Chùa Một Cột đang “Tây hóa”: Cơ quan chức năng nói gì?

18/02/2012 06:35
Hoàng Lâm
(GDVN) - Trước phản ánh của độc giả về việc chùa Một Cột đang bị “Tây hóa”, PV báo Giáo dục VN đã liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan để tìm hiểu.
Với câu hỏi tại sao lại có hiện tượng để “đèn chùm phương Tây” và “sư tử lạ” xuất hiện tại một ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Một Cột – ngôi chùa hiện đang nằm trong phạm vi quản lý của quận Ba Đình, ông Đỗ Vũ, trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi không hướng dẫn có cái đó (việc đặt sư tử đá và đèn chùm - PV). Việc làm đó là để phục vụ truyền thống của ngôi chùa”. 
Đèn chùm trong gian thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột
Đèn chùm trong gian thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột
Trong khi đó, khi được hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc để những “chi tiết lạ” xuất hiện ở chùa Một Cột, bà Lan Anh, trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: 
“Theo Quyết định ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, bên Sở không quản lý trực tiếp nên không thể có đủ người đi theo dõi sát sao tất cả các di tích được. Quận huyện phải là những người trả lời được thực trạng và định hướng trước tiên.”
Trước các ý kiến trên, PV đã liên hệ trực tiếp với thầy Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột nhưng phía nhà chùa trả lời, thày hiện đi vắng.
Hiện tại, PV vẫn chưa được gặp trực tiếp thày Đại đức trụ trì chùa Một Cột để tìm hiểu thêm về việc trong chùa xuất hiện “sư tử lạ” và “đèn chùm Tây phương”.

"Với lịch sử gần 1000 năm chùa Một Cột được coi  là Quốc tự và là một nơi rất linh thiêng. Tương truyền rằng khi Lý Thánh Tông chưa có Hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, Vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên lầu ngồi, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó Hoàng hậu có mang hoàng tử. 

Nói đến chùa Một Cột ngoài ý nghĩa tâm linh thì không thể không nói đến kiến trúc độc đáo của quần thể khu di tích này. Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét."




Hoàng Lâm