Long An nằm trên xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh  hơn 17km, có diện tích khiêm tốn 210 ha, do Hiệp Hội Các Trường Đại học và Cao Đẳng Ngoài Công Lập làm chủ dự án, được Chính Phủ cho phép, được tỉnh Long An cấp đất.

TS
GS.TS Trần Hồng Quân
 Chúng tôi không dùng từ “đô thị” là để tránh sự ràng buộc theo các tiêu chí của một đô thị hành chính, nhưng đây thực chất là một Đô thị đại học và nghiên cứu khoa học. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng một khu ĐH tập trung của các trường ngoài công lập, dự kiến phát triển thành làng ĐH với không gian học tập và sinh hoạt hiện đại, đáp ứng tốt các nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên. Xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ, hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành, các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Tổng thể khu đại học Sài Gòn - Long An được quy hoạch cho 8 trường đại học, một số viện nghiên cứu và các xưởng sản xuất thử. Trong đó, diện tích này là quá nhỏ so với các nước khác trên thế giới nhưng cũng tương đối phù hợp với điều kiện Việt Nam khi mà hàng chục trường đại học kể cả các trường công lập lâu năm cũng chỉ rộng vài ha, thậm chí có nhiều trường không đến một ha.

Điểm nhấn mấu chốt trong thiết kế cảnh quan của Khu Đô thị Đại học Sài Gòn - Long An được quy hoạch trên cơ sở khai thác sinh thái sông rạch, ba phía có sông lớn, bên trong giữ các rạch nhỏ, có hồ liên thông với sông khi nước triều lên và ngăn cách giữ nước khi triều xuống. Đề án quy hoạch này mà tác giả là Hội KTS TP Hồ Chí Minh, đã được chọn sau một cuộc thi với nhiều cơ quan quy hoạch thiết kế tham gia.

Trong đó, các khu trường ĐH được bố trí tập trung bên trong khu đất có không gian tương đối yên tĩnh, quan hệ thuận tiện với các khu chức năng khác của khu ĐH. Không gian học tập, nghiên cứu của từng trường, từng cơ sở đào tạo được tổ chức phù hợp yêu cầu và đặc trưng công nghệ của từng loại hình trường, cơ sở đào tạo thành viên. Mật độ xây dựng cũng được cân nhắc và lựa chọn 40%, các khối nhà học có tầng cao trung bình khoảng 5 tầng.

Ở khu đại học này, các cơ sở hạ tầng khoa học dùng chung gồm có: Thư viện trung tâm, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm tính toán, Trung tâm đo lường chính xác, Phòng thí nghiệm sinh học phân tử và vi sinh, Phòng họp trực tuyến, Hội trường lớn... Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dùng chung gồm có: Ký túc xá sinh viên, khu nhà khách cho giảng viên, nhà ăn, bệnh viện, sân vận động, nhà văn hóa và giải trí, siêu thị... Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu dùng chung gồm có: hệ thống điện, nước, thông tin, giao thông nội bộ và tuyến xe nối với TP Hồ Chí Minh...

Được bố trí ở trung tâm khu quy hoạch, nhóm các công trình công cộng đối ngoại dùng chung cho cả sinh viên và cộng đồng dân cư xung quanh được bố trí đan xen, nằm ở các điểm nút giao thông thuận tiện cho việc sử dụng.
 

Ảnh minh họa: Khu đô thị Đại học
Ảnh minh họa: Khu đô thị Đại học

Hệ thống các khu công trình đối nội được thiết kế quy hoạch tích hợp trong một khối nhà cao tầng, vừa có ý nghĩa về quy hoạch cảnh quan, làm điểm nhấn chủ đạo cho tổng thể không gian khu ĐH tập trung.

Cây xanh cũng là một đặc trưng trong thiết kế, quy hoạch cảnh quan khu đô thị ĐH. Cây xanh hiện hữu ở hầu hết khắp nơi, được nhấn mạnh sử dụng như là một nhân tố chính giúp kết nối các giá trị kiến trúc công trình của khu ĐH tập trung với cảnh quan sông nước rất đặc trưng miền Long An. Mô hình khu cây xanh tập trung bố trí ở trung tâm khu các trường ĐH và trung tâm khu phát triển công nghệ. Mô hình khu cây xanh kết hợp công trình Thể dục thể thao bố trí gần khu Ký túc xá phía Đông Bắc khu quy hoạch. Đây cũng là hai mô hình bố trí cây xanh trong quy hoạch, giúp tạo điểm nhấn không gian xanh trong tổng thể khu ĐH tập trung cũng như tạo sự cân bằng về sinh thái.

GS.TS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp Hội Các Trường Đại học và Cao Đẳng Ngoài Công Lập)