Kỳ 5: Sinh viên thực tập bị ngất, Công ty "phủi" trách nhiệm

16/02/2012 22:47
Thu Hòe – Bích Thảo (thực hiện)
(GDVN) - 6 ngày, 5 sinh viên bị ngất. Trường đổ trách nhiệm cho Công ty, Công ty đẩy lại cho trường, còn sinh viên nằm bệnh viện không được khám vì không có tiền.

Trước những phản ánh của sinh viên khoa Kế toán trường ĐH Công nghiệp Việt Hung, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với trường ĐH Công nghiệp Việt Hung xung quanh câu chuyện đi trải nghiệm thực tế phải làm công việc của một công nhân, phải bắt buộc tăng ca, làm đêm dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, ngất xỉu, lương thấp, không được học nghiệp vụ… của sinh viên kế toán. Để tiếp tục cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ, đa chiều hơn, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn trực tiếp ông Shih – Chang Lin, Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hải về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông Shih – Chang Lin, lý do gì khiến Công ty Hồng Hải ký cam kết với trường ĐH Công nghiệp Việt Hung tiếp nhận 240 sinh viên khoa Kế toán về trải nghiệm thực tế?

Ông Shih - Chang Lin, Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hải tại Việt Nam. (Ảnh Thu Hòe)
Ông Shih - Chang Lin, Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hải tại Việt Nam. (Ảnh Thu Hòe)

Ông Shih – Chang Lin: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải là một tập đoàn lớn. Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, chúng tôi luôn chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ cho các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo các chuyên ngành về cơ khí, điện tử, tin học, kinh tế, kế toán…

Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho các trường đưa sinh viên đến gần hơn với chúng tôi. Chúng tôi muốn đươc cùng các trường tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm thực tế, tiếp cận với công nghệ, khoa học tiên tiến nhất. Đó là lý do tại sao, hằng năm, chúng tôi tiếp nhận hàng nghìn sinh viên đến thực tập, trải nghiệm thực tế ngay tại công ty của mình. Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung cũng không phải là một ngoại lệ.

Phóng viên:  Gần đây, dư luận khá chú ý đến chuyện sinh viên khoa Kế toán, trường ĐH Công nghiệp Việt Hung trải nghiệm thực tế tại Công ty Hồng Hải – KCN Quế Võ – Bắc Ninh lại phải đứng lắp ráp linh kiện điện tử. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Với ông Shih - Chang Lin, sinh viên chuyên ngành Kế toán trải nghiệm thực tế với công việc lắp ráp điện tử là chuyện bình thường và không có gì vô lý.
Với ông Shih - Chang Lin, sinh viên chuyên ngành Kế toán trải nghiệm thực tế với công việc lắp ráp điện tử là chuyện bình thường và không có gì vô lý.

Ông Shih – Chang Lin: Chúng tôi không ép buộc các trường ĐH, CĐ và thậm chí là TCCN liên kết với chúng tôi phải đưa sinh viến đến với chúng tôi trong mỗi kỳ kiến tập, thực tập, mỗi kỳ trải nghiệm thực tế... Họ tự liên hệ và tự nguyện đến.

Theo quan điểm của tôi, sinh viên học kế toán hoặc bất kể ngành gì đến trải nghiệm kỹ thuật hoặc công việc ở tập đoàn của chúng tôi là “bắt đầu học những cái mới”. Nó hoàn toàn không có gì trái ngược, mâu thuẫn với chuyên ngành sinh viên đó đang theo học.

Sinh viên đến trải nghiệm ở một công ty, một doanh nghiệp có tiềm lực đều học được rất nhiều cái mới. Một sinh viên học kế toán, anh ta, chị ta chỉ biết đến những con số chứ không được biết đến thực tế, những công việc liên qua, những công nghệ hiện đại thì đó cũng chỉ là một con số gần điểm xuất phát. Anh muốn thành đạt, anh phải trải nghiệm thực tế.

Người học kế toán phải trải nghiệm từ sản xuất mới có được những hiểu biết về cơ bản. Và như vậy họ mới có thể làm kế toán giỏi được.

Do đó, chúng tôi không cho việc sinh viên kế toán đang trải nghiệm với công việc lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty của chúng tôi là một câu chuyện trái khoáy, không thiết thực, không phục vụ cho nghiệp vụ… và vô lý.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những nội dung đã có sự thống nhất giữa nhà trường và công ty trước khi đưa sinh viên đến.

Phóng viên:  Việc chuyên ngành một đằng đi trải nghiệm một nẻo như vậy có phải trống đánh xuôi kèn thổi ngược?

Ông Shih – Chang Lin: Chúng tôi không có chỉ định các trường ĐH đưa sinh viên học kế toán vào công ty chúng tôi để làm lắp ráp điện tử. Các trường hoàn toàn tự nguyện. Họ nhận thấy, việc cho sinh viên đến trải nghiệm, làm việc sẽ giúp sinh viên đúc kết nên kinh nghiệm cho bản thân, phục vụ cuộc sống.

Khi các trường đưa sinh viên kế toán đến xin trải nghiệm, xin thực tập, chúng tôi nhận thấy rằng: Sinh viên kế toán sẽ học được những cái cơ bản nhất để khi bước vào nghề sẽ hiểu rõ các bước sản xuất và đối với công việc của sinh viên đó sau này sẽ có lợi.

Phóng viên:  Công ty Hồng Hải có kế hoạch hỗ trợ, trang bị nghiệp vụ kế toán cho sinh viên trong quá trình trải nghiệm hay không?

Ông Shih – Chang Lin: Cái này là yêu cầu của trường. Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung yêu cầu như thế nào thì chúng tôi đáp ứng như vậy.

Phóng viên:  Nhiều sinh viên phản ánh, họ không hề biết mình sẽ phải làm gì và có quyền lợi cũng như nghĩa vụ như thế nào khi đến trải nghiệm ở Hồng Hải. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Shih – Chang Lin: Đó là trách nhiệm phổ biến của nhà trường. Công ty không có nhiệm vụ làm việc đó.

Phóng viên:  Tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 tuần làm việc đã có 5 nữ sinh ngất xỉu vì căng thẳng và làm việc quá sức phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Phải chăng, môi trường làm việc đã quá căng thẳng quá sức chịu đựng với sinh viên?

Ông Shih – Chang Lin: Việc sinh viên bị ngất xỉu trong quá trình làm việc là do thể lực của người đó yếu. Rất nhiều công nhân của chúng tôi cũng đang làm việc và thậm chí còn làm khối lượng công việc nhiều hơn, lớn hơn với các bạn sinh viên trải nghiệm. Họ vẫn làm được. Do đó, không thể nói môi trường làm việc của chúng tôi là căng thẳng, là quá sức chịu đựng

Công ty và Nhà trường đang đưa đẩy trách nhiệm cho nhau về chuyện giải quyết chế độ, quyền lợi cho sinh viên
Công ty và Nhà trường đang đưa đẩy trách nhiệm cho nhau về chuyện giải quyết chế độ, quyền lợi cho sinh viên

Phóng viên:   Chi phí khám, điều trị của những sinh viên bị ngất xỉu trong quá trình làm việc phải đi cấp cứu ở bệnh viện sẽ do bên nào chịu trách nhiệm, thưa ông?

Ông Shih – Chang Lin: Bên trường ĐH Công nghiệp Việt Hung phải lo về khoản chi phí phát sinh này.

Phóng viên:  Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung lại trả lời PV, khoản chi phí này, công ty tiếp nhận sinh viên đến làm việc, trải nghiệm thực tế phải chịu trách nhiệm?

Ông Shih – Chang Lin: Chúng tôi không chịu trách nhiệm về khoản này.

Phóng viên:  Sinh viên đang băn khoăn về mức lương sẽ được nhận trong quá trình làm việc, trải nghiệm tại Công ty Hồng Hải?

Ông Shih – Chang Lin: Chúng tôi đã làm việc và thỏa thuận với nhà trường. Nếu chị muốn biết thì hỏi trường ĐH Công nghiệp Việt Hung.

Xin cảm ơn ông!

Như vậy, tính đến trưa ngày 16/2, trước việc các nữ sinh bị ngất, nhà trường bảo Công ty chịu trách nhiệm, còn công ty lại đẩy lại cho nhà trường.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc này.

Nếu quý vị bạn đọc có thêm thông tin gì xung quanh việc sinh viên thực tập tại Công ty Hồng Hải phải làm việc như công nhân chuyên nghiệp xin vui lòng cung cấp cho tòa soạn theo số hotline: 0938.766.888 hoặc theo email: toasoan@giaoduc.net.vn

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục


Thu Hòe – Bích Thảo (thực hiện)