Iran công bố thành tựu hạt nhân để tăng sức mạnh đàm phán

18/02/2012 07:19
Ngọc Huyền (theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Việc tuyên bố thành tựu hạt nhân của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 15/2, được cho là sẽ tăng khả năng thương lượng trong các cuộc đàm phán.
Động thái mới này của Iran được các nhà phân tích dự đoán rằng có thể làm quan hệ với phương Tây thêm căng thẳng nhưng vẫn đặt ra nhiều hy vọng vào các cuộc đàm phán sắp tới.
Khẳng định thành tựu hạt nhân
Việc công bố thành tựu hạt nhân mới của Iran có thể làm gia tăng căng thẳng với phương Tây.
Việc công bố thành tựu hạt nhân mới của Iran có thể làm gia tăng căng thẳng với phương Tây.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ tư, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã công bố những thành tựu hạt nhân mới nhất của đất nước mình.

Theo ông, 3.000 máy ly tâm đã được bổ sung để đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium, nâng số lượng máy ly tâm đang hoạt động trong nước hiện nay lên 9.000. Cùng với đó, một nhà máy chế biến mới sẽ được khánh thành trong 13 tháng tới.
Ông còn yêu cầu các quan chức của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) xây dựng thêm 4 lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân ở bốn phía của đất nước để nghiên cứu thêm và sản xuất chất phóng xạ.

Ngoài ra, từ ngày 20/3, Iran sẽ bắt đầu sản xuất bột bánh vàng mới, một loại bột tập trung uranium có được thông qua quá trình nghiền và chế biến quặng uranium.
Nhìn nhận động thái trên của Tehran, Davood HermidasBavand, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng ở nước này cho hay: “Iran đang cố gắng chứng minh với thế giới về việc đã đạt tới sự thành công trong công nghệ hạt nhân” bất chấp lệnh trừng phạt cũng như những cáo buộc liên quan đến Israel.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng
Máy ly tâm mới được lắp đặt tại lò phản ứng ở Natanz
Máy ly tâm mới được lắp đặt tại lò phản ứng ở Natanz
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trong hoàn cảnh mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây đang gia tăng căng thẳng, việc công bố thành tựu hạt nhân của Iran sẽ như một hành động thách thức Mỹ và phương Tây.

Điều đó sẽ tạo ra lý do cho phương Tây và Israel thúc đẩy thêm các lệnh trừng phạt và các biện pháp đối phó khắc nghiệt hơn đối với Iran.
Và trên thực tế, ngày 16/2 vừa qua, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt mới lên Bộ Tình báo và An ninh Iran (MOIS), đóng băng mọi tài sản nào của MOIS tại nước Mỹ và nhân viên của Bộ này cũng bị cấm tới Mỹ.
Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ tư đã lên án Iran là “nước sản sinh khủng bố lớn nhất thế giới”. Ông cáo buộc Tehran “phá hoại sự ổn định trên thế giới” khi đề cập đến cuộc tấn công kép hồi đầu tuần nhằm vào các nhân viên của Israel tại cơ quan đại diện ở Ấn Độ và Georgia và vụ đánh bom bất thành ở Bangkok.
Mặc dù Tổng thống Ahmadinejad nhấn mạnh, Iran sẵn sàng chia sẻ bí quyết hạt nhân với các thành viên của IAEA, song thông báo về tiến bộ hạt nhân của Iran vào thời điểm nhạy cảm này sẽ không tránh khỏi việc tạo nghi ngờ sâu sắc hơn cho phương Tây và Israel.

Tăng cường vị thế trong các cuộc thương lượng
Iran muốn có thêm sức mạnh trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Iran muốn có thêm sức mạnh trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, IAEA cho biết vào ngày 1/2, một cuộc họp giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và Iran về chương trình hạt nhân của nước này sẽ diễn ra tại Tehran từ ngày 21-22/2.

Quyết định được đưa ra sau khi đoàn đại biểu cấp cao của IAEA đến thăm Iran vào cuối tháng 1/2012, một chuyến thăm mà các phương tiện truyền thông Iran đánh giá là “tích cực và có tính xây dựng”.
Iran gần đây cũng tỏ ý muốn khởi động lại cuộc đàm phán hạt nhân với G5+1, vốn đã bị bế tắc hơn một năm nay. Tehran đồng ý hợp tác với IAEA và tổ chức một vòng đàm phán mới “hiệu quả” về chương trình hạt nhân của nước này.
Thêm vào đó, trong lá thư gửi tới Liên minh Châu Âu, Iran đã hoan nghênh một bình luận của Trưởng ban Chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton về việc tổ chức này tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của Iran.
Các nhà phân tích cho rằng, chiến thuật trả lời lá thư của Ashton và công bố thành tựu hạt nhân của Iran nhằm mục đích có được sức mạnh trong cuộc thương lượng tới - nếu các cuộc đàm phán này được tổ chức.

Iran khẳng định, việc nước này sẵn sàng trở lại bàn đàm phán không phải là kết quả từ những áp lực của phương Tây mà là sự tự nguyện của Tehran.
Theo các chuyên gia, vấn đề hạt nhân của Iran sẽ đi tới đâu là phụ thuộc vào kết quả của chuyến thăm sắp tới của đoàn đại biểu IAEA và các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Tehran và nhóm G5 +1.
Ngọc Huyền (theo Tân Hoa xã)