Ôn thi Đại học:

Ôn thi Đại học: Bí quyết ôn thi khối C của Thủ khoa ĐH Giáo dục

28/02/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Văn, Sử ,Địa  không đơn giản chỉ là học thuộc lòng  những gì sách viết và cô dạy. Thay vì nghiền nát cuốn sách hãy hệ thống ý bằng cách gạch đầu dòng.

LTS: ĐH là kì thi lớn mang tính chất bước ngoặt trong hành trình gian khổ 12 năm đèn sách. Hầu hết các bạn học sinh cuối cấp đều có mong mỏi chung là đỗ ĐH. Đã có không ít người phải đối mặt với “thành công bị trì hoãn” ở lần đầu lâm trận do thiếu những kỹ năng ôn luyện.

Thời điểm này, trong câu chuyện phong phú của học sinh cuối cấp thường xuất hiện chủ đề chọn trường, chọn khoa, chia sẻ bí quyết học thi… rất sôi nổi và không kém phấn căng thẳng.

Báo Giáo dục Việt Nam nhận được những chia sẻ tâm huyết về kinh nghiệm chọn trường, chọn khoa và bí quyết thi ĐH khối C của bạn Nguyễn Hồng Ngọc, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, thủ khoa khối C năm 2011.

Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng nguyên văn những chia sẻ tâm huyết của Thủ khoa khối C, trường ĐH Giáo dục. Hy vọng, đây sẽ là những gạch đầu dòng hữu ích cho các bạn học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

12 năm đèn sách, bất cứ học sinh cuối cấp nào cùng khát khao được vào ĐH
12 năm đèn sách, bất cứ học sinh cuối cấp nào cùng khát khao được vào ĐH

“Chọn trường đồng nghĩa với việc chọn nghề, chọn cuộc đời. Chọn trường phù hợp với năng lực, sự yêu thích là đã đạt được 50% chiến thắng.

Chọn nghành học kĩ như chọn người yêu thì bạn càng say sưa, càng quyết tâm theo đuổi chỉ số thành công càng lớn.

Sau khi đã chọn trường rồi bạn đừng băn khoăn, trăn trở quá nhiều nữa mà hãy dành toàn bộ sức lực dốc hết vào việc học. Đừng để lãng phí thời gian!

 Có rất nhiều phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả. Tôi mạo muội đưa ra phương pháp học  và những kinh nghiệm của mình.

Trong số những môn dự thi bạn hãy xác định rõ đâu là môn mình học yếu nhất? Hãy dành nhiều thời gian để khắc phục môn đó vì thi đại học là sự tích hợp điểm của cả 3 môn. Dù bạn được 10 điểm một môn nào đó nhưng nếu môn khác điểm không tốt sẽ kéo kết quả thi xuống rất nhiều.

Ngoài ra, hãy nắm thật chắc, học thật kĩ kiến thức cơ bản trong SGK vì đó là kiến thức chuẩn nhất, cơ bản nhất của Bộ Giáo dục.

Đừng quá mải  mê với những kiến thức quá xa vời trong các sách nâng cao, sách tham khảo. Gốc rễ chung của đề thi đại học được bắt nguồn từ SGK.

Khi học bài bạn nên tập trung thật cao độ, đừng nên để bất cứ việc gì xen ngang vào. Một khi đã mở sách ra hãy quên đi những chương trình hấp dẫn, lời rủ rê của bạn bè…

Nói thì dễ nhưng thực hiện được nó quả thật không dễ dàng. Bản thân tôi cũng bị phân tán rất nhiều trong lúc học bài. Tôi đã nhiều lần soạn 1 bài văn mất 4 tiếng, đơn giản chỉ vì vừa học vừa nhắn tin với bạn bè. Tốt  nhất trong khi học bạn hãy tạm thời tắt điện thoại và thoát khỏi yahoo.

Tôi xin được chia sẻ 1 vài kinh nghiệm học các môn khoa học xã hội- môn không HOT không được thịnh hành.

Với các môn học khoa học nói chung và KHXH nói riêng bạn nên Học có chọn lọc và hệ thống.

Văn, Sử ,Địa  không đơn giản chỉ là học thuộc lòng tất cả những gì sách viết và cô dạy. Nhiều bạn kêu rằng, cảm thấy vô cùng chán nản khi học vì lan man không biết nên học phần nào, bỏ phần nào. Cách tốt nhất để khắc phục lỗi này là chịu khó lắng nghe thầy cô giảng bài và gạch chân dưới những ý chính.

Chỉ học thuôc những phần trọng tâm nhầt sau đó triển khai ý lớn  ra. Học như vậy sẽ nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn rất nhiều so với việc nghiền nát cả cuốn sách giáo khoa.

NÊN: hăng hái phát biểu bài trong lớp. Bất cứ ai trong chúng ta cũng thích được khen. Tôi cũng vậy. Một câu trả lời tốt sẽ nhận được đánh giá cao từ giáo viên. Và thậm chí có trả lời sai đi chăng nữa thì thầy cô cũng vẫn luôn khuyến khích  phát biểu xây dựng bài. Hơn thế, phát biểu trong giờ cũng là cách giúp tôi chống buồn ngủ và nhớ bài lâu hơn.

Một kinh nghiệm không thể thiếu mà tôi muốn chia sẻ thêm đó là trong khi học “Không hiểu thì  phải hỏi”. Văn cũng giống như bất kì một môn học nào khác, cũng có lúc bạn cảm thấy không hiểu và muốn được giải đáp. Đừng ngại bạn bè chê cười “Văn thì có gì mà hỏi, chém là xong” hoặc có thế mà cũng phải hỏi. Chỉ khi bạn thực sự hiểu bài thì bạn mới có thể phân tích kĩ và hay được.

Tôi cũng đã từng sợ bạn bè chê là dốt nên không dám hỏi, kết quả là u u mơ mơ chẳng hiểu gì cả . Bạn cũng nên hỏi chính bạn bè trong lớp,cùng nhau  thảo luận để học tốt hơn

Không chỉ vậy chép bài đầy đủ  là  rất quan trọng. Dù biết văn là kết quả của sự sáng tạo nhưng tôi vẫn ghi chép lời thầy cô giảng vì đó là kiến thức cơ bản nhất để hiểu và phát triển bài.

Đọc bài của người khác trong khi mình không hề ghi chép và học thì sẽ khó nắm được ý chính .

 Trong mọi phương pháp học thì “tự học” vẫn là phương pháp đúng đắn hiệu quả nhất. Nghiên cứu tìm tòi sẽ hiểu và ghi nhớ tốt hơn, phát huy được khả năng sáng tạo. Trên con đường dẫn đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Dù thầy cô có giỏi và cung cấp những kiến thức tuyệt vời đến thế nào đi chăng nữa mà bạn không chịu tiêu hoá và lĩnh hội chúng thì cũng không tốt.

Dù học thế nào đi chăng nữa thì bạn vẫn luôn luôn nhớ chăm sóc sức khoẻ. Ăn đầy đủ đúng bữa, cũng nên dành khoảng 7-8h mỗi ngày cho việc ngủ nghỉ thư giãn. Kiến thức sẽ chẳng thể vào đầu nếu bạn đang lơ mơ  buồn ngủ, càng cố bạn lại cang mệt mỏi và kiệt sức mà thôi. Hãy  trèo lên giường và làm 1 giấc thật say để đầu óc hoàn toàn tỉnh táo.

ĐỪNG: Đừng mải mê chạy sô theo các ca học thêm từ sáng sớm đến chiều tối sẽ rầt mệt mỏi.

Tôi không hề tán thành nhiều bạn học thâu đêm suốt sáng, học hành cật lực không hề ngơi nghỉ tronng khoảng thời gian nước rút. Trước ngày ra quân 1 tuần hãy để tinh thần thật thoải mái, ăn uống điêù độ cho 1 cơ thể hoàn toàn khoẻ khoắn. Đừng tự đặt mình vào áp lực, lo lắng.

 Trên đây là những phương pháp mà tôi đã áp dụng. Nó có thể quen thuộc đến rất đỗi bình dị nhưng đã giúp tôi học tốt trong những năm tháng học phổ  thông…”

Nguyễn Hồng Ngọc - Thủ khoa khối C, ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

Thu Hòe