"Nếu sợ tàu Trung Quốc thì ngư dân đã giải nghệ hết rồi"

31/05/2011 09:16
(GDVN) - “Đâu phải đến bây giờ phía Trung Quốc mới bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ, phương tiện của ngư dân khi ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa"...

(GDVN) - “Đâu phải đến bây giờ phía Trung Quốc mới bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ, phương tiện của ngư dân khi ra đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà việc này đã diễn ra từ hàng chục năm nay....”, một ngư dân cho biết sau khi bị tàu Trung Quốc tiếp tục thu giữ tài sản.

{iarelatednews articleid='3540,3512,3475,3271,3116,3042,2788,2704'}

Ly tán, túng quẫn vì bị thu giữ ngư cụ

Đó là ông Mai Phụng Lưu(44 tuổi), người được mệnh danh “Sói biển” từng là thuyền trưởng, kiêm ông chủ nhiều chiếc tàu đánh cá ở xã An Hải, huyện Lý Sơn.

Niềm vui của ngư dân vừa trở về từ Hoàng Sa
Niềm vui của ngư dân vừa trở về từ Hoàng Sa


Sau hơn 30 gắn bó với Hoàng Sa, qua hàng mấy trăm chuyến ra khơi, ông Lưu gần như thuộc lòng tính khí của biển. Nhờ những kinh nghiệm quý giá đó mà ông Lưu và những ngư dân cùng đi đã có những chuyến ra khơi thu về cả tỉ đồng. Đấy là chưa kể đến hàng trăm những chuyến đi thu về vài ba trăm triệu. Để rồi từ một người đi bạn (làm thuê), ông Lưu trở thành ông chủ của chiếc tàu đánh cá  với công suất hàng trăm mã lực, trị giá gần cả tỉ đồng, rồi xây nhà, mua sắm vật dụng đắt tiền: xe máy, tủ lạnh…cho gia đình.

 Thế nhưng sau 4 lần bị phía Trung Quốc bắt giam trái phép, tịch thu toàn bộ phương tiện và ngư lưới cụ… toàn bộ tài sản gia đình ông tích cóp được đã “tan theo mây khói”, lại thêm món nợ trên nửa tỉ đồng không biết đến bao giờ mới trả được.

Cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, con cái phải ly tán khắp nơi để mưu sinh. Thế nhưng, khi được hỏi, ông Lưu trả lời không một chút ngần ngừ, do dự: Nếu như một ngày nào đó sắm lại được tàu, thì vùng biển Hoàng Sa vẫn cứ là ngư trường mà tôi chọn.

Đưa tàu thẳng tiến

Không riêng gì trường hợp ông Lưu, theo báo cáo của BCH Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, từ cuối tháng 9/2009 đến tháng 10/2010, đã có 17 tàu cá của Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc khống chế, bắt giữ, đánh đập và tịch thu tài sản với tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng, khi ngư dân vào tránh bão, núp gió và đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa.

Riêng trong tháng 5/2011, cũng tại khu vực Hoàng Sa, đã có 3 tàu cá của Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc tịch thu máy định vị, Icom, dầu, máy dò…khi đang hoạt động khai thác.

Chuẩn bị hành trang theo tàu rời bến
Chuẩn bị hành trang theo tàu rời bến


Theo đó, vào ngày 4/5, tàu mang số hiệu QNg 90019, do ông Phạm Hà, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, làm thuyền trưởng, cũng đã bị phía Trung Quốc tịch thu tài sản với tổng trị giá 170 triệu đồng.

Cách 5 ngày sau, đến lượt tàu QNg 50615 Ts, do ông Trần Văn Thoa, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, làm thuyền trưởng, bị lấy ngư, dụng cụ trị giá gần 150 triệu đồng và tương tự tàu QNg 66101 Ts, do ông Lê Vinh, ở xã An Vĩnh, huyện Lí Sơn, làm thuyền trưởng, cũng bị thiệt hại 160 triệu đồng.

Thế nhưng cũng như nhiều ngư dân và chủ tàu khác ở Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu QNg 66101 Ts, Lê Vinh, vẫn bình thản: Đâu phải đến bây giờ phía Trung Quốc mới bắt giữ, đánh đập và tịch thu ngư cụ, phương tiện của ngư dân khi ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa, mà việc này đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Vì thế nếu sợ, thì ngư dân Lý Sơn và cả tỉnh này đã giải nghệ, bỏ nghề biển hết từ lâu rồi.

Ngư dân Võ Thanh Sang (36 tuổi), ở Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tâm sự: Ngư dân không sợ đối mặt, không sợ bị đe doạ, mà chỉ lo bị tịch thu ngư dụng cụ thì sẽ gặp khó khăn. Vì vậy rất mong các cấp ngành của tỉnh và TW có sự hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp rủi ro và nếu được như vậy thì ngư dân sẽ vững vàng và yên tâm bám biển hơn.

Đại diện BCH Bộ đội Biên phòng, cho biết: "Cùng với tuyên truyền để khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi, Bộ đội Biên phòng đã khuyến cáo ngư dân chủ động tránh những va chạm không cần thiết với tàu Trung Quốc, nhất là khi đưa phương tiện ra hoạt động ở những vùng biển đang tranh chấp. Khi xảy ra việc bị tịch thu phương tiện; phát hiện tàu lạ xâm phạm lãnh hải Việt Nam nên báo cáo với các cơ quan chức năng…để được hướng dẫn, xử lý.

Mặt khác các cấp ngành TW cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho những trường hợp ra đánh bắt tại Hoàng Sa bị phía Trung Quốc tịch thu tài sản trái phép, để chia sẻ khó khăn với ngư dân.”

C.T