"Cho các cháu tan trước 17h càng tốt, tại sao lại không làm?"

07/02/2012 15:09
Theo Chinhphu.vn
Đó là lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong buổi họp thường trực thành ủy Hà Nội vào chiều ngày 6/2/2012.
Chiều 6/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất ý kiến điều chỉnh thời điểm tan học của các trường THPT tại 12 quận, huyện xuống 18h thay vì 19h như hiện nay.

UBND thành phố có trách nhiệm xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe phản hồi từ dư luận để có điều chỉnh phù hợp nhất, hạn chế tối thiểu những bất cập phát sinh. - Ảnh: Chinhphu.vn
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe phản hồi từ dư luận để có điều chỉnh phù hợp nhất, hạn chế tối thiểu những bất cập phát sinh. - Ảnh: Chinhphu.vn

Còn máy móc trong áp dụng

Điểm nổi bật khiến dư luận chưa đồng tình trong thực hiện quy định điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh của UBND TP Hà Nội là giờ tan học ca chiều của khối THPT từ 19h là quá muộn. Trong khi đó, nhiều trường còn quá cứng nhắc trong việc thực hiện khi bắt học sinh phải đúng giờ quy định mới được ra về, ngay cả khi đã hoàn thành tiết học và có thể ra về từ 15-16h đối với cấp tiểu học, THCS…

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, ở khối THCS, với khung giờ quy định giờ vào học ca sáng từ 8h và giờ tan học ca chiều từ 17h, trong trường hợp các lớp học 5 tiết cả hai ca, thời gian chênh lệch giữa hai ca chỉ có 30 phút. Thời gian này quá ngắn để các lớp làm công tác nội vụ như vệ sinh cũng như gây tắc nghẽn tại các cổng trường vì học sinh hai ca cùng ra gần như một lúc. Vì vậy, Sở GDĐT đề nghị lùi thời gian vào lớp xuống 8h kém 15 và kéo dài thời gian tan trường ở cấp này lên 17h15.

Ông Nguyễn Hữu Độ cũng phản ánh, các trường mầm non, theo quy định đổi giờ, các thầy cô giáo phải làm thêm 30 phút/ngày, nhưng các trường chưa có phương án về phụ cấp.

Đồng tình với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện quy định điều chỉnh giờ, tuy nhiên, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng trường học 3 tiết buổi chiều mà bắt học sinh phải ngồi thêm 2 tiết nữa mới được về thì quá máy móc.

“Tinh thần của việc điều chỉnh là giảm ùn tắc, việc gì góp phần giảm ùn tắc thì đều có thể làm được. Cho học sinh về sớm trước giờ cao điểm là việc các trường nên làm”, ông Đào Đức Toàn nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định việc học sinh học xong sớm nhưng vẫn phải đợi đến đúng giờ quy định mới cho học sinh về là cách thực thi máy móc, không đúng tinh thần của thành phố. Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng hướng dẫn của các sở, ngành liên quan chưa rõ ràng mới dẫn đến tình huống như vậy, “cho các cháu tan trước 17h càng tốt giao thông, tại sao lại không làm.”

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý với việc chuyển thời gian tan ca chiều khối THPT sang 18h thay vì 19h như hiện tại. Đồng thời yêu cầu, ngay sau đây, ngành Giáo dục và Giao thông vận tải phải họp thống nhất ngay hướng dẫn các trường hiện, không để tái diễn những bất cập như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã phản ánh.

Cần triển khai nhiều giải pháp khác

Kết luận tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh chỉ là một trong nhiều biện pháp mà thành phố đang triển khai thực hiện nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Vì vậy, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào biện pháp này, để khi không đạt được kỳ vọng lại đánh giá biện pháp này thất bại là không đúng.

Để giảm ùn tắc giao thông, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, rốt ráo các biện pháp cấm tắc-xi giờ cao điểm, tăng cường quản lý trật tự đô thị, kiểm soát không để có thêm nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, tăng phí phương tiện, hạn chế phương tiện cá nhân, cũng như các biện pháp lâu dài như quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông…

Về những bất cập trong quá trình triển khai biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, biện pháp này làm thay đổi thói quen của hàng triệu người dân nên không tránh khỏi những ảnh hưởng, những phản ứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố luôn làm việc trên tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe phản hồi từ dư luận nhân dân để có điều chỉnh phù hợp nhất, hạn chế tối thiểu những bất cập phát sinh. Trong quá trình đó, thành phố rất cần có sự chia sẻ của các tầng lớp nhân dân, cũng như các cơ quan báo chí.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đồng ý giao cho Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét điều chỉnh lùi thời gian tan học của cấp THPT xuống18h hàng ngày. Ông cũng chỉ đạo, các ngành, các cấp thực thi phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, tránh để thông tin phiến diện, không có tính xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Theo Chinhphu.vn