Vụ cắt cáp tàu Bình Minh của VN, TQ muốn "nắn gân", "dằn mặt" cả Mỹ

01/06/2011 00:15
(GDVN) - Biển Đông trở nên nóng hơn trên bàn hội nghị lần này và giới quân sự Bắc Kinh sẽ "tiếp xúc", "trao đổi" với người đứng đầu Lầu Năm Góc bên lề hội nghị.

(GDVN) - Trước thềm diễn ra diễn đàn an ninh Đông Nam Á Shangri-La tại Singapore từ ngày 3/6 đến 5/6, Trung Quốc cố tình gây hấn trên biển Đông bằng việc phái tàu Hải giám ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam và cắt đứt cáp thăm dò tàu Bình Minh không chỉ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Việt Nam mà còn trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.

Giới truyền thông Đài Loan cho rằng động thái này của Bắc Kinh còn nhằm tới một mục đích, "dằn mặt" Mỹ trước rồi đàm phán sau.

Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trình bày chứng cứ việc tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 (Ảnh: Petrotimes)
Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trình bày chứng cứ việc tàu
Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02
(Ảnh: Petrotimes)

Chính thức khởi động từ năm 2002 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức, chính phủ Singapore tài trợ, Shangri-La đã trở thành diễn đàn an ninh có ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á hiện nay.
Nhận thấy điều đó, diễn đàn Shangri-La năm nay Trung Quốc đặc biệt coi trọng và lần đầu tiên phái quan chức quân sự cấp cao nhất tham gia - Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng thay vì một Phó tổng tham mưu trưởng như những năm trước đây.
Sở dĩ năm nay Bắc Kinh lại đặc biệt coi trọng diễn đàn này vì nó nhận được sự quan tâm và tham dự rộng rãi của giới chức quốc phòng 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó chức vụ cao nhất có Thủ tướng Malaysia, Phó thủ tướng thứ nhất Nga phụ trách quốc phòng - an ninh, ông chủ Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Australia.
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam

Tờ World Journal xuất bản tại Đài Loan ngày 31/5 nhận định, vụ việc ngày 26/5 vừa qua sẽ khiến cho chủ đề tranh chấp chủ quyền biển Đông trở nên nóng hơn trên bàn hội nghị lần này và giới quân sự Bắc Kinh sẽ "tiếp xúc", "trao đổi" với người đứng đầu Lầu Năm Góc bên lề hội nghị.
Trước đó, Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã có một "tour" công du các nước Malaysia, Singapore và Philippine nhằm "giải thích" quan điểm của Bắc Kinh về việc phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân và vấn đề tranh chấp biển Đông.
Lâu nay Bắc Kinh vẫn khăng khăng chỉ đàm phán song phương với các bên liên quan, không chịu đàm phán với ASEAN về vấn đề tranh chấp biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh cảm thấy hiện tại đã đến lúc cần cải thiện quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á, đồng thời dàn xếp với Mỹ những lợi ích chiến lược nhưng vẫn muốn đi "cửa trên".

Cũng diễn đàn Shangri-La năm ngoái, ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngỏ ý tiện đường muốn thăm Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã từ chối đón tiếp, năm nay họ lại muốn đàm phán trực tiếp với ông và một cuộc gặp song phương Robert Gates - Lương Quang Liệt bên lề diễn đàn đã được hai bên thu xếp.
Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc (Ảnh: TTXVN).
Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc (Ảnh: TTXVN).

Năm ngoái, trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, Việt Nam muốn đưa vấn đề này ra bàn hội nghị Shangri-La nhưng Bắc Kinh tìm mọi cách ép nước chủ nhà Singapore loại biển Đông ra khỏi nội dung nghị sự. Khi diễn ra diễn đàn Đông Á tại Hà Nội tháng 7/2010 vấn đề biển Đông được đưa ra mổ xẻ và lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Mỹ có lợi ích quốc gia tại biển Đông, đồng thời yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, đa phương thì Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, thậm chí nhấn mạnh Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là nước nhỏ càng khiến cho tình hình thêm căng thẳng.

Năm nay, trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã chủ động tạo sự kiện xâm nhập vùng biển chủ quyền lãnh hải Việt Nam và cắt cáp tàu Bình Minh, một trong những mục đích của Bắc Kinh là muốn thăm dò chính sách mới của Mỹ.
Tới đây ông Robert Gates sẽ thôi chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ngày 30/9 tới, Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng Mike Mullen sẽ thay thế ông điều hành lầu năm góc.
Bắc Kinh đã nhanh chân mời Mullen thăm Trung Quốc và ông chủ Lầu Năm Góc dự kiến đã nhận lời. Bắc Kinh đang rất muốn thăm dò xem mức độ quan tâm và chính sách mới của Mỹ tại Đông Nam Á sẽ triển khai đến đâu trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị thu hẹp, đồng thời Washington vẫn chưa rút chân ra khỏi bãi lầy của 2 cuộc chiến tranh tại Trung Đông.
{iarelatednews articleid='3535,3445,2477,2365'}
 
Hồng Thủy (theo World Journal, thời báo Hoàn Cầu, The Liberty Times)