Trung Quốc lộ tham vọng bành trướng biển Đông

01/06/2011 00:21
"Tham vọng chiếm giữ biển Đông của Trung Quốc đã và đang bộc lộ rất rõ ràng" - Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.

"Tham vọng chiếm giữ biển Đông của Trung Quốc đã và đang bộc lộ rất rõ ràng" - Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.

Dư luận quốc tế đang cho rằng, đây không chỉ là hành động bột phát, mà còn thể hiện một bước đi tiếp theo nằm trong chiến lược xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc, thưa ông?
- Tham vọng chiếm giữ biển Đông của Trung Quốc (TQ) đã và đang bộc lộ rất rõ ràng. Những năm đầu thế kỷ XX, họ đã đưa người ra Hoàng Sa. Ban đầu, họ đánh chiếm đông Hoàng Sa rồi chiếm cả Hoàng Sa của chúng ta để tạo bàn đạp tiến xuống phía Nam. Sau đó năm 1998, họ đánh chiếm một số đảo chìm ở Trường Sa để tạo ra thế đan xen. Hiện nay, TQ vẫn triển khai mạnh về quân sự, chuẩn bị về pháp lý và tuyên truyền… để tìm mọi cách chiếm giữ biển Đông.
Sự việc tàu Bình Minh 02 là một bước tiến mới trong chiến lược có hệ thống đó. Thời gian qua, họ cũng có những hành động áp sát, quấy phá, bắt bớ ngư dân của ta nhưng đây là lần đầu tiên họ có những vi phạm thô bạo, trắng trợn như vậy.
Về mặt chủ quyền, vị trí tàu Bình Minh 02 làm việc đã được công nhận về pháp lý thuộc thềm lục địa của chúng ta. Một doanh nghiệp cáp ngầm của Hongkong trước đây đặt cáp qua vị trí này phải xin phép, nộp thuế cho chúng ta. Vì thế việc làm của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của ta và Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà VN và TQ đều là thành viên.
Vì sao TQ lại chọn thời điểm này để hành động?
- Thời điểm TQ đánh chiếm các đảo đều là những lúc chúng ta gặp khó khăn. Năm 1956, nhân việc nước ta đang triển khai thực hiện Hiệp định Geneve, tình hình chính trị còn bất ổn, TQ đưa quân đội chiếm đóng các đảo phía đông Hoàng Sa.
Năm 1988, khi Đông Âu, phe Xã hội Chủ nghĩa suy yếu, quan hệ Campuchia và VN phức tạp, TQ cũng đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa. Còn hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, quá trình củng cố lại bộ máy Nhà nước sau bầu cử Quốc hội đang tiến hành, nên Trung Quốc lợi dụng để hành động.
Chúng ta nên làm thế nào trong tình hình hiện nay?
- Hành động của TQ là một phép thử; nếu chúng ta có những phản ứng không phù hợp, có thể là cái cớ để họ họ triển khai các biện pháp vũ trang. Dư luận những ngày qua cho rằng chúng ta không có biện pháp cứng rắn là điều tốt, thể hiện sự hòa hiếu.
Tuy nhiên, quan điểm chúng ta là vẫn phải giải quyết vấn đề biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Bộ Ngoại giao chính thức lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu họ bồi thường là rất kịp thời.
Trung Quốc vu Việt Nam tạo sự cố
Chiều 31/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Khương Du lại có những tuyên bố ngang ngược về vụ tàu hải giám TQ. Bà Khương Du khẳng định: "Các hoạt động thực thi mà các tàu hàng hải của TQ đã tiến hành đối với các hoạt động bất hợp pháp của tàu VN là hoàn toàn hợp lý". Thậm chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ còn tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu phía VN chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi và tránh tạo ra những sự cố mới". (B.T.K)
Bước tiếp theo là nộp đơn lên các tòa án, tổ chức quốc tế. Ngoài ra, chúng ta vẫn có thể áp dụng các biện pháp khác như xử phạt hành chính, xua đuổi, bắt giữ các tàu Trung Quốc. Nhưng nếu phía Trung Quốc vẫn có những hành động thô bạo, vi phạm chủ quyền thì việc chúng ta áp dụng các biện pháp cứng rắn là cần thiết. Lúc đó, dư luận trong nước và quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta.
Hiện nay, các tàu cá và tàu quân sự TQ liên tục đe dọa tàu cá của ngư dân VN. Theo ông, cần làm gì để bảo vệ họ?
- Việc ngư dân, đặc biệt là ngư dân miền Trung vẫn kiên trì bám biển là điều rất đáng quý. Công việc của họ không chỉ là đánh cá, mà còn thể hiện sự có mặt của người VN để khẳng định chủ quyền của ta trên biển. Vì thế, những người như chúng ta, không trực tiếp làm được việc đó hãy chia sẻ phần cơm, đồng lương để hỗ trợ ngư dân bằng cách lập một quỹ có quy mô toàn quốc.
Hiện có một số quỹ do ngư dân đóng góp để giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, nhưng bản thân mỗi chúng ta phải giúp họ để thể hiện tình yêu nước của mình chứ không thể nói suông được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Sỹ Lực/NTNN