Để không lãng phí “tinh hoa” của đất nước

21/02/2012 06:00
Nguyễn Tùng Lâm (ghi)
(GDVN) - Xã hội hóa giáo dục là câu chuyện xưa cũ đối với báo chí nhưng chưa khi nào hết nóng hổi tính thời sự.

Không thể phủ nhận cố gắng của các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện công tác này. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được cho đến nay vẫn còn rất hạn chế. Báo Giáo dục Việt Nam giới thiệu tới độc giả quan điểm của TS. Phạm Ngọc, hiện đang công tác tại trường ĐH Quốc gia Singapore xung quanh vấn đề này.

TS. Phạm Ngọc, hiện đang công tác tại trường ĐH Quốc gia Singapore
TS. Phạm Ngọc, hiện đang công tác tại trường ĐH Quốc gia Singapore

Những bất cập chưa có lời giải

Sau khi xóa bỏ thời kỳ bao cấp, để nâng cao chất lượng của nền giáo dục và giảm áp lực ngân sách cho nhà nước, chính phủ đã thực thi chính sách “xã hội hóa giáo dục”. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, kết quả đạt được là số lượng các trường dân lập, tư thục tăng lên một cách đáng kể trong tất cả các ngạch bậc giáo dục từ mầm non đến đại học. Tuy nhiên, cũng chính do sự phát triển quá nhanh về số lượng nhưng không được kiểm soát một cách khoa học và sát sao, đã khiến hệ thống của chúng ta bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, đó là sự chuẩn bị chưa tốt về nhân lực quản lý trong ngành giáo dục cả về số lượng và chất lượng. Do thiếu nhân lực lại ôm đồm quá nhiều công việc, dẫn  đến việc quản lý giáo dục của nước ta không minh bạch về tài chính, mơ hồ về mục tiêu, rắc rối và chồng chéo về thủ  tục hành chính. Chính Bộ trưởng giáo dục mới đây đã phải phát biểu rằng: “Với khoảng 400 trường đại học như hiện nay, nếu Bộ “ôm” hết cả thì làm không xuể”.

Trong bộ máy quản lý dường như thiếu những người có tầm nhìn xa và cái “tâm” thật sự với giáo dục để có thể thiết kế và triển khai một mô hình giáo dục phù hợp với nguyện vọng, văn hóa của người Việt Nam và không lạc điệu với xu hướng giáo dục của các nước tiến bộ trên thế giới.

Đã trải qua hàng chục năm phát triển nhưng chúng ta vẫn loay hoay tranh luận về triết lý giáo dục giáo dục Việt Nam, cái mà lẽ ra phải được thảo luận và nhận được sự đồng thuận của toàn bộ xã hội trước khi cải cách hay xây dựng chiến lược phát triển.

Trước khi ban hành một chính sách hay một thí điểm về mô hình đào tạo, lẽ ra Bộ Giáo dục nên tham khảo ý kiến từ các thành phần xã hội rồi từ đó có những quyết định đúng đắn. “Nhưng từ lâu ngành giáo dục đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái” (Hoàng Tụy, Tạp chí Tia sáng, 05/10/2009).

Và mặc dù Bộ Giáo dục có một lực lượng thanh tra giáo dục rất “hùng hậu”, nhưng hầu hết những bê bối xảy ra trong các trường học đều được phanh phui bởi người dân hoặc báo chí. Phải chăng là người dân chưa được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, giám sát và quản lý giáo dục ở nước ta?

Thứ hai, khi chúng ta đã mở rộng cánh cửa cho tư nhân tham gia vào đầu tư giáo dục thì cũng cần phải có một cơ chế quản lý và giám sát về quy mô và chất lượng đào tạo một cách hợp lý, tránh tình trạng biến trường học thành công ty kinh doanh trên đầu học sinh. So sánh với Trung Quốc cho thấy, chi phí giáo dục do người dân Trung Quốc đóng góp bằng học phí và các khoản phụ phí vào khoảng 20%, còn ở Việt Nam con số này là 40% (Vũ Quang Việt, Vietnamnet.vn, 13/02/2006). 

Thứ ba, về chất lượng giáo dục ở hệ thống dân lập thì quả là có rất nhiều vấn đề, từ cấp mẫu giáo đến bậc đại học. Rất nhiều trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu vệ sinh, thức ăn thiếu dinh dưỡng, giáo viên thì như nhân viên cai ngục có thể đánh đập, chửi mắng các cháu một cách không thương tiếc.

Nhiều trường đại học dân lập không đủ không gian và cơ sở vật chất cho học tập, giáo viên cơ hữu vừa thiếu lại vừa yếu. Tại sao chúng ta đã có những quy định về tiêu chuẩn để thành lập trường tư thục cho các cấp học, nhưng vẫn xẩy ra tình trạng như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải nguyên nhân là do giám sát và kiểm tra một cách quan liêu hoặc những cá nhân có trách nhiệm đã thông đồng để làm ngơ.

Thứ tư, thiết bị giáo dục và sách giáo trình là những thứ không thể thiếu trong giáo dục thì lại không được “xã hội hóa”. Các công ty nhà nước thuộc bộ giáo dục vẫn chiếm độc quyền. Phải chăng món lợi nhuận béo bỏ từ việc kinh doanh và sản xuất chúng đã làm trì hoãn xã hội hóa công tác này? Chúng ta-những phụ huynh, có quyền đặt ra câu hỏi, có phải do lợi nhuận từ việc xuất bản sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục đã thí điểm quá nhiều chương trình giảng dạy như thế. Do độc quyền nên giá sách tùy tiện tăng giá mặc kệ mọi phản ứng/phản đối từ phía người dân. 

Để không lãng phí “tinh hoa” của đất nước

Ở những nền giáo dục tiên tiến, mô hình liên kết giữa gia đình, nhà  trường và xã hội luôn được quan tâm và phát triển một cách thỏa đáng. Thế nhưng, ở nước ta, sợi dây liên kết này dường như rất mỏng manh.

Trường học phải gần gũi với gia đình, là cầu nối  để đưa con em họ tự tin bước ra ngoài xã  hội. Nhà trường phải là nơi đào tạo con em họ thành những người có đạo đức, có lòng tự trọng, có ý trí vươn lên và có năng lực chuyên môn thích ứng với những đòi hỏi của xã hội.

Đồng thời nhà trường cũng có thể hướng dẫn và định hướng cho gia đình về phương pháp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con em họ ngay tại gia đình. Nhưng thật không may, mô hình nhà trường biến thành bảo mẫu này hiện đang rất phổ biến ở nước ta. Rất nhiều gia đình phó mặc giáo dục con em mình cho nhà trường. Mỗi khi con em họ xẩy ra điều gì, họ lại tìm cách đổ tội cho nhà trường, cho giáo dục.

Có lẽ chính vì chúng ta đã thất bại trong giáo dục mầm non và tiểu học nên dẫn đến hậu quả là phải chấm điểm “đạo đức” cho sinh viên ở bậc giáo dục Đại học. Điều này đúng là sáng tạo “độc đáo” có một-không-hai trong giáo dục Đại học ở Việt Nam. Phải chăng Bộ Giáo dục nghĩ rằng, chấm điểm đạo đức sẽ giúp/khiến sinh viên cố gắng sống tốt hơn, trở thành con người có đạo đức hơn? Nếu đúng như vậy thì thật là quá duy ý chí. Cách làm này chỉ đem lai hậu quả ngược là tạo ra những chú cừu ngoan ngoãn mà thôi.

Thiết nghĩ, sinh viên đại học nên được đối xử như một “người trưởng thành”. Vai trò giáo dục đại học ở đây đã không được đánh giá đúng đắn. Thay vì làm công việc của giáo dục tiểu học như vậy, giáo dục đại học nên tập trung đào tạo kỹ năng chuyên môn cơ bản, truyền cho sinh viên niềm say mê khám phá khoa học và một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, sẵn sàng vươn ra biển lớn. Để sinh viên sau khi ra trường có thể thích ứng được với mọi môi trường làm việc, có khả năng cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.

Và cũng do thiếu sự liên kết giữa nhà trường và xã hội nên chương trình đào tạo hiện nay đã đi xa với thực tế yêu cầu. Rất nhiều sinh viên có trình độ đại học ra trường không thể làm được việc, đặc biệt rất ít sinh viên được đào tạo tại Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của các công ty, tập đoàn toàn cầu.

Ví dụ như, khi Tập đoàn Intel mở nhà máy tại Việt Nam, có rất ít người Việt Nam vượt qua được những yêu cầu tuyển dụng của họ. Và trong khi Việt Nam có rất nhiều Viện nghiên cứu, công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí thì người chế tạo và phát triển máy gặt đập liên hợp lại là một nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Có thể nói, xét trên một phương diện nào đó, Việt Nam đang thất bại trong giáo dục đại học.

Tóm lại, mặc dù cụm từ “xã hội hóa” đã được nói đến từ lâu và đề cập rất nhiều lần trong chính sách phát triển giáo dục của nước ta, nhưng những thành quả đạt được thì còn rất hạn chế. Thay vì chạy theo thành tích số lượng, thiết nghĩ, những vấn đề quan trọng hơn như chất lượng giáo dục, quyền của người dân và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, chiến lược và quản lý giáo dục thì quả thực cần phải cải thiện nhiều hơn nữa. 

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Nguyễn Tùng Lâm (ghi)