Quảng Ninh: Mìn nổ, đổ nhà, muốn sống thì ...chạy!

31/05/2011 08:24
(GDVN) - Đến giờ là… chạy, chờ mìn nổ xong mới dám về nhà. Mới đây nhất, ngày 26/5, sau khi mìn nổ, một nhà dân đã sập xuống, vùi lấp nhiều tài sản...

(GDVN) - Đến giờ là… chạy, chờ mìn nổ xong mới dám về nhà. Mới đây nhất, ngày 26/5, sau khi mìn nổ, một nhà dân đã sập xuống, vùi lấp chiếc xe máy và nhiều tài sản giá trị. Con nhỏ mất chưa lâu, gia đình này phải chuyển cả bàn thờ đi lánh nạn!... Đó là một góc bức tranh đời sống người dân ở tổ 11, 12 khu 4 (phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) ngày đêm phải “sống trong sợ hãi” với những vụ nổ mìn ở khai trường của Cty CP than Núi Béo – TKV kéo dài nhiều năm nay...

Đã mất con, nhà còn sập

Chúng tôi đến căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiều và bất ngờ bởi khung cảnh tan hoang, bừa bộn gạch vữa. Không có bàn tay dọn dẹp, mọi thứ vẫn nguyên hiện trạng như thời điểm các bức tường sụp xuống vì vụ nổ mìn bên khai trường mỏ than Núi Béo. Chiếc xe máy nằm chổng bánh giữa đống đổ nát. Bàn ghế, loa đài, tủ kính… lăn lóc trong căn phòng đã bị giật tung cả mảng tường lớn kèm theo nhiều vết xé hãi hùng từ nóc xuống móng nhà.

5: Nơi ở của hàng chục hộ dân ở đây đã tan hoang vì nổ mìn nhiều năm nay nhưng công ty than và chính quyền vẫn chưa có một biện pháp dứt điểm nào. Ảnh: Việt Nguyễn

Nơi ở của hàng chục hộ dân ở đây đã tan hoang vì nổ mìn
nhiều năm nay nhưng công ty than và chính quyền vẫn chưa có
một biện pháp dứt điểm nào. Ảnh: Việt Nguyễn

Gia chủ không có mặt. Bà con hàng xóm xúm lại “kể tội” của người đã gây ra thảm cảnh này. Chúng tôi ngạc nhiên vì họ rất xúc động, trong khi không có thiệt hại nào về người.

Bà Trần Thị Liên, 44 tuổi, cùng ở tổ 11 mới cho biết: “Khổ lắm chú ạ, nhà ông ấy vừa mới mất con khoảng chục ngày, bây giờ thì nhà cửa tan hoang ra thế này.

Họ phải đưa cháu đi ở nhờ nhà khác (đưa bàn thờ đi chỗ khác – PV), chứ tâm trí nào mà dọn dẹp rồi thống kê thiệt hại này khác nữa. Đấy, bộ bàn ghế uống nước cũng mang ra giữa sân mà đặt để tiếp khách. Phường sở tại và phía công ty mỏ chỉ đến kiểm kê rồi về mà không quên dặn nếu nguy hiểm quá thì… đi!”.

Chúng tôi định chui vào căn nhà để chụp ảnh thì một người khác cầm tay kéo lại, bảo: “Vào đó làm gì, nó sập nốt thì chết người chứ không đùa đâu!”.

Con ngõ bằng bê tông cũng nứt toác vì những vụ nổ mìn. Ảnh: Việt Nguyễn

Con ngõ bằng bê tông cũng nứt toác vì những
vụ nổ mìn. Ảnh: Việt Nguyễn


Kế bên gia đình ông Nguyễn Văn Thiều là các hộ ông Nguyễn Công Sáu, Trần Xuân Bốn, Nguyễn Văn Hoan – nhà thì đang phải phá tung mái hiên vì sợ sập bất ngờ, nhà đã dọn hẳn đi nơi khác ở, nhà đành bỏ trống 2 phòng rồi đem con đi gửi.

Những vết nứt lớn nhỏ, sụt lún trên tường, móng nhà là thứ dễ nhìn thấy nhất tại nơi ở của tất cả các hộ dân tổ 11, tổ 12 – khu dân cư kế cận mỏ than lộ thiên Núi Béo.

Con đường nhỏ mù mịt bụi than chia khu dân cư này làm hai phần, một ở trên cao hơn – cũng nứt toác nhà cửa nhưng vẫn ở tạm được, một ở mép đồi – sát cạnh khai trường than thì thê thảm bởi các vụ nổ mìn bóc vỉa.

Nguy hiểm là vậy nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để đến một nơi khác, vì thế đa số người dân phải chấp nhận “sống chung với… mìn”.

Vậy là, mỗi ngày họ đều có lịch trình sinh hoạt mà người dân các vùng khác chắc không bao giờ được “hưởng”.

Sống chung với… mìn

“Cứ tầm 2 đến 3h chiều hàng ngày, là nhà nào nhà ấy chạy hết ra đường, đợi mỏ than nổ mìn xong xuôi mới dám về”, ông Nguyễn Công Sáu bức xúc.

 Ông cho biết, tình trạng nứt tường, bung mái, toác nền thì xảy ra từ mấy năm rồi. Khoảng 1 năm trở lại đây thì càng nguy hiểm hơn, khiến một số gia đình đã phải “bỏ của chạy lấy người”.

Gia đình vừa có tang, ông Nguyễn Văn Thiều lại phải chứng kiến căn nhà mình bị tàn phá bởi vụ nổ mìn hôm 26/5 của mỏ than Núi Béo. Ảnh: Việt Nguyễn
Gia đình vừa có tang, ông Nguyễn Văn Thiều lại phải chứng kiến
căn nhà mình bị tàn phá bởi vụ nổ mìn hôm 26/5 của mỏ than
Núi Béo. Ảnh: Việt Nguyễn


Nhà bên cạnh, gia đình ông Trần Xuân Bốn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nên đã chuyển đi từ trước Tết Nguyên đán 2011. Chúng tôi thắc mắc, “nhà cửa như thế này sao các bác còn cố ở lại, chẳng may nó sập bất ngờ thì sao?”, ông Sáu bảo: “Thì biết đi đâu được. Như nhà tôi đây, đã phải gửi 2 đứa nhỏ rồi, mình đành ở lại thôi. Cứ chiều chiều thì ra đường, tối mịt mới dám về tắm giặt, sinh hoạt”.

Theo ông Sáu, dân ở đây một số làm công nhân mỏ, còn lại chủ yếu là lao động tự do, đủ ăn uống, nuôi con đã là vất vả lắm rồi, với mức áp giá đền bù vài trăm ngàn một mét vuông đất mà công ty than đền cho nhà nào phải di chuyển nơi ở, ông có nằm mơ cũng không mua được nhà mới.

Bước vào căn nhà của ông Sáu, đập vào mắt chúng tôi là những vệt dài, sâu hoắm ngoằn ngoèo, chằng chịt khắp các phòng. Hai căn phòng phía dưới nhà (giáp đường vận tải của mỏ than) xiêu vẹo, nứt toác từng mảng, một đoạn nứt dài chạy suốt từ sân, qua bậc thềm rồi ăn thẳng lên trần nhà. Đó là nơi 2 đứa con ông Sáu ở trước đây. Phòng tắm hiện bỏ không, chiếc bồn rửa nằm chỏng chơ dưới đất, một mép tường bị xé toạc. Căn phòng như chiếc hộp nhỏ bị bẻ gãy mất một góc.

Bà Phạm Thị Tho dẫn chúng tôi ra sát “bờ vực” (nhìn ra khai trường than Núi Béo), khung cảnh hoang tàn chẳng khác nào ở nơi thường xuyên xảy ra động đất. Liên tiếp 3 căn nhà chỉ còn trơ mỗi tường, được người dân tận dụng làm chỗ… phơi quần áo. Chỉ xuống dưới dốc đồi, sát bên đường vận tải than, bà Tho bảo: “Trước đây đều là nhà cả đấy, giờ thì bị vùi hết rồi, chả còn gì. Dân chạy hết. Nhà nào ở mé trong thì còn cố mà trụ lại được. Đường ống nước thì đứt gãy, sinh hoạt khổ sở vô cùng”. Ông Nguyễn Công Sáu thì buồn rầu: “Người dân chúng tôi đã gửi đơn lên phường, gửi đơn lên công ty than Núi Béo, đến tận nơi gặp giám đốc, nhưng chẳng ăn thua gì.”

Người dân ở đây giải thích rất hồn nhiên rằng đã nắm rõ thời gian nổ mìn của mỏ than nên ứng phó được, rằng “cứ ra đường mà đứng là an toàn”. Họ cho biết, sập tường, đổ nhà thì nhiều rồi nhưng cũng may là chưa ai chết cả.

Có gì đảm bảo cứ nổ mìn xong là an toàn? Những căn nhà nứt toác, chênh vênh giữa triền đồi có thể sập xuống bất cứ lúc nào khi mà mùa mưa đang tới gần.
Việt Nguyễn