Chủ "động lắc" Tây Hồ đã từng tốt nghiệp Đại học Luật

14/02/2012 18:07
Theo H.Vũ/An Ninh Thế Giới
Tiếp cận con người thật của chủ "động", nhiều tình tiết hé lộ lý giải vì sao y có khả năng làm chủ "động lắc" trá hình.
Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ vừa kết thúc điều tra vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại Câu lạc bộ Đêm Tây Hồ, 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Kẻ điều hành tụ điểm ăn chơi thác loạn này là Ngô Văn Thà (47 tuổi) đang bị truy nã…

Nói Ngô Văn Thà là chủ chứa không ngoa. Năm 1999, vụ án mại dâm tại khách sạn Công Dung do vợ chồng Thà làm chủ gây xôn xao dư luận. Dư luận hồi đó đã ì xèo rằng, "tổ quỷ" Công Dung tồn tại một thời gian dài, nhất định có sự bảo kê nào đó. Vợ chồng Thà cùng vào tù, vụ việc cũng tạm lắng. Thế nhưng, sự trở lại của Ngô Văn Thà bằng hoạt động kinh doanh Câu lạc bộ Đêm Tây Hồ, thực chất là nơi chứa chấp các cuộc chơi thác loạn, địa điểm lý tưởng cho những kẻ sử dụng ma túy tổng hợp, một lần nữa, dư luận lại đặt ra câu hỏi: Vì sao Ngô Văn Thà làm được việc đó? Con người thật của Ngô Văn Thà, liệu có phải là người có máu kinh doanh và hay làm việc thiện như đã có lúc, Thà biết tìm đến báo chí để lăng xê cho tên tuổi của mình?

gô Văn Thà và tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy núp bóng bar ca nhạc Đêm Tây Hồ .
gô Văn Thà và tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy núp bóng bar ca nhạc Đêm Tây Hồ .
Ông Nguyễn Văn Ph., là bạn học cùng lớp đại học của Ngô Văn Thà. Ông Ph. bảo, trong số những người cùng học Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật) với Ngô Văn Thà, thì ông là người biết nhiều về Thà nhất bởi 4 năm liền ông Ph. làm cán bộ lớp, trong đó 2 năm đầu là lớp phó học tập, 2 năm cuối là lớp trưởng. Lớp Quốc tế 8 Đại học Pháp lý (niên khóa 1983-1987) khi đó có 28 học viên, là lớp có ít sinh viên nhất so với các lớp khác. Chính vì vậy mà cán bộ lớp như ông Ph cũng có điều kiện tiếp xúc, nắm được sở trường, sở đoản, cá tính của từng người.

Thà là người Hà Nội, thuộc diện sinh viên ngoại trú. Dù vậy, so với một số sinh viên gốc Hà Nội khác, Thà gây được cảm tình với anh em trong lớp vì nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa văn nghệ của lớp, tính cách thân thiện, hay vào phòng nội trú giao lưu với anh em sinh viên ngoại tỉnh.

Cái thời ngày xưa của Ngô Văn Thà trong mắt bạn học, đó là một anh chàng cao gầy, hay cười, có vẻ chân chất, học lực thuộc loại khá. Học khá nên Thà mới có vinh dự là một trong số ít sinh viên trong lớp được viết luận văn tốt nghiệp. Có một điều đặc biệt về Thà khiến vị lớp trưởng nhớ mãi. Đó là chuyện thời sinh viên, Thà có một chiếc quần bò Thái. Hồi đó, quần bò là một thứ xa xỉ, có giá trị đến mức người mặc thường giữ gìn ghê lắm, để lúc bí quá có thể mang đi bán. Nhiều anh mặc cả năm không dám giặt quần, sợ giặt rồi quần bị sờn cũ, bán sẽ không được giá. Thà cũng vậy. Lớp học hồi đó ở Quán Gánh, Thường Tín. Sinh viên ngoại trú như Thà phải đi xe buýt đến lớp. Để giữ cho quần luôn mới, Thà không dám mặc từ nhà đi mà gửi chiếc quần bò trong hòm của một người bạn ở ký túc xá. Khi đến trường, Thà vào phòng nội trú thay quần bò, diện lên lớp học. Hết giờ, Thà lại thay quần khác, gửi lại chiếc quần bò. Chuyện như vậy để thấy rằng hồi đó Thà cũng thuộc diện nhà nghèo.

Sau này, khi Thà trở nên giàu có với khách sạn Công Dung, anh em trong lớp vẫn nhắc đến chuyện Thà giữ chiếc quần bò của mình mới nguyên trong suốt 4 năm đại học. Nhưng chuyện xưa cũ rồi. Khi có tiền, con người ta cũng thay đổi. Trong lúc bạn bè còn trầy trật với cơm áo gạo tiền thì Thà đã xênh xang nhà lầu, xe hơi. Chuyện cái quần bò thuở nào, chắc Thà chẳng thể nhớ bằng những người bạn nghèo khó.

Sau khi ra trường, mỗi người một nơi. Nghe nói Thà vào làm việc tại một công ty bảo hiểm gì đó ở Hà Nội. Đến năm 1994, ông Ph. quay trở lại Đại học Pháp lý học cao học mới có dịp gặp lại người bạn cùng lớp Ngô Văn Thà. Lần gặp ấy cũng rất tình cờ. Một thầy giáo dạy lớp cao học trong lần trò chuyện với đám sinh viên, tâm sự rằng thầy sắp nghỉ hưu rồi, tích cóp được một số vốn muốn đầu tư kinh doanh khách sạn.

Thầy muốn tham khảo mô hình kinh doanh nhưng chưa biết chỗ nào. Một anh trong lớp nhanh nhảu giơ tay nói sẽ đưa thầy đến nhà Ngô Văn Thà và rủ ông Nguyễn Văn Ph. cùng đi. Ba thầy trò dẫn nhau đến nhà Thà ở đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ. Lúc đó Thà đang đầu tư xây dựng khách sạn Công Dung, đã hoàn thiện việc xây thô. Thà dẫn ba thầy trò đi một vòng, giới thiệu mô hình kinh doanh, nào phòng nghỉ, phòng hát, phòng mát-xa, phòng nhảy… Tóm lại, so với các khách sạn tư nhân khác mới bùng nổ thời đó, khách sạn Công Dung của Ngô Văn Thà thuộc loại hoành tráng nhất. Chuyện Thà kinh doanh khách sạn Công Dung ra sao, bạn bè cùng lớp chỉ đoán già đoán non chắc Thà dựa vào vợ, vì Nguyễn Ngọc Dung, vợ Thà thuộc gia đình có thân thế, nghe nói bố làm cán bộ khá to ở Bộ Tài chính.

Năm 2008, lúc đó giữ cương vị Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương, khi nghiên cứu hồ sơ những trường hợp cần cân nhắc kỹ khi xét đặc xá, ông Nguyễn Văn Ph. giật mình nhận ra trong số đó có hồ sơ của Ngô Văn Thà, người bạn học cũ.

Hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày hội khóa cuối cùng mà Thà tham gia. Anh em sinh viên khóa 8 Đại học Pháp lý quy ước cứ ngày 22/12 hàng năm lại về trường cũ gặp mặt. Lần gặp ấy, sau khi liên hoan tại một nhà hàng trên đường Láng, anh em trong lớp rủ nhau đi hát. Hầu hết mọi người đều chọn những bài vui vui để hát mừng ngày gặp mặt. Riêng Thà thì chọn bài "Đêm đông", vốn là bài tủ của Thà thời sinh viên. Trời mùa đông, bên ngoài gió lạnh tái tê; "Đêm đông" qua giọng hát của Thà lại càng thêm tê tái, nhất là câu: "Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà". Mà sao hôm ấy giọng của Thà não nề, thê lương đến thế. Mấy bạn nữ không nén nổi cảm xúc, mắt đỏ hoe...

Vài tháng sau, anh em trong lớp được tin Thà bị bắt…

Đợt đặc xá năm 2008, hồ sơ của Thà đủ điều kiện về thời gian chấp hành án (quá nửa) nhưng vì tội danh của Thà thuộc loại tội rất nhạy cảm, nghiêm trọng nên không được xét đặc xá. Phải đợi đến một năm sau, năm 2009, Ngô Văn Thà được đặc xá.

Tình cờ một buổi ăn trưa, ông Ph. gặp lại Ngô Văn Thà. Hôm đó, Thà đi con "Mẹc" mang biển tứ quý "3". Bạn bè cùng lớp, ông Ph hỏi thăm trước: "Ra tù, chú định làm gì?". Thà cười: "Em chưa định làm gì cả, nhưng việc đầu tiên là phải thu xếp chuyện ly hôn với vợ cho rõ ràng về tài sản, xem còn bao nhiêu để đầu tư làm ăn". "Chú làm gì thì làm nhưng đừng dính vào chuyện cũ nữa nhé". Thà gật đầu, đáp "vâng" có vẻ rất thấm thía trước lời khuyên của lớp trưởng cũ.

Sau đó một thời gian, Thà điện thoại khoe đã thành lập Công ty CP Dịch vụ giải trí NVT và mời ông Ph. dự khai trương Câu lạc bộ Đêm Tây Hồ tại 614 Lạc Long Quân. Ông Ph. có hỏi "NVT là gì?". Thà giải thích, NVT trước hết là viết tắt của cái tên Ngô Văn Thà, sau đó có thể luận ra là "nghe và thích", "nghe và thấy", vì Thà kinh doanh bar ca nhạc. Chưa biết lần này Thà làm ăn ra sao, thì sau đó lại nghe tin Đêm Tây Hồ bị triệt phá bởi tổ chức sử dụng ma túy. Rồi Thà bị truy nã.

Cuối năm 2011, anh em trong lớp được tin mẹ Thà mất đã tổ chức đoàn viếng. Nhà Thà ở phía sau vị trí khách sạn Công Dung ngày nào. Theo phán quyết của tòa án, khách sạn này bị sung công quỹ, nay trở thành trụ sở của Hội Chữ thập đỏ. Đám tang hôm đó vắng mặt Ngô Văn Thà. Anh em lớp đại học đến viếng cùng chung tâm trạng trĩu nặng. Việc làm ăn phi pháp của Thà, từ kinh doanh khách sạn mại dâm đến "động lắc", chỉ có thể lý giải là những việc dễ kiếm tiền, thu lợi nhanh đã làm tha hóa một cử nhân Luật, từng được bạn bè thiện cảm ngày nào…

Với một kẻ bản chất lưu manh khoác áo trí thức như Ngô Văn Thà, y biết tận dụng triệt để những cơ hội để "lăng xê" bản thân và khoác lên mình chiếc áo hướng thiện để bao bọc việc làm phạm pháp. Trước thời điểm được đặc xá, khi tiếp xúc với phóng viên, Thà hùng hồn tuyên bố khi ra tù sẽ kinh doanh hướng thiện. Ra tù, trong vai Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ giải trí NVT, Thà bỏ ra một số tiền nhỏ để đóng góp vào quỹ từ thiện, để được lên báo quảng bá cho hình ảnh doanh nghiệp của mình. Nhưng đó chỉ là trò ma mãnh, mà chỉ những người không tỉnh táo mới bị Thà đánh lừa dễ đến thế.

Những người biết về chân tơ kẽ tóc của Thà kể lại, trước khi bước vào nghề kinh doanh khách sạn mại dâm, Thà cũng chỉ là một anh chân đất mắt toét. Đối diện nhà Thà lúc đó là khách sạn T.H., một trong những khách sạn tư nhân đầu tiên của Hà Nội thời bấy giờ. Khách sạn tư lúc đó mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế nên khách sạn T.H. lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Để giữ mối, ông chủ khách sạn T.H. ngỏ ý với vợ chồng Thà cùng phối hợp làm ăn. T.H. sẽ sang khách cho nhà Thà mà không đòi hỏi ăn chia gì. Lập tức, ngôi nhà mái bằng của gia đình Thà được ngăn thành một số phòng. Cái nghề kinh doanh phòng nghỉ lúc đó quả là hái ra tiền. Có ngày, một phòng nghỉ quay vòng đến cả chục lượt khách. Tiền cho thuê phòng mua được chỉ vàng ngon ơ trong ngày. Vốn liếng Thà tích lũy được từ đó. Mấy phòng trọ ban đầu được nâng cấp dần thành khách sạn Lưu Ly, rồi sau là khách sạn Công Dung.

Thà bước vào nghề kinh doanh bẩn thỉu và nhầy nhụa mà đôi khi, ngay cả giới giang hồ không phải kẻ nào cũng muốn nhúng tay vào, đó là kiếm tiền trên thân xác của gái mại dâm. Khách sạn Công Dung trở thành "phố đèn đỏ" một thời. Thừa biết đó là một việc vi phạm pháp luật, một loại tệ nạn bị cả xã hội lên án, nhưng Thà vẫn làm.

Hồi Thà mới ra tù, thấy Thà lên báo trong bộ dạng lành hiền làm từ thiện, không ít người tin rằng hơn 10 năm ở tù sẽ là bài học xương máu cho anh ta. Nhiều người tin Thà sẽ rút ra bài học xương máu, làm ăn lương thiện. Thường thì con người ta cố gắng làm nhiều việc thiện để sám hối cho những việc làm tội lỗi của mình. Hơn người khác ở chỗ Thà lại là một trí thức, một cử nhân Luật am hiểu về pháp luật, không dại gì mà Thà tiếp tục vi phạm pháp luật một lần nữa? Nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán.

Hiểu luật, biết việc mình làm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm, chỉ có thể là người không có lương tâm, không có đạo đức xã hội. Bản chất con người Ngô Văn Thà là như vậy. Hắn chọn những thứ kinh doanh khiến con người ta bị tha hóa. Hết mại dâm, đến ma túy tổng hợp. Điều nguy hiểm còn ở chỗ, ma túy tổng hợp đang là thứ tệ nạn nguy hiểm đang hủy hoại một bộ phận lớp trẻ. Ma túy sinh ra ảo giác khiến con người ta gây án không biết ghê tay. Biết là như vậy, nhưng Ngô Văn Thà vẫn ráo riết làm.

Với đầu óc của một kẻ am hiểu luật pháp, Ngô Văn Thà lách luật bằng cách thành lập Công ty CP Dịch vụ giải trí NVT, thuê mặt bằng tại 614 Lạc Long Quân, sau đó Thà cho một người có tên Nguyễn Minh Phong thuê lại kinh doanh bar ca nhạc, karaoke. Thực chất Phong chỉ là người được Thà mượn tên vì Thà vừa ra tù, không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự.

Mỗi tháng, Phong được hưởng lương 10 triệu đồng từ việc đứng tên này. Nhiệm vụ của Phong là ký khống hóa đơn, chứng từ và có mặt mỗi khi có đoàn kiểm tra. Không đứng tên kinh doanh nhưng tối tối, ông chủ Ngô Văn Thà có mặt đều đặn tại quán. Nhân viên các phòng "lắc" thường xuyên phải liên lạc, nhắn tin cho Thà biết hoạt động của từng phòng, khách vào ra bao nhiêu, có gì bất thường. Khi Cơ quan Công an triệt phá động lắc Đêm Tây Hồ, cả Ngô Văn Thà và Nguyễn Minh Phong cùng biến mất.

Số nhân viên bị Cơ quan điều tra bắt giữ trong "động lắc" Đêm Tây Hồ khai rằng, những sự việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra tại đây đều được ông chủ Ngô Văn Thà dẹp yên, không để lình xình. Việc thứ nhất, có một vị cán bộ nọ vào hát karaoke, khi thanh toán thấy đắt liền vỗ ngực xưng danh, có lời lẽ đe nẹt. Mặc dù biết thừa vị khách đó đúng là cán bộ thật nhưng Thà vẫn hô đám nhân viên oánh một trận, rồi đưa ra công an, coi như một vụ xô xát do khách gây rối, quậy phá quán. Vụ việc sau đó cũng không có hồi kết, nhưng mọi người ngầm hiểu rằng Thà phải có người chống lưng nên nếu không phải là kẻ có máu mặt thì Thà cũng không coi là đinh gì.

Việc thứ hai, một vị khách đến câu lạc bộ khi ra lấy xe ở bãi gửi phát hiện chiếc xe máy SH đã "bay" mất. Người mất xe được giải quyết êm thấm nên vụ mất xe máy cũng được dập đi. Ly kỳ nhất phải kể đến vụ cháy làm 1 người chết trước ngày khai trương. Vụ việc nghiêm trọng như vậy nhưng chỉ ít ngày sau, Đêm Tây Hồ đã tưng bừng khai trương, cho dù vụ cháy đã chứng tỏ câu lạc bộ này không đảm bảo an toàn về PCCC, và nguyên nhân vụ cháy, trách nhiệm của chủ kinh doanh ra sao cũng chưa được công khai cho dư luận.

Thà dẹp bằng cách nào? Chỉ có Chúa mới biết. Nhưng khám xét câu lạc bộ, Cơ quan điều tra đã thu được một số quyển sổ ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết việc chi tiền của Ngô Văn Thà. Thà là người biết sử dụng đồng tiền đúng lúc, đúng chỗ. Thế nên trong các công việc liên quan đến "đối ngoại", Thà là người chi rất mạnh tay, biết ném tiền vào những chỗ cần tạo dựng quan hệ cho việc làm ăn. Chi cho ai bao nhiêu, Thà ghi hết. Từ phường đến quận, từ ông A đến bà B, toàn những người có ảnh hưởng đến việc tồn tại của Câu lạc bộ Đêm Tây Hồ cả. Hào phóng với "người ngoài" như vậy nhưng đối với nhân viên, Thà lại rất chặt chẽ, tính toán từng xu.

Từ thời kinh doanh khách sạn Công Dung, Thà lập cho mỗi gái mại dâm một quyển sổ riêng, chấm công từng ngày. Không phải thu bộn tiền mà Thà dễ dãi nhé. Cô nào dùng mấy bánh xà phòng, ăn mấy gói bim bim, Thà đều ghi sổ hết, trừ tiền luôn. Đến Đêm Tây Hồ cũng vậy. Nhân viên đi muộn, trừ tiền. Không mặc đúng đồng phục, trừ tiền. Cái tính chi li của Thà từ khi kinh doanh khách sạn mại dâm Công Dung đến "động lắc" Đêm Tây Hồ vẫn không thay đổi và nó đã báo hại thân chủ khi những quyển sổ ghi chép ấy là bằng chứng buộc tội, cho dù Thà hay đám nhân viên có cố tình chối cãi, bao biện
Theo H.Vũ/An Ninh Thế Giới