Phó Tư lệnh hải quân VN nói về chủ quyền biển đảo

01/06/2011 08:30
"Chúng tôi đã làm tốt công tác đối ngoại quân sự, ký tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan".

"Chúng tôi đã làm tốt công tác đối ngoại quân sự, ký tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan" - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên-Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết.

{iarelatednews articleid='3614,3595,3555,3577,3510,3471,3419'}
 

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên-Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên
Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân
Nhân dân Việt Nam
 Thưa Chuẩn Đô đốc, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo nước ta hiện nay đặt ra nhiều thách thức. Vậy Hải quân Việt Nam đã có những phương thức gì để vượt qua những thách thức đó?

Hiện nay, tất cả các nước đều có xu hướng vươn ra biển, kể cả nước không có biển. Thực tế này, đặt ra cho Hải quân Nhân dân Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề: làm sao bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài việc được Đảng, Nhà nước trang bị phương tiện, khí tài ngày càng hiện đại, bản thân lực lượng hải quân phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó xây dựng hải quân vững mạnh về chính trị.

Chỉ có vững mạnh về chính trị chúng ta mới xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, đội ngũ chỉ huy có phẩm chất, dám nghĩ, dám làm, biết tập hợp lực lượng, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, việc vững vàng về chính trị cũng là tiền đề để xây dựng những mục tiêu khác.

Đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải kết hợp các phương thức đấu tranh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phương thức ngoại giao. Ngoại giao là cơ sở tạo mối liên kết, hữu nghị với các nước trong khu vực. Đồng thời đó cũng là phương thức để các nước hiểu, ủng hộ chúng ta.

Thưa ông, lực lượng hải quân có những hoạt động gì để biển đảo gần hơn với đất liền?

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km và gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này là chủ quyền của Việt Nam nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại tranh chấp.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương IV khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vừa qua, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai nhiều hành động cụ thể.

Chúng tôi đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt. Ở những đảo xa bờ, chúng tôi đã kết hợp xây dựng các hệ thống phòng thủ với cảnh quan môi trường, tạo điều kiện cho ngư dân ra làm ăn sinh sống.

Tại khu vực vịnh Bắc Bộ, chúng tôi hướng dẫn bà con về con giống, nuôi trồng hải sản, hỗ trợ cho bà con trong điều kiện khó khăn, phức tạp vì lực lượng hải quân có mặt trên khu vực và các đảo.

Khu vực quần đảo Trường Sa, chúng tôi xây dựng âu tàu là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí, dầu máy cho nhân dân khi đánh bắt xa bờ. Đây cũng là nơi tránh, trú bão, sửa chữa tàu thuyền khi ngư dân gặp sự cố trên biển, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào trong lúc hoạn nạn.

Chúng tôi đã ươm được giống hải sản cung cấp cho bà con, tạo các khu vực làng chài, hỗ trợ những điều kiện ban đầu để bà con có thể ra các đảo xa sinh sống. Tôi tin rằng, với những hỗ trợ như vậy, các vùng đảo xa chắc chắn ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hải quân cũng thực hiện hỗ trợ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện bà con không may gặp sóng to, gió lớn, không kịp về nơi trú đậu. Nhiều năm qua, lực lượng hải quân đã vượt qua bão tố, thậm chí có những lúc sang cả nước ngoài để cứu bà con trở về với quê hương.

Mặt khác, Quân chủng Hải quân đã thực hiện công tác tuyên tuyền về biển đảo đến với người dân cả nước để nhân dân tin tưởng vào cán bộ chiến sỹ hải quân. Từ sự tin tưởng đó sẽ giúp cán bộ chiến sỹ hải quân vượt qua khó khăn, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Vấn đề tặng đá chủ quyền cho các địa phương và ban ngành của Trung ương là chủ trương của Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng được thực hiện thời gian qua. Chúng tôi mong muốn, qua đó, nhân dân các tỉnh thành cả nước, các ban ngành có thêm hiểu biết về biển đảo, trong suy nghĩ và hành động để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chúng tôi cũng đã làm tốt công tác đối ngoại quân sự, ký tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Tới đây chúng tôi sẽ có trao đổi đường dây nóng và ký kết hợp tác với hải quân các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cử các đội tàu đi sang thăm Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia tạo sự đoàn kết hữu nghị giữa hải quân Việt Nam với hải quân các nước trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập “Quỹ Vì Trường Sa thân yêu”. Vậy, lực lượng hải quân đón nhận ý tưởng này như thế nào, thưa ông?

Trước đây, nhân dân và đồng bào cả nước quan tâm đến quần đảo Trường Sa thông qua nhiều hoạt động hữu ích. Các hoạt động đó đến thời điểm này đã trở thành cao trào.

Việc Thủ tướng quyết định thành lập “Quỹ Vì Trường Sa thân yêu”, giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban là một quyết định hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay.

Thông qua quỹ này, chúng ta sẽ thực hiện tốt chiến lược biển, hải đảo. Đồng thời, sẽ là nguồn động viên giúp chiến sỹ hải quân yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Cảm ơn Chuẩn Đô đốc.
 
(Theo VOV News)