Những hình thù kì lạ ở hang Chi Đảy

25/02/2012 08:12
Cũng giống như bao hang động khác, nhũ đá của các hang động tại đây trong quá trình kiến tạo tự nhiên chảy dài từ trên đỉnh rủ xuống.

 Tuy nhiên, hình dáng của nhũ đá ở đây rất giống đồ vật ngoài đời thực.

Từ quốc lộ 6 rẽ vào con đường đi qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, rồi tiếp tục vượt qua đèo Cà Nài khoảng hơn 15 km thì đến bản Đán (xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), hang Chi Đảy dần hiện ra trước mắt du khách với bao điều thú vị.
Thú vị vì sự hoang sơ và hệ thống nhiều hang kỳ vĩ nối tiếp nhau trên rặng núi Chi Đảy. Hang được phát hiện từ năm 2007, nên du khách rất ít biết đến ngoại trừ khách du lịch “bụi”. Hệ thống hang trên núi Chi Đảy gồm 5 hang động lớn, trong đó 3 hang được đưa vào khai thác du lịch: 2 hang nằm kề nhau, còn 1 hang nằm cách xa khoảng 100m đường núi. Hang sâu nhất khoảng 400m, hang ngắn nhất cũng khoảng 200m. Những cái hang này "mọc" ra từ độ cao khoảng trên 100m tính từ chân núi.
Những hình thù kì lạ ở hang Chi Đảy ảnh 1

Quả na ở hang Chi Đảy - Ảnh: Lê Hân

Cũng giống như bao hang động khác, nhũ đá của các hang động tại đây trong quá trình kiến tạo tự nhiên chảy dài từ trên đỉnh rủ xuống. Tuy nhiên, hình dáng của nhũ đá ở đây rất giống đồ vật ngoài đời thực. Dường như tất cả sản vật của Tây Bắc đều hiện diện trong các hang động này, từ hình trái cây như: quả na, sầu riêng... đến vườn bách thú với sư tử, hổ, hải cẩu, sứa khổng lồ… "Chi đảy" trong tiếng Thái nghĩa là "được đấy" nên người ta còn gọi là hang "Cầu gì được đấy", vì thế có nhiều người đến đây để cầu nguyện.

Đi sâu vào bên trong, hang tối dần, dưới nền đất là vô số những hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi, nên có người gọi đó là "bãi bánh trôi". Phía dưới bãi đá nhỏ này là những thửa đá có bờ, trông giống như ruộng bậc thang của người dân vùng cao. Xen giữa các gờ đá ấy là những vũng nước trong vắt, rồi đến những hình thù kỳ lạ như voi mẹ và voi con, bồn tắm công chúa, vườn khoai tây...

Có khá nhiều câu chuyện hấp dẫn tồn tại song hành cùng những bí ẩn của hang. Chẳng hạn như khi hang vừa được phát hiện, người dân thấy hai con bạch xà thường ra phơi nắng ở cửa hang; rồi có lúc người ta cố tình đánh mìn để lấp cửa hang, nhưng không tài nào lấp được...; và có một truyền thuyết kể rằng ngày xưa, khi cuộc sống của những bản người Thái đang yên bình thì bỗng trời nổi cơn cuồng phong, đưa tới một con voi trắng dữ tợn. Con vật ra sức phá hoại nhà cửa, mùa màng làm cho các bản làng đều lo sợ.

Người dân oán thán kêu trời và lập đàn tế. Các vị thần đã tạo ra một hang đá và dụ con voi trắng vào trong hang rồi xích lại, sau đó cử một đôi trăn thần khổng lồ xuống canh giữ trước cửa hang, đồng thời tạo ra một “ma trận” ngóc ngách trong hang để con voi không thể tìm đường ra ngoài...

Theo Lê Hân/Thanh niên