'Tài năng và đắc dụng': 'Đích thị là đạo văn rồi, chạy đâu cho thoát'

02/06/2011 00:03
(GDVN) - "Cuốn sách Tài năng và đắc dụng thực chất chỉ là một quyển sách danh nhân. Còn gọi là nghiên cứu khoa học ư? Lẽ nào lại nỡ rẻ rúng khoa học đến thế!".

(GDVN) - Bàn về chuyện đạo văn của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng", Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đặt câu hỏi: "Sau khi bị phát hiện trong cuốn sách (hay công trình) này đúng là có hiện tượng đạo văn, thì các tác giả liệu có đủ liêm sỉ để xin lỗi Nhà nước, xin lỗi đồng nghiệp, xin lỗi bạn đọc?"

{iarelatednews articleid='3625,3589,3590'}

Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hòa xung quanh vấn đề này.

Ăn trộm lại đi la làng rằng mình đạo đức

Thưa ông, ông có ý kiến gì về tình trạng đạo văn hiện nay?

Nhà phê bình Nguyễn Hòa
Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Nhìn từ các hiện tượng đạo văn, đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng, trong nhiều trường hợp, đạo đức khoa học ở nước ta đã xuống cấp đến mức nghiêm trọng. Về mặt nguyên tắc, tất cả mọi sản phẩm do cá nhân (tập thể) nào đó sáng tạo ra đều phải thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân (tập thể) đó. Sản phẩm của một quá trình nghiên cứu là kết quả của lao động tri thức trong những khoảng thời gian có thể dài ngắn khác nhau, nhưng chủ thể sáng tạo mới là người có quyền duy nhất với sản phẩm, đó là “đứa con tinh thần” của họ.

Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa, tiếp thu, sử dụng tài liệu... của người khác là việc bình thường. Nhưng việc làm đó ở mức độ nào, trung thực hay dối trá... lại phụ thuộc vào người nghiên cứu.

Nếu anh ta là một nhà khoa học trung thực, anh sẽ tuân thủ các nguyên tắc trong kế thừa, tiếp thu. Nói cách khác là anh ta nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trích dẫn, ghi chú nguồn tài liệu. Một công trình trích dẫn nhiều cũng không sao, quan trọng là ý tưởng mới của tác giả trong đó là gì.

Tôi từng đọc một số tiểu luận, công trình mà ở đó tác giả trích dẫn nhiều đến mức tôi ngờ họ muốn “khoe” đọc nhiều, biết rộng hơn là trích dẫn phục vụ cho nghiên cứu. Vậy nên nhiều khi, đọc cả bài tiểu luận, đọc cả công trình cũng chẳng thấy ý tưởng riêng của tác giả ở đâu. Lại có người trích dẫn từ tài liệu cũ rích, bản mới in thì hình như không biết, chứng tỏ vị này ít cập nhật thông tin; có trường hợp làm tôi tin rằng, họ trích theo người khác, chứ không trực tiếp đọc văn bản, người ta dẫn sai, thì họ cũng dẫn sai theo!

Thiết nghĩ, nếu trong một công trình khoa học mà người viết có ý tưởng mới, công trình có ý nghĩa lý luận - thực tiễn thì rất đáng trân trọng, điều cần quan tâm là cái mới trong công trình khoa học, chứ không phải là trích dẫn.

Vấn đề đạo văn, nhất là với người có chức danh, học vị về khoa học mà làm công việc này, thì thực chất là lừa dối khoa học, lừa dối đồng nghiệp, lừa dối bạn đọc. Với tình trạng đạo văn trong một công trình khoa học đã được nghiệm thu, tôi có thể đặt câu hỏi: Phải chăng những người nghiệm thu công trình hoặc là dốt nên không biết, hoặc là dung túng cho nhau? Đối với nhà xuất bản cũng vậy, họ cũng liên đới trách nhiệm. Biên tập là làm việc gì, hay chỉ làm mỗi việc rà soát chính tả? Chẳng lẽ nhà xuất bản chỉ có trách nhiệm cấp giấy phép, nhận một số tiền theo quy định, còn thì để tác giả tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, ngang nhiên mang sách vở, công trình đạo văn ra in ấn, phát hành?

Hàng chục năm nay, tôi và một số đồng nghiệp đã phát hiện ra khá nhiều vụ đạo văn, dư luận ầm ĩ lên một lúc, rồi đâu lại vào đấy. Thường thì ngón nghề mà các vị đạo văn sử dụng là, sau khi bị phát hiện, biết không thể lấp liếm được nữa, họ vội vàng phân bua vì sơ ý nên không đưa các đoạn chép của người khác vào ngoặc kép (“...”), rồi xin lỗi người mà họ đã trót cầm nhầm.

Sau đó họ thản nhiên như không, thậm chí có người còn coi mình là người “đàng hoàng, trọng danh dự” vì đã xin lỗi! Kỳ quái nhất là gần đây, sau khi bị phát hiện đã ngang nhiên ăn cắp một số tác phẩm của người khác để in trên tạp chí do chính mình là Trưởng Ban biên tập, “nhà văn” Lê Thủy ở tạp chí Nậm Nung lại phân bua: Cô ta đạo văn để “bảo vệ cái “thánh đường” văn chương mà tôi hằng tôn thờ, ngưỡng mộ... Tôi muốn “mình là vật hy sinh” để nói với ai đó còn nhăm nhe “đạo văn”...”. Đến mức này thì đúng là hết thuốc chữa. Cái ông Chích ở đời Xuân Thu có sống lại chắc cũng chẳng dám cam đoan ông ta đi ăn trộm để xóm phố không còn kẻ trộm, và vì thế chính ông ta đã giúp cho xã hội lành mạnh hơn! 

"Lẽ nào lại nỡ rẻ rúng khoa học đến thế!"

Ông đánh giá như thế nào về một công trình khoa học mà chủ yếu chỉ bao gồm các trích dẫn và không đưa ra được cái mới ?

Nếu chủ yếu chỉ trích dẫn, không đưa ra được quan điểm mới, không góp phần làm sáng tỏ một vấn đề lý luận có ý nghĩa thực tiễn... thì không thể coi đó là một công trình khoa học. Chẳng giấu gì bạn, tôi đọc khá nhiều, đọc hàng ngày, nếu để làm một cuốn sách chỉ là tổng hợp từ những tư liệu có sẵn rồi chụp cho cái mũ “công trình khoa học” thì một năm tôi có thể làm được vài công trình!

Vậy theo ông một cuốn sách như thế nào thì được coi là một công trình khoa học ?

Theo tôi, một cuốn sách được đánh giá là công trình khoa học, trước hết phải hình thành trên cơ sở của một (những) ý tưởng mới, được định hướng bởi tư duy và quan niệm khoa học nghiêm cách, có phương pháp, được triển khai một cách có hệ thống và rốt ráo, được cộng đồng nghề nghiệp thừa nhận, có ý nghĩa xã hội, có khả năng áp dụng trong hoạt động thực tiễn...

Nếu theo tiêu chí đó thì cuốn "Tài năng và đắc dụng" có được coi là một công trình khoa học không, thưa ông ?

Theo tôi đánh giá đây chỉ là một cuốn danh nhân, loại sách như thế, ở Hà Nội có thể đến các phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí là tìm mua được. Trong cuốn sách, người ta xác định mục tiêu là “khảo sát, nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng và sự nghiệp của một số nhân tài xuất chúng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới”, nhưng chỉ xét từ bài tự truyện của nhân vật là Đặng Lê Nguyên Vũ đã không đáp ứng được tiêu chí trên. Thử hỏi họ lấy cái gì để xác định ông Vũ chí ít cũng là một nhân tài xuất chúng trong lịch sử Việt Nam?

Ngay lúc này, đánh giá của họ có nhận được sự đồng tình của số đông trong xã hội hay không? Gần 100 năm rồi, nhiều người Việt Nam vẫn biết Bạch Thái Bưởi là ai, liệu gần 100 năm nữa, con cháu chúng ta có ai còn nhớ đến một người tên là Đặng Lê Nguyên Vũ? Tôi coi việc đặt ông này cạnh các vĩ nhân đã được lịch sử Việt Nam và thế giới ghi nhận là một sự phản cảm, tôi không nghĩ những người thực hiện cuốn sách lại thiếu nhạy cảm đến thế. Còn gọi đó là nghiên cứu khoa học ư? Lẽ nào lại nỡ rẻ rúng khoa học đến thế!  

"Quả là một việc làm rất đáng xấu hổ!"

Theo tìm hiểu của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ở cuốn sách "Tài năng và đắc dụng", trong 4 bài viết về 4 nhân vật là người nước ngoài, trong đó có đến 3 nhân vật các tác giả hầu như không viết gì mới mà chủ yếu là chép lại từ một số tài liệu (có được ghi trong danh mục tài liệu tham khảo). Như Edison chẳng hạn, toàn bộ phần viết về ông là copy từ một bài viết về nhân vật này trên một website ... Vậy theo ông, như thế có thể gọi là đạo văn?

Xin lỗi, cho tôi hỏi, cụ thể với các đoạn chép lại ấy, người ta có đặt chúng trong ngoặc kép hay không, có ghi chú nguồn ngay sau đoạn chép không?

Thưa ông, hoàn toàn không đặt trong ngoặc kép, hoàn toàn không ghi chú nguồn; có đoạn chép nguyên văn, có đoạn đã cắt bớt một vài từ cho ngắn gọn; có đoạn có sửa vài dấu chấm phảy, có đoạn để nguyên.

Thế thì đích thị là đạo văn rồi, chạy đâu thoát nữa. Liệu có thể tin mấy vị mũ cao áo dài có chức danh học vị hoành tráng như thế lại không nắm được nguyên tắc tối thiểu của việc trích dẫn!?    

Như vậy, với hiện tượng kể trên, xin ông khẳng định lại một lần nữa: Có thể coi "Tài năng và đắc dụng" là một cuốn sách đạo văn hay không? Và ông đánh giá sự việc này như thế nào ?

Từ các yếu tố như bạn nói, tôi có thể khẳng định đây là cuốn sách đạo văn. Nếu “cuốn sách - công trình” này chỉ là kết quả của một lúc cao hứng, mấy “nhà khoa học” rủ nhau đứng ra làm một cuốn sách thì đã là đáng trách rồi. Còn nếu đây là một “công trình khoa học” được Nhà nước đầu tư thì quả là một việc làm rất đáng xấu hổ. Nên chăng, sau khi bị phát hiện trong cuốn sách (hay công trình) này đúng là có hiện tượng đạo văn, thì các tác giả sẽ có đủ liêm sỉ để xin lỗi Nhà nước, xin lỗi đồng nghiệp, xin lỗi bạn đọc, và trả lại Nhà nước khoản kinh phí mà họ đã nhận để sản xuất ra một sản phẩm đạo văn? Hay là rồi đây họ lại vội vàng phân bua vì sơ ý nên đã không đưa các đoạn chép của người khác vào ngoặc kép (“...”), rồi xin lỗi người mà họ đã trót cầm nhầm và sau đó, họ sẽ lại trở thành người trung thực, đáng trân trọng!?

Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi - Thanh Nguyên (thực hiện)