Quảng Ngãi: Đình chỉ cơ sở chữa bệnh bằng nước lã của “thánh cô”

02/06/2011 07:33
(GDVN) - Vào sáng nay, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã bí mật đột nhập và bắt quả tang bà Phương đang hành nghề chữa bệnh tại nhà riêng.

(GDVN) - Chiều ngày 2/6, ông Nguyễn Thái Sơn, Chánh thanh tra sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: Vào sáng nay, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã bí mật đột nhập và bắt quả tang bà Phương đang hành nghề chữa bệnh, tại nhà riêng ở tổ 4, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn.

Tại đây, Đoàn kiểm tra đã xác định số dược liệu mà bà Phương dùng để chữa bệnh, gồm các phần lá, rễ.. của một số loại cây, như: dâu tằm, bông trang, cây vòi voi… Theo ông Hạ Thế Phong, PCT Hội Đông y Quảng Ngãi, số gọi là “dược liệu” này không đảm bảo khi sử dụng dùng để chữa bệnh; đồng thời còn gây nguy hiểm. Như cây vòi voi, do có độc tính khá cao. Qua kiểm tra, bà Phương không đưa ra được bất kỳ loại giấy tờ, chứng nhận gì do cơ quan chức năng và chuyên môn cấp để hành nghề khám chữa bệnh.

Đoàn thanh tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động cơ sở khám chữa bệnh của của bà Phương.

“Thánh cô” đang phù phép chữa bệnh cho người ốm.
“Thánh cô” đang phù phép chữa bệnh cho người ốm.


Theo điều tra của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, sau nhiều năm bán cá ở chợ Châu Ổ, rồi chuyển sang nghề làm nhang, bỗng dưng cách đây hơn 2 tháng, bà Phạm Thị Phương (khoảng 48 tuổi), ở khu dân cư số 2, tổ dân phố 4, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, trở thành “thánh cô” chữa được bách bệnh và xem gia sự cho người dân trong vùng.

Con đường hoá…thánh

Trong vai một người bị ốm, chúng tôi có mặt tại nhà “thánh cô” vào một sáng ngày cuối tháng 5. Mặc dù còn sớm, nhưng hàng chục người đã có mặt để chờ chữa bệnh. Sau một hồi lân la làm quen, người chồng bà Phương tên Thương (khoảng 50 tuổi), không giấu giếm: Gia đình phía vợ làm nông, 2 người cưới nhau được khoảng 10 năm. Lập gia đình xong Phương làm nghề mua bán cá ở chợ Châu Ổ.

Cách đây khoảng 2 năm thì chuyển sang làm nhang và chưa từng học qua, hay làm việc gì liên quan đến nghề y. Tuy nhiên hơn một tháng nay, nhờ “ơn trên phù hộ”, nên “bà nhà” khám chữa được bệnh và bốc thuốc nam, kiêm coi gia sự cho mọi người.

Nói về “cơ duyên” hoá thánh, chữa được bách bệnh của vợ mình, ông Thương, kể: một lần bà Phương ra bờ rào gần nhà thì phát hiện một thai nhi nam, nên đem về chôn. Cách đây 2 năm, thai nhi này về báo mộng, theo đó 2 vợ chồng đến bụi dứa gần nhà và phát hiện một thai nhi nữ và đem chôn. Và 1 năm sau, 2 vợ chồng lại phát hiện và chôn 1 thai nhi nam nữa. Cho đến cách đây hơn 2 tháng, thai nhi nữ nhập hồn vào vợ. Bằng giọng Huế, thai nhi, cho biết mình là con của một người làm công trình, với một nữ sinh THPT ở địa phương. Sau đó “thai nhi” bảo “bà nhà” bỏ nghề làm nhang để chuyển sang bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế (?).

Cỏ, lá bình thường cũng là…thần dược

Nơi khám chữa bệnh của “thánh cô” là căn phòng khách của căn nhà đang ở, với diện tích rộng chừng 15m2. Tại đây được đặt 1 chiếc giường, một bộ ghế salon, còn trên tường treo một tấm bảng đen học sinh để ghi thời gian khám, chữa bệnh, coi gia sự của “thánh cô”. Những ai có nhu cầu đến khám, thì ngồi xếp hàng xuống nền nhà và chờ. Còn “thánh cô” thì ngồi trên chiếc ghế salon ở gần.

Trang phục của “thánh cô” vẫn là bộ đồ bình thường như bao người “trần” bình thường khác. Qua quan sát trên bàn thuốc của “thánh cô”, gồm: Vài chai nước lã, xấp giấy giống như  vàng mã và một ít lá cây, ngô non, bông ngủ sắc, lá vú sửa... Anh Thương, cho biết: Đây là những loại thảo dược quý, mà “hồn nhi” đã dẫn đường tôi đi hái trên núi đem về. Nhìn thì tầm thường vậy, nhưng được “phù phép” nên vô cùng quí, có thể chữa được bách bệnh đó(?).

Xoa đầu, thổi phù…

Bệnh nhân tới lượt khám thì đến ngồi, quỳ hoặc đứng trước mặt để “thánh cô” dùng tay xoa lên đầu, rồi thổi và đọc câu “thần chú”. Tiếp đó, vò mấy tờ vàng bạc để trên bàn, bỏ vào chai nước lã, lắc đều rồi cho uống. Tuy nhiên, cũng có người ngoài dùng tay xoa, miệng thổi thổi, “thánh cô” còn dùng một cây bút bi đã hết mực, châm vào chỗ mà người bệnh kêu đau.

Một người nhà bệnh nhân ghé tai, thì thầm: Hôm nay ít người nên “thánh cô” mới đích thân châm cho người bệnh, chứ hôm nào đông khách thì người nhà phải tự làm. Tuy mới “khai trương” gần 2 tháng nay, nhưng có khá nhiều người đến xin thuốc đến 5 - 6 lần.

Chị “H”, ở thị Trấn Châu Ổ, mắc bệnh nan y từ nhiều năm nay, dù được gia đình đưa đi nhiều nơi chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Nghe tin bà Phương được “nhi thần” nhập có thể chữa bách bệnh, nên gia đình đưa chị H đến để xin được chữa trị. Còn chị Hạnh, ở xã Bình Chương, cùng huyện, nghe mọi người giới thiệu nên cũng cầm theo chai nước sôi để nguội, để “thánh cô” làm phép.

Anh Q. quê ở huyện Mộ Đức, nghe tin cũng tranh thủ chở vợ ra chữa bệnh. Khi được hỏi có tin vào phương pháp chữa bệnh của “thánh cô” Phương không, anh Q. nói: Việc chữa bệnh không chỉ nhờ thuốc mà còn phải có đức tin thì mới có thể khỏi được (?). Giải thích về sự mâu thuẫn, giữa lời nói chỉ “cứu độ chúng sinh, chứ không lấy tiền” và những tờ bạc giấy đủ loại, mệnh giá từ 20-100.000 đồng được đặt trên dĩa ở trên bàn, ông Thương, cho biết: Đó là lòng thành của khách để lo hương khói, hoa quả cho  “thánh cô”.

C.T