Bộ Công Thương vào cuộc vụ SV kế toán thực tập lắp ráp điện tử (kỳ 9)

22/02/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - “Trước hết, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Quí Báo đã quan tâm và trao đổi về vấn đề này. Bộ Công thương sẽ yêu cầu Nhà trường báo cáo cụ thể và kiểm tra."
Ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ  Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), quản lý công tác đào tạo của các trường thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa nhận được báo cáo sự việc tại trường ĐH Công nghiệp Việt – Hung, ông Thanh cũng khẳng định: “sẽ yêu cầu Nhà trường báo cáo cụ thể và có kiểm tra”.
Ông Thanh cũng thông tin, hiện tại Bộ Công Thương đang quản lí 50 trường ĐH, CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, trong đó có 8 trường thuộc khối thương mại và 42 trường thuộc khối công nghiệp, chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương). Ảnh Xuân Trung
Ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương). Ảnh Xuân Trung
Được biết, các trường trực thuộc Bộ chịu sự quản lí của Bộ theo quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12  năm 2010 của Chính phủ, trong đó có nội dung về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quản lý nhân sự theo phân cấp, tài chính, đầu tư, phối hợp các cơ quan quản lí các hoạt động đào tạo,…

Đối với các trường thuộc khối doanh nghiệp thuộc Bộ, việc quản lý chỉ gồm một số nội dung như quy hoạch, phê duyệt một số dự án theo phân cấp, khen thưởng, xét và đề nghị phong tặng các danh hiệu vinh dự nhà giáo,…
Về việc trường ĐH CN Việt –Hung (trực thuộc Bộ Công Thương) đưa sinh viên kế toán đi làm công nhân lắp ráp điện tử, ông Thanh cho biết, “Vấn đề này Bộ chưa nhận được báo cáo từ Nhà trường. Bộ đã  phân cấp cho các trường về nhiều nội dung, trong đó có công tác tổ chức quá trình đào tạo. Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Nhà trường báo cáo cụ thể và có kiểm tra. Những nội dung Trường thực hiện không đúng quy định, Bộ sẽ yêu cầu Trường có biện pháp khắc phục ngay” ông Thanh nói. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thanh cho rằng, để sự việc này xảy ra như vừa qua đôi khi cũng có những nguyên nhân như Nhà trường hợp đồng với doanh nghiệp nhưng có thể chưa đầy đủ trong nội dung, hoặc chưa giám sát chặt chẽ công tác quản lý quá trình thực tập của học sinh, sinh viên,…“Vấn đề này chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với Nhà trường”.
Ông Thanh cũng cho rằng, sinh viên học kế toán đi lắp ráp điện tử cũng có bổ trợ phần nào cho ngành học, nhưng tỉ lệ đó rất ít: “Sau này sinh viên làm kế toán ở các doanh nghiệp cũng phải biết qua được những nội dung hoạt động của công việc, làm gì thì làm, kể cả làm kế toán cũng phải biết đặc thù công việc, nhưng đó không phải vấn đề lớn, tuy nhiên có biết qua cũng cần” ông Thanh chia sẻ.
Về vấn đề có hay không sự “móc ngoặc” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc trả lương cho sinh viên, ông Thanh cho biết, vấn đề này do hai bên kí hợp đồng với nhau. 
Được biết, trong thời gian trải nghiệm tại công ty Hồng Hải, một số sinh viên nữ do làm  quá sức, tăng ca đã phải nhập viện, ông Thanh khẳng định: “Là cơ quan quản lí chúng tôi sẽ yêu cầu trường làm đúng với quy định. Còn việc  trường hưởng phí quản lí sinh viên thực tập  tại doanh nghiệp đã có trong hợp đồng. Đây là một chủ trương xã hội hóa giáo dục, các doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình này”. 
Được biết, vào sáng nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu Trường ĐH Công nghiệp Việt – Hung phải có báo cáo cụ thể những sự việc do sinh viên phản ánh trong thời gian qua, nghiêm túc chấp hành đúng quy định của Bộ.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ gửi tới độc giả kết luận của Bộ Công Thương sau khi buổi làm việc kết thúc. 

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Xuân Trung