E.coli khiến 17 người thiệt mạng ở châu Âu là một chủng vi khuẩn mới

03/06/2011 01:25
(GDVN) - Loại vi khuẩn E.coli mới khiến 17 người châu Âu bị thiệt mạng và hơn 1.500 người khác đang bị ảnh hưởng là dạng đột biến của hai chủng E.coli.

(GDVN) - Telegraph trích dẫn tiết lộ mới nhất của các nhà khoa học cho biết, vi khuẩn E.coli gây ra ổ dịch nhiễm trùng đường ruột lớn tại Đức và một số quốc gia châu Âu là một chủng vi khuẩn hoàn toàn mới, chưa từng được biết tới trước đó.

Hilde Kruse, chuyên gia an toàn thực phẩm của WHO cho biết, kết quả phân tích sơ bộ cho thấy gen của loại vi khuẩn E.coli mới khiến 17 người châu Âu bị thiệt mạng và hơn 1.500 người khác đang bị ảnh hưởng là dạng đột biến của hai chủng vi khuẩn E.coli khác nhau.

17 người châu Âu bị thiệt mạng và hơn 1.500 người khác đang bị ảnh hưởng là dạng đột biến của hai chủng vi khuẩn E.coli khác nhau.
17 người châu Âu bị thiệt mạng và hơn 1.500 người khác đang
bị ảnh hưởng bởi chủng E.coli mới.

Bà Kruse cũng cho biết thêm, chủng vi khuẩn mới có những đặc tính mới khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với những chủng vi khuẩn E.coli khác và chúng cũng sản sinh ra nhiều chất độc hại hơn đối với con người.

Trong số những người bị ảnh hưởng bởi chủng vi khuẩn E.coli mới thì đa số người tử vong là nữ giới, hầu hết những người ở trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng là phụ nữ và trẻm em, nhưng chúng cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe ở mọi nhóm tuổi.

Đợt bùng phát bệnh đầu tiên được phát hiện tại miền bắc nước Đức. Phần lớn bệnh nhân đã khỏi bệnh trong vòng 10 ngày. Nhưng sau đó các trường hợp nhiễm bệnh khác đã được phát hiện tại Anh, Thụy Điển. Hiện đã có 17 người tử vong vì chủng vi khuẩn gây hại mới trên.

Ban đầu, các nhà khoa học Đức cho rằng dưa chuột nhập khẩu từ Tây Ban Nha là nguyên nhân chính gây bệnh dịch khiến một số quốc gia đã ban lệnh cấm nhập khẩu dưa chuột và rau củ của Tây Ban Nha, gây tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự dẫn tới ổ dịch trên vẫn chưa được khám phá.

Nguyễn Hường (Theo Telegraph)