"Bố" VFF lộng quyền, "con" VPF... cãi

13/02/2012 16:50
HỒNG VÂN (The thao 24h)
Với những văn bản chỉ đạo kiểu hôm nay thế này, mai thế khác và thậm chí còn có những yêu cầu khá ngu ngơ của VFF thì chẳng có gì khó hiểu khi VPF không tuân thủ mà còn “bật” lại với thái độ quyết liệt.
Nếu nhìn vào một chuỗi những chỉ đạo của VFF với VPF thì có vẻ như “ông bố VFF” thuộc loại “sớm nắng, chiều mưa” nên có những chỉ đạo khá kỳ. Và với một “ông bố” như thế thì “đứa con VPF” thỉnh thoảng không nghe lời cũng chẳng có gì lạ hay đáng trách.

Cái sau “cãi” cái trước

Trong công văn chỉ đạo của Tổng cục TDTT với VFF, cơ quan quản lý nhà nước chỉ yêu cầu giữ nguyên tên gọi tiếng Việt của giải vô địch BĐCN QG, đồng thời khi sử dụng tên viết tắt phải có chữ V ở phía trước. Chỉ đạo này không yêu cầu bắt buộc phải thay tên và trở lại là V-League và càng không nói là phải thay tên trước vòng đấu thứ 5. Nhưng không hiểu sao VFF lại “phóng tác” thêm yêu cầu với VPF và bắt phải thực hiện ngay.
Từ thực tế "cơm không lành, canh không ngọt" VFF-VPF
Từ thực tế "cơm không lành, canh không ngọt" VFF-VPF

Từng có kinh nghiệm tổ chức V.League đến 11 mùa giải, các quan chức VFF chắc hẳn đều hiểu chuyện đổi tên không đơn giản đến mức cứ muốn là đổi được. Đổi cái tên có liên quan đến rất nhiều văn bản pháp lý, không chỉ của VPF mà còn của các CLB. Đó là chưa kể đến thiệt hại kinh tế không nhỏ khi tên giải và logo đã in trên các pano, áp-phích, biển quảng cáo, vé vào sân và nhất là áo thi đấu của cầu thủ. Để thay hết số này nhằm đáp ứng yêu cầu của VFF thì chắc chắn không thể làm xong trong vài ngày.


Nghe những phát biểu của các quan chức VFF những ngày qua, người không biết sẽ nghĩ là VFF hoàn toàn không biết gì về việc VPF đổi tên giải và đến khi biết thì đã ngay lập tức yêu cầu phải trả lại tên cũ ngay. Thế nhưng, thực tế thì trong 27 chữ ký tươi rói ở các trang Điều lệ VPF thì đại diện VFF chiếm đến 3 chữ ký to đẹp ở hàng trên cùng. Tức là VFF hoàn toàn biết và phê chuẩn việc đổi tên này, nhưng lại chơi bài “vừa đánh trống, vừa la làng”.

Nhìn vào động thái này, nhiều người cho rằng mục đích của VFF là “dằn mặt” VPF nên càng đẩy VPF vào thế khó thì càng hài lòng. Tuy nhiên, có thể điều này sẽ chỉ làm một số ít người ở VFF vui, nhưng cái khổ thì cả làng phải chịu, trong đó có cả chính VFF. Bởi lẽ, VPF đã nhận lời chi trả toàn bộ chi phí phát sinh từ việc đổi tên cho các CLB và khi VPF phải hao hụt đi tiền tỷ vì chuyện này thì VFF cũng bị hao hụt đi 35,4% số tiền trên theo đúng lượng vốn góp vào VPF.

Thế nên, bầu Kiên mới đặt ra câu hỏi cho PCT VFF Nguyễn Lân Trung để truyền đạt lại cho những người có trách nhiệm là: “Sự ưu việt của cái tên V.League so với V-Super League như đề xuất của VPF là gì?”. Câu này chắc hẳn những người có trách nhiệm khó có thể trả lời được, nhưng một điều chắc chắn là nếu thay tên thành V-Super League thì VPF và các CLB sẽ đỡ mệt hơn là chuyển thẳng từ Super League về V-League.

Và hết chỗ nói

Trên thực tế, VFF không chỉ có những chỉ đạo mâu thuẫn, cái sau cãi cái trước mà còn có những yêu cầu khá kỳ quặc. Chẳng hạn, trong công văn số 58/LĐBĐVN-PL&TCCT do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký hôm 7/2 yêu thực hiện điều lệ hiện hành của VFF. Theo tinh thần của công văn này thì trong khi điều lệ giải năm 2012 còn chưa được phê chuẩn thì tạm áp dụng điều lệ năm 2011.
Từ thực tế "cơm không lành, canh không ngọt" VFF-VPF
Từ thực tế "cơm không lành, canh không ngọt" VFF-VPF

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ TP.HCM, Phó TCT Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn đã nói rõ hơn: “Vì thời gian gấp rút nên các bên thống nhất trong khi chờ ban hành điều lệ và quy chế BĐCN mới, tạm thời sẽ sử dụng điều lệ và quy chế BĐCN của mùa giải 2011. Do đó, khi chưa có điều lệ mới được thông qua, Giải bóng đá VĐQG 2012 vẫn phải giữ tên V.League như ở mùa giải 2011”. Thực ra, điều này là chưa hoàn toàn chuẩn xác, bởi lẽ điều lệ giải chỉ có phạm vi thực hiện trong một giải đấu, không được phép áp dụng điều lệ giải năm 2011 cho năm 2012.

Nếu VPF chỉ biết nhắm mắt nghe theo những chỉ đạo thì sẽ xảy ra không ít chuyện “dở khóc, dở cười” đến ngỡ ngãng. Chẳng hạn, điều 2 phần A của Điều lệ giải vô địch quốc gia 2011 quy định về đối tượng dự giải là 14 đội bóng dự tranh như HA.GL, B.BD… và có cả ĐT.LA, HN.ACB.

Tức là theo chỉ đạo của VFF thì VPF phải để cho ĐT.LA và HN.ACB (nay là CLB trẻ BĐ Hà Nội) trở lại thi đấu ở giải Ngoại hạng, còn các đội như K.Kiên Giang, Sài Gòn FC sẽ không được dự giải. Khi đó, chắc hẳn mọi thứ đều rối loạn hết. Hay ở điều 10 phần A quy định về việc lên xuống hạng với 3 khả năng khác nhau cũng không thể áp dụng vào mùa giải 2012 (vốn đã được các đội bóng thống nhất là chỉ có 2 suất lên, xuống hạng).

Với những văn bản chỉ đạo kiểu hôm nay thế này, mai thế khác và thậm chí còn có những yêu cầu khá ngu ngơ của VFF thì chẳng có gì khó hiểu khi VPF không tuân thủ mà còn “bật” lại với thái độ quyết liệt.
HỒNG VÂN (The thao 24h)