Chính ông là nguyên nhân của thất bại - Arsene Wenger!

20/02/2012 12:40
Đỗ Âu
(GDVN) - 7 năm không một chức vô địch giành được là một nỗi cay đắng không thể tả trong sự nghiệp cầm quân của “Giáo sư” ở Arsenal, nhưng lý do vì sao?
Trong phần phỏng vấn của Wenger sau trận thua của Arsenal trước Sunderland ở vòng 5 FA Cup, “Giáo sư” đã nói rằng các Pháo thủ đã không may mắn khi thất bại trước một đối thủ yếu hơn. Thực tế thì không, những thất bại của Arsenal hoàn toàn không phải vì thiếu may mắn một chút nào.

Kể từ sau khi chuỗi bất bại 49 trận chấm dứt và kỷ nguyên của Henry kết thúc, một loạt những trụ cột đã rời khỏi CLB vì nhiều lý do khác nhau, từ tuổi tác cho tới năng lực. Thế hệ trẻ xuất hiện và bắt đầu chiếm lĩnh những vai trò quan trọng trong đội hình 1 của The Gunners. Và đây chính là lúc những vết nứt bắt đầu xuất hiện.
7 năm không cúp của Arsenal không thể vì thiếu may mắn
7 năm không cúp của Arsenal không thể vì thiếu may mắn

Trẻ đồng nghĩa với sự sung mãn, tiềm năng và khát khao chinh phục. Những tố chất đó mang lại những động cơ để Arsene Wenger trẻ hóa đội hình. Nhưng sự trẻ hóa đó đã diễn ra một cách khá vội vàng. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cầu thủ trẻ đã được đẩy lên đội hình 1, trong đó có những cá nhân đã rời khỏi Emirates như Alexander Hleb, Mathieu Flamini, Gael Clichy, Eduardo da Silva, Denilson, Carlos Vela…

Vậy thì điểm chung giữa những cá nhân đã ra đi đó là gì? Phần lớn họ đều không thành công. Hleb vật vờ dưới dạng cho mượn vì không thể chiếm một suất ở Barca, Flamini giúp Milan vô địch Serie A mùa trước nhưng đã 4 năm nay không được ngó ngàng tới ở ĐTQG, còn vị trí của Gael Clichy ở Man City là khá mong manh, có thể bị thay thế bất cứ khi nào. Những cái tên khác thì vẫn đang chật vật tìm kiếm danh tiếng cho mình.

Không phải họ không thành công ở bên ngoài Arsenal vì họ kém, và Arsene Wenger cũng không phải không có con mắt tinh đời khi nhận xét về tài năng cầu thủ. Lý do khiến họ không thể đạt tới được sự hoàn thiện mà mọi người mong muốn là bởi những cựu sao trẻ này không có điều kiện học tập từ thế hệ đi trước.
Alexander Hleb là một ví dụ điển hình của các sao trẻ thất bại sau khi rời Arsenal
Alexander Hleb là một ví dụ điển hình của các sao trẻ thất bại sau khi rời Arsenal

Trong giới huấn luyện viên, các nhà cầm quân thường hay có những chính sách huấn luyện khác nhau phù hợp với những điều kiện khác nhau. Khi một HLV có trong tay một đội hình thiếu cân bằng, họ thường có hai phương án khá hữu dụng, đó là dùng cầu thủ theo hướng “học hỏi” hoặc theo hướng “màn che”.

Hướng “học hỏi” là việc dùng cầu thủ ít kinh nghiệm trong một đội hình có nhiều cầu thủ có trình độ và kinh nghiệm ưu việt hơn. Điều này sẽ giúp cầu thủ trẻ học hỏi những kỹ năng chơi bóng từ các đàn anh nhanh hơn so với trong một tập thể quá đồng đều. Để một Walcott chỉ giỏi có tốc độ học hỏi Emmanuel Petit sẽ khiến Walcott giỏi kỹ thuật hơn.

Hướng “màn che” là đặt cầu thủ trẻ vào một đội hình mà trong đó những điểm yếu sẽ được đồng đội che khuất. Một tiền đạo to con nhưng kỹ thuật kém sẽ trở nên lợi hại hơn nếu được đá cặp với một chân sút có trình độ xử lý bóng siêu việt.

Thực tế cho thấy kể từ khi bắt đầu trẻ hóa vào năm 2005 và đưa ra một thế hệ cầu thủ mới từ năm 2007, Arsenal đã trải qua một quá trình đào tạo tài năng không hiệu quả. Các ngôi sao mới chỉ có thể phát triển một cách chậm chạp vì đội hình The Gunners đã không còn nhiều những danh thủ hàng đầu thế giới để giúp đỡ họ nữa. Walcott từ năm 2007 cho đến nay vẫn chỉ giống một VĐV điền kinh hơn là một tiền vệ cánh hoàn thiện cả về thể chất lẫn chiến thuật.
Theo Walcott năm nay đã 23 tuổi, và điều tiến bộ nhất khi nói về cầu thủ này đó là anh vẫn... chạy nhanh như năm 17 tuổi
Theo Walcott năm nay đã 23 tuổi, và điều tiến bộ nhất khi nói về cầu thủ này đó là anh vẫn... chạy nhanh như năm 17 tuổi

Lối chơi bóng ngắn mà Wenger áp dụng cũng tỏ ra không hợp lý: Cesc Fabregas (khi còn chưa tới Barca) trong một thời gian dài làm nhiệm vụ kiến thiết nhưng vẫn đôi lúc phải lui về phòng ngự vì người đá cặp của mình không có đủ năng lực để một mình thực hiện nhiệm vụ tranh chấp bóng. Không thể chơi bóng ngắn nếu như không có một chuyên gia thu hồi bóng như Patrick Vieira, nhưng Wenger chưa tìm đâu ra một cái màn che để lấp đi những khuyết điểm như vậy.

Như vậy về tổng thể, một Arsenal mà chúng ta vẫn theo dõi hàng tuần là một tập thể có nhiều cầu thủ giỏi, nhưng ít ai trong số đó đạt đến tối đa khả năng chơi bóng. Họ không có những người già dặn hơn để truyền thụ kinh nghiệm, và cũng không có những đồng đội có thể che khuất những điểm yếu bản thân.

Để có được một Lionel Messi như ngày nay thì trước hết phải có Xavi, và để có được Xavi thì trước tiên phải có Pep Guardiola. Có được một Pep Guardiola huyền thoại là nhờ công lao rất lớn của cựu HLV Johan Cruyff. Ngay cả Van Persie cũng cần có Thierry Henry để có thể trở nên xuất sắc như ngày nay. Arsene Wenger, tiếc thay, lại không đi theo con đường đó.
Đỗ Âu