Người giáo viên tật nguyền vượt lên nỗi da cam

14/02/2012 06:00
Trịnh Bồng
(GDVN) - Mang trên mình nỗi dau da cam thế nhưng hàng ngày, thầy giáo Đào Thanh Hương vẫn miệt mài mang con chữ đến với vùng quê nghèo Thanh Hóa.
Thầy giáo Đào Thanh Hương
Thầy giáo Đào Thanh Hương
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất gió Lào cát trắng, thầy giáo Đào Thanh Hương đã không may mắn được như mọi người. Chất độc da cam đioxin đã khiến hai chân và bàn tay anh không được lành lặn như bao người. Thế nhưng người thầy ấy vẫn đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án với một tình yêu nghề cháy bỏng.

Không bàn chân vẫn đạp lên số phận

Vượt qua nhiều km đường đất tôi đến được vùng đất mới lầy lội thuộc xã Đa Lộc – huyện Hậu Lộc – tỉnh Thanh Hóa. Trong căn nhà mới xây còn chưa hoàn thiện thầy giáo Đào Thanh Hương đang chăm chú giảng bài cho những cô cậu học trò nghèo. 
Gian nhà thường ngày vẫn là nơi để thầy Hương dậy học cũng chính là phòng tiếp khách mỗi khi có ai đó ghé chơi. Rồi anh bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện cuộc đời anh, từ khi sinh ra đến khi bén duyên với cái nghề mang con chữ đến với những thế hệ học trò nghèo.
Ngày ấy, bố anh tham gia kháng chiến chống Mỹ và không may mắn khi chất độc da cam dioxin đã ngấm vào cơ thể. Đó là lý do mà ngay từ khi vừa mới lọt lòng mẹ cơ thể anh đã không được lạnh lặn như bao người khác. Hai bàn chân hoàn toàn không có và cánh tay trái của anh thì teo tóp như một que củi khô.

Khi được hỏi về ước mơ của mình anh Hương chia sẻ: “Tôi mơ ước sau này mình sẽ trở thành một người giáo viên như mẹ của mình để có thể đóng góp một phần nhỏ bé nào đó cho quê hương. Không có điều kiện được làm những công việc to tát như bao người khác, tôi chỉ hy vọng giúp đỡ được phần nào cho các em học sinh nghèo nơi đây trong hành trình đi tìm con chữ”.
Đôi chân tật nguyền ấy tưởng chừng như sẽ chẳng thể làm được điều gì nhưng anh đã quyết tâm tập đi bằng hai cẳng chân. Nhiều năm liền cậu bé khuyết tật ấy cứ giữ một thành tích học tập vượt trội hơn hẳn so với các bạn trong lớp. Lên cấp 3, cậu thi đỗ vào trường huyện.

Có lẽ việc đạp xe 10 km mỗi ngày để đến trường học sẽ là bình thường đối với bao người khác. Thế nhưng nó lại là một điều phi thường đối với một người phải đi lại bằng hai cẳng chân và cánh tay trái cũng không được hoàn thiện.

Trải qua 12 năm đèn sách với bao nhiêu vất vả, cuối cùng anh cũng thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Hồng Đức. “Tôi không bao giờ có thể quên được cái cảm xúc khi cầm tờ giấy trúng tuyển trên tay. Hạnh phúc tưởng chừng như vỡ òa vì cuối cùng tôi đã có cơ hội thực hiện mơ ước của mình”.

Hạnh phúc bên người vợ cùng tên

Phải chịu bao nhiêu thiệt thòi trên cơ thể nhưng đổi lại thầy Hương lại có được một gia đình hạnh phúc, là niềm mơ ước của biết bao người khác. Khi được hỏi về mối lương duyên với người vợ cùng tên thầy chia sẻ:

“Tôi gặp cô ấy trong một lần đi dự lớp chuyên đề thanh sách giáo khoa. Khi ấy Hương còn đang là một sinh viên thực tập. Sau khi tốt nghiệp cũng rất tình cờ, cô ấy được phân công về trường tôi công tác và cũng chính tôi là giáo viên hướng dẫn kèm cặp Hương. Qua tiếp xúc, sinh hoạt tập thể, chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn và tình yêu cũng nảy nở từ đó. Có thể nói đó là những tháng ngày vô cùng tươi đẹp mà tôi không bao giờ có thể quên được”.
Còn gì hạnh phúc hơn khi niềm vui được làm cha mà anh mơ ước bao nhiêu năm nay cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Chín tháng 10 ngày vợ anh mang cái thai trong bụng là chừng ấy thời gian anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ. “Không biết rồi nó có được bình thường như bao đứa trẻ khác. Hay sẽ lại như cha của nó để rồi lại gieo thêm nỗi đau trong lòng của biết bao người”.
Người khác nhìn vào có thể sẽ nghĩ rằng anh là một người quá may mắn thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của người giáo viên ấy luôn thường trực những trăn trở mà ít ai biết được. Bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu việc anh có thể làm, thậm chí là thừa sức nhưng đôi khi vẫn bị bỏ qua bởi sự mặc cảm về những khiếm khuyết trên cơ thể anh.

Những góc khuất tâm hồn ấy anh chỉ có thể chia sẻ với người vợ của mình. Những gì mà anh đang có phải chăng chỉ là cái nổi trên bề mặt, rồi ngày mai nó sẽ ra sao? Liệu một ngày nào đó anh có bị bệnh tật đánh gục, vợ anh rồi sẽ phải chăm sóc một người chồng tàn phế nằm đó? Nhưng tất cả với họ sẽ không là gì, ba người họ sẽ vẫn vui vẻ, lạc quan với những đam mê và hạnh phúc của cuộc sống hiện tại.
Trịnh Bồng