Các chuyên gia GD phản đối việc SV Kế toán đi lắp ráp điện tử (kỳ 10)

22/02/2012 17:21
Xuân Trung
(GDVN) - Xung quanh chuyện SV khoa Kế toán trường ĐH CN Việt Hung học một đằng, thực tập một nẻo. Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách đào tạo trên. 
Trao đổi với chúng tôi, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam nhìn nhận, không có chuyện học một đằng đi kiến tập, thực tập một nẻo. Nếu có, cũng phải xem vấn đề từ gốc, xem chương trình và ý nghĩa của chuyến trải nghiệm này như thế nào?
“Học kế toán tôi nghĩ sinh viên làm việc trên máy vi tính, thực hiện trên đó những công việc thì đúng hơn là lắp ráp điện tử như một người thợ sản xuất”, GS Nhĩ đùa rằng: “Hay là nhà trường định chuyển sinh viên sang một ngành khác. Vì kế toán ra không ai sử dụng nên nhà trường làm thế chăng?”.
Về chuyện sinh viên thực tập tăng ca, căng thẳng, mệt mỏi gây ngất, theo GS Nhĩ  trách nhiệm thuộc về cả hai bên. “Bộ phận lao động phải tính toán như thế nào cho vừa với sức khỏe của các cháu, phải tính toán chứ không nên bóc lột sinh viên. Cái gì cũng phải thích nghi dần dần. Lao động hiện nay cũng phải thực hiện trong phạm vi luật cho phép, nếu làm quá dẫn đến sinh viên ngất thì điều đó là không đúng” GS Nhĩ thẳng thắn. 

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng GDĐH, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, sự việc của trường ĐH Công nghiệp Việt Hung khiến dư luận không đồng tình. 
Ông Khuyến cho biết nếu SV học kế toán thực tập trải nghiệm ở phòng kế toán của công ty đó thì hợp lí hơn, “Việc học kế toán mà đi lắp ráp linh kiện điện tử thì vô lí quá. Ai cũng thấy chuyện này vô lí” ông Khuyến cho biết. 
Sinh viên học kế toán đi làm công nhân lắp ráp điện tử, chuyện ngược đời.
Sinh viên học kế toán đi làm công nhân lắp ráp điện tử, chuyện ngược đời.
Sự việc vừa qua tại trường ĐH Công nghiệp Việt Hung khiến nhiều sinh viên không chịu được áp lực công việc dẫn đến ngất xỉu. Đề cập về trách nhiệm của trường trong vấn đề này, ông Khuyến cho rằng chuyện đó lại là chuyện khác, nhưng đã học ngành nào phải được trải nghiệm đúng ngành đó sinh viên mới tiến bộ được. “Đó là vấn đề vô trách nhiệm của nhà trường, trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề này” ông Khuyến khẳng định. 
NGND, PGS, TS Nguyễn Văn Tạo, hiệu trưởng Trường CĐ Asean, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lí tại các trường ĐH khác cho biết, việc sinh viên kế toán đi làm công nhân lắp ráp như vậy là trường sai: “Người ta học văn mà lại đi thực tập toán thì quá ngược đời. Nếu như nói trong năm giữa hai kỳ cho sinh viên đi thăm quan, trải nghiệm thực thế thì còn hợp lí. Quan điểm đào tạo là phải thực tập đúng ngành nghề” NGND, PGS, TS Nguyễn Văn Tạo nhấn mạnh.
NGND, PGS, TS Nguyễn Văn Tạo  cũng giải thích, không có chuyện nhà trường được hưởng phí quản lí sinh viên thực tạp từ doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp nào tốt thì mỗi tháng trả cho sinh viên mấy trăm tiền ăn trưa, thậm chí nhà trường còn phải trả thêm tiền hướng dẫn cho doanh nghiệp đó”.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cũng nhìn nhận, để xảy ra sự việc này nhà trường phải chủ động, nếu trường sai phải chịu trách nhiệm. Nếu trường sai quy chế Bộ sẽ làm việc với trường để “thổi còi”.  “Thực tập không đúng với chuyên ngành rõ ràng không đúng với chương trình đào tạo, nếu cần Bộ sẽ kiểm tra. Tôi cũng từng là giảng viên đại học, riêng sinh viên của tôi đi thực tập thì giảng viên phải có đề cương chứ không phải muốn là đi thực tập được” ông Bá cho biết. 
Ông Bá cũng cho biết, hiện nay, việc quản lí sinh viên ngoài giờ học chỉ có quy định ngoại trú, ngoài giờ học sinh viên ở đâu phải có đăng kí tạm trú, tạm vắng với địa phương, thay đổi chỗ phải báo cho nhà trường. Bộ có quy định như vậy để phối hợp với công an nắm bắt thông tin: “Trường hợp sinh viên đi thực tập nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc sinh viên ăn, ở, báo cáo địa phương như thế nào, lúc này nhà trường chịu trách nhiệm” ông Bá khẳng định. 
Xuân Trung