Sau Tết, người dân "hãi" từ bát bún bò đến nước tăng lực Red Bull

13/02/2012 14:11
Hà Nhi (Tổng hợp)
(GDVN) - Gần 50 vụ vi phạm VSATTP trong lễ hội, hàng chục người ăn bún bò bị ngộ độc, nước tăng lực Red Bull nghi chứa hàng loạt chất phụ gia độc hại... là những thông tin khiến nhiều người dân "hãi" thực phẩm chế biến sẵn sau Tết.


1. Cháo cho trẻ em nhiễm khuẩn E.Coli


Kết quả xét nghiệm 6 tháng cuối năm 2011 do Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy 26/30 (gần 87%) mẫu cháo dinh dưỡng không nhãn mác, được chế biến từ những cơ sở nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình trên địa bàn TPHCM bị nhiễm E. Coli, Coliforms, Cl. Perfringens, B. Cereus, kể cả tổng số bào tử nấm men nấm mốc không đạt đã khiến những “tín đồ” của món ăn này thực sự lo ngại.

Điểm bán cháo dinh dưỡng gần chợ Ông Địa (Tân Bình) luôn nhếch nhác. Quần áo, đồ đạc sinh hoạt gia đình để cạnh dụng cụ chế biến. Đang lau nhà, nghe có người hỏi mua cháo, người bán chẳng thèm rửa tay vội múc cháo và cá vào hộp nhựa rồi đậy nắp. Kinh doanh trong môi trường không vệ sinh như thế nhưng trên nắp hộp in đậm dòng chữ: “Cháo dinh dưỡng số 1. Sạch, an toàn, thơm ngon”.
87% cháo dinh dưỡng không nhãn mác nhiễm các loại vi khuẩn.
87% cháo dinh dưỡng không nhãn mác nhiễm các loại vi khuẩn.

BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết nhiều bà mẹ mang con đến khám suy dinh dưỡng mà nguyên nhân nhiều khả năng xuất phát từ thói quen thường cho con ăn cháo mua ở ngoài. Cháo chế biến bên ngoài có vị ngon, cha mẹ thích mua cho con ăn vì tiết kiệm thời gian và dễ đổi món. Trẻ thích ăn các loại cháo này, thậm chí ăn nhiều nhưng lại không lên cân.

Theo BS Hậu, các vi khuẩn E.Coli, Coliforms, Cl.perfringens, B.cereus có trong cháo nếu khâu chế biến, nguồn nước, dụng cụ, con người không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Các vi khuẩn trên gây ngộ độc đường ruột, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng hấp thu lâu dài khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

2. Ăn bún bò, 11 người nhập viện vì ngộ độc

Trang Dân Việt đưa tin: Vào trưa ngày 9/2, sau khi đi làm mía ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, cả nhóm thấy đói bụng nên rủ nhau vào quán bán bún bò gân ở Km số 7, Quốc lộ 24, thuộc địa phương trên, để ăn, đồng thời một số còn mua và mang về nhà cho người thân.

Tuy nhiên sau khi ăn không lâu, tất cả đều có triệu chứng nôn mửa, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy. Và được đưa cấp cứu tại TTYT huyện Ba Tơ.

Đến trưa ngày 10/2, đại diện Trung tâm y tế (TTYT) huyện Ba Tơ, cho biết: 11 người dân ở xã Ba Cung, bị ngộ độc thực phẩm hiện đã qua cơn nguy hiểm.
Một trong số người bị ngộ độc đang điều trị tại TTYT Ba Tơ.
Một trong số người bị ngộ độc đang điều trị tại TTYT Ba Tơ.

Trước đó, vào tháng 10/2011, tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), ông L. bị nghi nhiễm liên cầu lợn với biểu hiện sốt cao, đau bụng dữ dội, thần kinh rối loạn, huyết áp tụt... Ông được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh T.Ư Huế, nhưng do bệnh quá nặng nên được chuyển về nhà và sau đó tử vong.

3. Sau Tết, Bộ Y tế phạt gần 50 vụ vi phạm VSATTP

GS.TS Nguyễn Công Khẩn (Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: Qua kiểm tra, tính từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, đã xử phạt gần 50 vụ vi phạm VSATTP tại lễ hội (TP.HCM đình chỉ rất nhiều cở sở kinh doanh, Bắc Ninh xử phạt 2 cơ sở sản xuất kinh doanh...).

Các cơ sở kinh doanh chủ yếu vi phạm 3 lỗi là không đăng ký kinh doanh thực phẩm; điều kiện kinh doanh không đảm bảo: về con người, cở sở và thực phẩm; thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ - đây cũng là lỗi vi phạm đáng lo ngại nhất. Bởi qua đợt kiểm tra cho thấy con số hàng quán kinh doanh tự do không đăng ký trong lễ hội còn lớn, thế nên, nguồn gốc thực phẩm chưa thể kiểm soát hết. Chính vì lẽ đó, đi lễ hội mỗi thực khách trước hết phải tự biết bảo vệ mình trước những nguy cơ ẩn họa từ các hàng quán vào mùa “làm bẩn và ăn bẩn”...
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế khuyến nghị: Khi đi lễ hội, mỗi thực khách trước hết phải tự biết bảo vệ mình trước những nguy cơ ẩn họa từ các hàng quán vào mùa “làm bẩn và ăn bẩn”.
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế khuyến nghị: Khi đi lễ hội, mỗi thực khách trước hết phải tự biết bảo vệ mình trước những nguy cơ ẩn họa từ các hàng quán vào mùa “làm bẩn và ăn bẩn”.

Ông Nguyễn Chí Thanh (Trưởng ban quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn): “Yêu cầu các hàng ăn có tủ kính bảo quản thức ăn”.

Phục vụ cho lễ hội chùa Hương năm nay có khoảng 320 hàng quán gồm: hàng ăn, hàng trọ, hàng lưu niệm và tạp phẩm… đã được UBND huyện Mỹ Đức quy hoạch. Chúng tôi đã yêu cầu hàng ăn trong khu vực lễ hội phải có tủ kính bảo quản thức ăn, thậm chí cả tủ đông để đảm bảo ATVSTP. Ban tổ chức lễ hội phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 2 tổ thanh tra liên tục kiểm tra vấn đề ATVSTP của các hàng quán.

“Chúng tôi mong du khách phối hợp với Ban tổ chức phát hiện thấy những sai phạm tại lễ hội thì báo với Ban tổ chức để lễ hội chùa Hương năm nay diễn ra an toàn” – ông Thanh nói.

4. Hoang mang nước tăng lực Red Bull chứa phụ gia độc hại

Gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng ở Cáp Nhĩ Tân (Habin) đưa tin, nhãn hiệu Red Bull đã không đăng ký một số thành phần của nước giải khát với Cục Quản lý dược phẩm Trung Quốc (SFDA) và Cục cũng không chấp thuận một số đồ uống có chứa vitamin mang nhãn hiệu này.

Các thành phần bao gồm natri benzoat và chất bảo quản khi kết hợp với cafein (thành phần không thể thiếu được trong một số loại nước có ga hiện nay) có thể tạo ra một chất được xem là loại thuốc điều trị bệnh tâm thần.
Nghi chứa phụ gia độc hại, siêu thị "tẩy chay" nước tăng lực Red Bull.
Nghi chứa phụ gia độc hại, siêu thị "tẩy chay" nước tăng lực Red Bull.

Tiến sĩ Zhang Jing thuộc Trường đại học y khoa Cáp Nhĩ Tân cho hay: nếu chất này được dùng quá liều sẽ gây ra chứng nhức đầu, căng thẳng, lo lắng, ù tai, thậm chí có thể dẫn đến nghiện ngập.

Các phụ gia khác được tìm thấy trong sản phẩm Red Bull bao gồm sodium citrate, axit citric, màu thực phẩm, cũng đã không được đăng ký với Cục.

Thông tin trên khiến không ít người có thói quen sử dụng nước tăng lực Red Bull ở Việt Nam hoang mang mặc dù Red Bull đã đăng một tuyên bố trên trang web chính thức của công ty khẳng định rằng sản phẩm của mình là an toàn và “hoàn toàn không có bất kỳ chất phụ gia nào bị cấm”.

Hiện các siêu thị ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải đã kiên quyết loại bỏ thứ đồ uống này ra khỏi kệ bán.
Hà Nhi (Tổng hợp)