Tuyển sinh 2012: Có còn mất cân đối về cơ cấu ngành?

24/02/2012 15:00
Xuân Trung
(GDVN) - Nhận định về hạn chế trong công tác tuyển sinh năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đang có sự mất cân đối về cơ cấu ngành đào  tạo. 
Theo thống kê của 416 trường tuyển sinh năm 2011, có 248 trường tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế,Quản trị doanh nghiệp, Tài chính –Ngân hàng, Kế toán, số này chiếm tử lệ  59,62% số trường. Như vậy, chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành trên, đó là các trường thuộc khối Y- Dược, năng khiếu-nghệ thuật và một số trường sư phạm.
Cũng theo thống kê báo cáo từ các trường, tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường phân bố cho các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính –Ngân hàng, Kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu, còn lại 62% chỉ tiêu cho các ngành đào tạo khác. Cũng theo thống kê, trong khoảng 3 năm (2009-2011) số thí sinh đăng kí vào 4 ngành trên chiếm gần 41% so với tổng hồ sơ đăng kí dự thi.
Trong vài năm gần đây, tỉ lệ học sinh thi vào nhóm ngành Kinh tế tăng cao. Ảnh Xuân Trung
Trong vài năm gần đây, tỉ lệ học sinh thi vào nhóm ngành Kinh tế tăng cao. Ảnh Xuân Trung
Dự kiến, năm 2012 tỉ lệ chênh lệch này vẫn diễn ra. Theo thống kê của Báo Giáo dục Việt Nam về chỉ tiêu của một số trường ĐH lớn trong cả nước, tỉ lệ ngành Kinh tế, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh vẫn chiếm phần lớn chỉ tiêu. 
ĐH Ngân Hàng TP.HCM trong tổng số 2.650 chỉ tiêu thì dành tới 1.100 chỉ tiêu cho ngành Tài chính ngân hàng, tiếp đến là các ngành Quản trị kinh doanh (350 chỉ tiêu) và Kế toán (450 chỉ tiêu). Ở bậc CĐ chỉ tiêu cũng có phần ưu tiên chỉ tuyển ngành Tài chính ngân hàng. 
Trường Kinh tế Quốc Dân Hà Nội tỉ lệ chênh lệch này cũng thấy khá rõ, trong tổng 4.500 chỉ tiêu đào tạo năm nay, trường dành cho ngành Kinh tế tới 1.240 chỉ tiêu, tiếp đến là Quản trị kinh doanh với 800 chỉ tiêu, Tài chính ngân hàng 600 chỉ tiêu, Kế toán 400 chỉ tiêu.
Trường ĐH Ngoại thương trong 3.400 chỉ tiêu năm 2012 thì dành tới 2.500 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cũng tương tự. Với tổng chỉ tiêu 4.800, trong đó bậc ĐH 2.800 và trường dành khoảng 900 chỉ tiêu đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng và Kế toán. 
Trường ĐH Công Đoàn cũng dành cả hệ CĐ để tuyển sinh các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng và Kế toán với 200 chỉ tiêu. 
Chỉ tiêu các ngành của Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho thấy, trong 2.920 chỉ tiêu, đào tạo cơ sở tại Hà Nội là 2.340 thì ngành Kế toán (nhóm ngành Kinh tế) vẫn chiếm tỉ lệ lớn với 210 chỉ tiêu năm 2012, trong khi đó so với các ngành truyền thống của trường đào tạo ra kỹ sư như Kỹ thuật trắc địa, bản đồ chỉ vỏn vẹn 70 chỉ tiêu, Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật tài nguyên nước với 50 chỉ tiêu.
Sự mất cân đối này còn diễn ra đối với các trường không thuộc top Kinh tế như ĐH Nông lâm TP.HCM. Cụ thể, trong 5.000 chỉ tiêu đào tạo năm 2012 có 3.940 chỉ tiêu cho ĐH thì các ngành Quản trị kinh doanh chiếm 320 chỉ tiêu trong tổng số 44 chuyên ngành đào tạo ĐH. Trong đó có những khoa truyền thống lại lấy rất ít chỉ tiêu như: CN chế biến lâm sản, gồm 3 chuyên ngành (Chế biến lâm sả, CN giấy và bột giấy, Thiết kế đồ gỗ nội thất chỉ với 150 chỉ tiêu). Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Quản lý tài nguyên rừng mỗi chuyên ngành chỉ 50 chỉ tiêu.
Về tỉ lệ chênh lệch ngành nghề đào tạo trong vài năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân cho rằng, trong chỉ thị của Thủ tướng trước đó có đặt vấn đề, cần rà soát lại hệ thống GDĐH đến năm 2020, Bộ GD&ĐT cần có định hướng dự báo chỉ tiêu các ngành. Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng làm rõ việc tuyển sinh trong mấy năm gần đây có tới 60% các trường ĐH, CĐ trong cả nước tuyển sinh ngành Kinh tế, trong đó có khoảng 41% sinh viên thi vào các ngành Kinh tế, Ngân hàng, lí do và nguyên nhân do đâu.
“Chúng ta phải xem hiện tượng này có phù hợp với yêu cầu hay không, có cần điều chỉnh không. Nếu điều chỉnh thì làm sao chỉ tiêu tuyển sinh phải tự xác định được, kết hợp như thế nào” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Thí sinh có thể tham khảo chỉ tiêu các trường ĐH, CĐ khác tại đây.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2011 công tác tuyển sinh ĐH, CĐ đối với các trường đã xét tuyển cấc nguyện vọng và triệu tập được 519.332 thí sinh, so với 569.305 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 91,22%. Trong đó các trường ĐH tuyển được 288.293 thí sinh, so với 321.162 chỉ tiêu, đạt 89,76%, các trường CĐ tuyển được 231.039 thí sinh so với 247.443 chỉ tiêu, đạt 93,37%. 
Các trường đã tuyển thẳng vào ĐH 29 học sinh, các đội tuyển Olympic quôc tế các môn Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học và Sinh học, xét tuyển thẳng vào ĐH 30 thí sinh khyết tật.
Xuân Trung