Từ Sacombank, nhìn lại 5 thương vụ đình đám tại VN

22/02/2012 13:10
Khuê Hạ (Tổng hợp)
(GDVN) - Trước sự kiện Eximbank "thâu tóm" Sacombank đang gây xôn xao dư luận, giới DN Việt đã diễn ra nhiều thương vụ sát nhập, chuyển giao đình đám.

1. Vietnam Airlines nắm giữ 70% Jetstar Pacific


Sau nhiều đồn đoán, ngày 21/2/2012, Vietnam Airlines chính thức thông báo vừa tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines từ Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo đó, VNA sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước tại JPA, trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 69.93%. Tập đoàn Qantas của Úc là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ vốn góp 27%.

Theo kế hoạch, VNA sẽ bán cho Qantas Airways 3% cổ phần theo thỏa thuận trước đây giữa Qantas Airways với SCIC đã được Chính phủ thông qua.
Ngày 21/2/2012, Vietnam Airlines chính thức thông báo vừa tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines từ Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ngày 21/2/2012, Vietnam Airlines chính thức thông báo vừa tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines từ Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Trong cùng ngày, JPA đã tổ chức họp đại hội cổ đông để thống nhất định hướng chiến lược và các giải pháp cần thiết.

Được biết, JPA sẽ được rót khoản vốn ban đầu 25 triệu đô la Úc để đổi mới đội máy bay Boeing 737 hiện tại sang đội bay Airbus A320 mới vào giữa năm 2012, cũng như mở rộng đội bay của hãng lên 15 chiếc trong một thời gian tới.

TGĐ VNA Phạm Ngọc Minh cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng kế hoạch này sẽ tạo nên sức sống mới cho JPA và mang lại cho khách hàng của hãng thêm nhiều lợi ích, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam nói chung”.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế và đại diện của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đều cho rằng: Vietnam Airlines thâu tóm thị trường, người tiêu dùng hoàn toàn bất lợi.

2. Viettel mua lại EVN Telecom

Tại cuộc họp báo chiều 19/11/2011 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho hay, đơn vị này đang có chủ trương thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành. Trong đó, trước mắt EVN Telecom sẽ chuyển giao cho Viettel.

"Riêng lĩnh vực bất động sản, chỉ có công ty con đầu tư khoảng vài tỷ đồng. Chúng tôi đang lên kế hoạch thoái vốn sớm đối với mảng ngân hàng, chứng khoán. Hy vọng 1-2 năm tới, về cơ bản sẽ thoái vốn xong", Vnexpress trích đăng lời ông Thanh nói.
"Chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel".
"Chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo Viettel và EVN Telecom tiến hành rà soát để báo cáo Thủ tướng và sẽ có quyết định chính thức trong thời gian tới.

Về việc tách sóng 3G từ EVN Telecom chưa triển khai và đó cũng chỉ là một đề nghị của EVN Telecom trước đây. "Khi chuyển giao EVN Telecom sang cho Viettel thì tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới", ông Vượng nói.

Trước đó, Vietnamobile và VTC đều muốn mua cổ phần của viễn thông điện lực. Theo phương án mà Hanoi Telecom (đối tác Việt Nam trong mạng di động Vietnamobile) đề xuất, đơn vị này xin được mua riêng phần hạ tầng, sóng 3G của EVN Telecom để triển khai tiếp (EVN Telecom và Hanoi Telecom đứng liên danh trong việc thi tuyển 3G).

Hanoi Telecom cho biết, nếu mọi nguồn lực của EVN Telecom được chuyển giao cho Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì sẽ tạo ra một hãng viễn thông sở hữu trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia. Như vậy việc chuyển giao phần băng tần của EVN Telecom cho Viettel là trái với quy định của Luật cạnh tranh, tạo ra doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam. Còn nguồn tin của VTC chia sẻ hãng đề xuất thương thảo hợp đồng mua lại 30% cổ phần của EVN Telecom với số tiền đặt cọc ban đầu là 130 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN không đề cập đến phương án bán cổ phần của EVN Telecom cho Hanoi Telecom cũng như VTC.

3. Shiseido chia tay đối tác Thủy Lộc, hàng loạt cửa hàng mỹ phẩm đóng cửa.

Những ngày qua, trên thương trường nổi lên thông tin Công ty TNHH thương mại và xây dựng Thủy Lộc (Thủy Lộc) bị đối tác của mình là Công ty TNHH Mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV) kiện ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để yêu cầu công ty này phải trả 54 tỉ đồng.
Shiseido chia tay đối tác Thủy Lộc, hàng loạt cửa hàng mỹ phẩm đóng cửa.
Shiseido chia tay đối tác Thủy Lộc, hàng loạt cửa hàng mỹ phẩm đóng cửa.

Câu chuyện làm ăn của dòng mỹ phẩm Shiseido tại thị trường Việt Nam bắt đầu từ năm 1997 khi Thủy Lộc trở thành công ty phân phối độc quyền những sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.

Trong một thời gian dài, Thủy Lộc đã phát triển được một hệ thống với 68 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó có 18 cửa hàng của 13 cá nhân (đại lý) là bạn bè, người quen góp vốn, đứng tên.

Tất cả hệ thống cửa hàng này đều do Thủy Lộc quản lý và đưa về cho cổ đông mỗi tháng một số lợi nhuận đáng kể cho đến khi SCV mua lại quyền phân phối, bán lẻ của Thủy Lộc để trực tiếp quản lý, nắm giữ.

Trao đổi với báo chí ngày 8/2, Tổng giám đốc Công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV) Tatsuki Nagao khẳng định: Chấm dứt hợp tác với Thủy Lộc, Shiseido Việt Nam không tính chuyện mua lại phần vốn góp của 13 nhà đầu tư đã đồng hành cùng đối tác đưa nhãn hàng mỹ phẩm của Nhật này tới hàng triệu phụ nữ Việt.

Hệ lụy kéo theo là hơn 20 cửa hàng có vốn góp của các nhà đầu tư này (từ 30 đến 60% vốn) đã đóng cửa, trên 200 nhân viên mất việc. "Giảm số lượng cửa hàng đồng nghĩa với việc tiếp cận khách hàng Việt bị thu hẹp rất nhiều. Song, vì lý do tranh chấp, chúng tôi không còn chọn lựa khác", ông Tatsuki Nagao nhấn mạnh.

Cửa hàng đóng cửa, sản phẩm bị niêm phong chờ phán quyết của tòa án không bán được, vốn góp lại không cách nào thu hồi về. 13 nhà đầu tư cho biết họ sẽ không chỉ kiện Thủy Lộc mà còn đưa SCV ra tòa với lý do đang ăn nên làm ra thì việc chuyển nhượng quyền điều hành, quản lý giữa SCV và Thủy Lộc khiến họ thua lỗ, đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Phía SCV cho biết sẽ "tiếp nhận các cáo buộc, SCV đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ mình, dù ở bất kỳ cơ quan phán xét nào".

4. BIDV tham gia hợp nhất 3 ngân hàng TMCP


Việc tái cấu trúc ngân hàng trong thời gian vừa qua tốn khá nhiều giấy bút của giới truyền thông.

Theo nguồn tin từ VOV, ngày 06/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã thông báo một số thông tin liên quan đến việc sáp nhập 3 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).
Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6/12 tại TP.HCM. (Ảnh: TPO)
Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6/12 tại TP.HCM. (Ảnh: TPO)

Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chỉ định tham gia toàn diện vào quá trình sát nhập ba ngân hàng theo chỉ đạo, giám sát của NHNN, đảm bảo chi trả tiền gửi của dân cư, tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn Nhà nước.

Ba NHTMCP sẽ hợp nhất có trụ sở chính tại TP.HCM là:  NHTMCP Đệ Nhất, NHTMCP Tín Nghĩa và  NHTMCP Sài Gòn.

Hội đồng quản trị của 3 ngân hàng này đã họp và thống nhất tự nguyện hợp nhất, để phát huy thế mạnh của nhau, hỗ trợ cho nhau, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tạo ra một ngân hàng mới vững mạnh hơn về năng lực quản trị, tài chính và mạng lưới hoạt động rộng hơn.

Thống đốc cam kết: "Quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp được đảm bảo, bởi thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho 3 ngân hàng này và sau hợp nhất ngân hàng này  có sự tham gia của Nhà nước".

Sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả ba ngân hàng, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước trong ngân hàng này.

Đây là 3 ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất kể từ khi NHNN công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào tháng 10/2011. Thống đốc Bình cho biết, từ nay đến hết quý I/2012, sẽ hoàn tất quá trình đánh giá lại và sắp xếp, phân loại các ngân hàng theo tình trạng sức khỏe, để có biện pháp xử lý phù hợp.

5.
Công ty Bình Thiên An thâu tóm Descon

Từ vụ Sacombank, thị trường vẫn còn chưa quên vụ thâu tóm của Bình Thiên An đối với Descon trong năm 2010, mà đến nay Descon vẫn còn bất ổn và lao đao.

Mâu thuẫn nội bộ ở CTCP Xây dựng Công nghiệp – Descon bắt nguồn từ việc nhóm cổ đông lớn do ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bình Thiên An và bà Nghiêm Bách Hương đứng đầu yêu cầu miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bảng và phó giám đốc công ty của ông Nguyễn Văn Thương.

Ông Huy và bà Hương đã 2 lần triệu tập cuộc họp HĐQT gồm 5 thành viên yêu cầu miễn nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ông Bảng và bầu bà Hương lên thay thế với lý do ông Bảng có những sai phạm trong quá trình quản lý. Tuy nhiên, trong cả hai cuộc họp, ông Bảng và ông Thương đều vắng mặt.

Trong cuộc họp lần 2, ngày 25/10/2010, 3 thành viên HĐQT Descon gồm ông Huy, bà Hương và ông Vũ Huy Hoàng, tổng giám đốc Descon, đã biểu quyết thông qua các quyết định thay đổi nhân sự, theo đó bà Hương giữ chức chủ tịch HĐQT thay ông Bảng và miễn nhiệm chức phó tổng giám đốc của ông Thương.

Tới sáng ngày 15/12/2010, Đại hội cổ đông bất thường Descon kết thúc với việc thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT.

Đa số cổ đông CTCP Xây dựng Công nghiệp – Descon (MCK: DCC) đồng ý việc miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Bảng – chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Thương, thành viên HĐQT.

2 thành viên HĐQT được bầu bổ sung 2 thành viên thay thế là ông Nguyễn Cửu Long và ông Thân Xuân Thịnh.

Với kết quả trên, "cuộc chiến quyền lực" kéo dài tại công ty Descon xem như kết thúc với phần thắng nghiêng về nhóm nắm giữ cổ phần chi phối do ông Trịnh Thanh Huy Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bình Thiên An, nắm giữ trên 50% cổ phần Descon, đứng đầu.

Khuê Hạ (Tổng hợp)