Việt Nam dự World Cup 2030: Chuyện nực cười

25/02/2012 14:00
NGUYÊN KHÔI (TTO)
Hầu hết chuyên gia bóng đá VN đều thẳng thắn nhận xét như thế khi nói về bản dự thảo chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được triển khai lấy ý kiến.
* Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Đúng là chuyện tức cười. Nó giống như chuyện VN chưa tự mình sản xuất được ôtô mà đã bàn chuyện bay vào vũ trụ. Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá VN mới nói đến chuyện tham dự World Cup. Có điều người ta nói, viết đề án cho đã rồi sau đó đều đi vào lãng quên. Có vẻ như bản dự thảo chiến lược lần này được những nhà soạn thảo viết nhằm đối phó với những đòi hỏi của công chúng hơn là nhìn vào thực lực của chính mình. Đó là lý do tôi không tham dự góp ý cho hội thảo tại TP.HCM vừa qua dù nhận được thư mời.
Ngay Malaysia còn là rào cản khó vượt ở AFF Cup thì tuyển VN làm sao có thể mơ đến World Cup - Ảnh: N.K.
Ngay Malaysia còn là rào cản khó vượt ở AFF Cup thì tuyển VN làm sao có thể mơ đến World Cup - Ảnh: N.K.
Các bộ cũng không tin

Trong công văn gửi Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch, Bộ Tư pháp cho rằng: “Căn cứ thực tiễn phát triển của bóng đá VN, Bộ Tư pháp nhận thấy mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể của chiến lược như đưa bóng đá nước nhà phát triển đạt tốp 10 quốc gia hàng đầu châu Á, vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 2-3 lần)...được thể hiện tại trang 2 dự thảo quyết định là những mục tiêu rất khó thực hiện”.

Còn theo Bộ Kế hoạch - đầu tư: “Đề nghị quý bộ giải trình một cách khoa học và có căn cứ mục tiêu đến năm 2020 “đưa bóng đá nước ta phát triển đạt các tiêu chí tổng hợp, ổn định ở tốp 10 quốc gia hàng đầu châu Á và châu đại dương” và chỉ tiêu “đứng trong tốp 10 châu Á (đối với bóng đá nam)” ...Với thời gian còn lại quá ngắn (tám năm) cộng với thực trạng nền bóng đá nước nhà cùng những hạn chế, yếu kém được nêu trong bản dự thảo, mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên khó có tính khả thi và chưa thuyết phục”.
Chúng ta cứ bàn chuyện đâu đâu mà không nhìn thẳng vào thực tế. Thái Lan đã 8-9 lần vô địch SEA Games và có thời điểm họ chán chẳng còn muốn chơi nữa. Còn chúng ta vẫn chưa lần nào vô địch ở sân chơi này. Dù chúng ta giờ có thể thắng Thái Lan, nhưng phải nhìn nhận trình độ của họ vẫn hơn mình. Vậy mà Thái Lan có dám đặt ra chỉ tiêu cao như VN không? Xa hơn, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các đội bóng Tây Á có khá nhiều cầu thủ đang đá ở các giải châu Âu nhưng đội tuyển của họ cũng chỉ đóng vai phụ ở World Cup.

Một nền bóng đá mạnh phải làm tốt công tác đào tạo trẻ. Không đào tạo nổi những tài năng trẻ thì đừng nói đến những chuyện phi thực tế. Chuyện xây dựng lực lượng trẻ của bóng đá VN đang trì trệ, nói nhiều hơn làm. Những năm qua việc đào tạo trẻ có chuyển biến tốt hơn nhưng cũng do các CLB tự thân là chính. Như Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal ra đời chỉ giúp CLB Hoàng Anh Gia Lai tự lực về lực lượng cho mình chứ đã nghĩ đến chuyện chuyển nhượng gì đâu.
* HLV Vương Tiến Dũng: Tuy cần phải đặt ra mục tiêu nhưng trước đó chúng ta phải xem xét thực lực của bóng đá VN thế nào. Nhìn lại bóng đá VN, tôi cho rằng đây là mục tiêu không tưởng. Chúng ta chưa vượt tầm khu vực thì nói gì đến châu Á. Bóng đá khó hơn các môn khác khi thể hình có vai trò quan trọng. Nhưng đến nay chúng ta đã làm gì để cải thiện được điều này?

Trước đây chúng ta từng đặt mục tiêu dự vòng chung kết World Cup 2018 hoặc 2020 với tư cách là nước chủ nhà. Tôi có cảm giác những nhà soạn thảo đặt mục tiêu như thế này vì sợ rằng nếu không đặt mục tiêu cao thì bị dư luận chỉ trích là làm việc không mục đích và thiếu dũng cảm. Tôi nghĩ các nhà soạn thảo hãy thực tế hơn, hãy đặt từng chu kỳ một (bốn năm/lần) để có thể thực hiện được mục tiêu dự World Cup. Chẳng hạn trong bốn năm đầu tiên, chúng ta sẽ đứng đầu khu vực. Bốn năm tiếp theo sẽ nằm trong tốp đội mạnh châu Á. Nếu không làm được thì đừng nghĩ sẽ giành vé dự World Cup.
* HLV Nguyễn Thành Vinh: Chúng ta cần phải thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện về các lứa U hiện nay mới đánh giá được bóng đá VN trong khoảng 18 năm nữa có thể dự World Cup được hay không. Nhưng với thực trạng hiện tại thì rất khó. Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải làm rốt ráo hai công việc sau:

1- Cải thiện chế độ ăn uống cho cầu thủ trẻ do các em đang được ăn rất kém. Nhiều địa phương chỉ cho các em ăn “cơm hàng cháo chợ”. Như thế thì làm gì đủ dinh dưỡng để phát triển thể hình và có đủ thể lực chơi bóng.

2- Đào tạo trẻ phải bài bản hơn. Hiện nay, hệ thống đào tạo trẻ các nơi đều có nhưng làm chưa khoa học, chưa có những tiêu chí tuyển chọn nhất định. Chúng ta đang thiếu những HLV trẻ nên thường sử dụng các HLV lớn tuổi và có bằng cấp cao. Điều này khiến các em bị đốt cháy giai đoạn nên tiến bộ rất nhanh, nhưng sau đó thì xì nhanh chóng và không thể phát triển thêm. Công tác đào tạo trẻ không tốt sẽ giết chết bóng đá VN.
NGUYÊN KHÔI (TTO)