Kỳ lạ cụ bà nghén thai “sợ” cơm, thịt đến … 46 năm

27/02/2012 14:00
Theo Giang Uyên/Infonet
Chính xác là đã 16836 ngày cụ không hề động đến một hạt cơm nào, thực phẩm thịt cũng không. Điều kỳ lạ nữa là cứ ngửi thấy mùi cơm thì cụ lại bị nôn mửa, lên cơn co giật kinh hoàng.
Thế nhưng cụ vẫn sống khỏe mạnh, năm nay cụ 94 tuổi, vẫn còn minh mẫn, trò chuyện vui vẻ với mọi người.

Trong một lần tình cờ về Nghệ An công tác, tôi nghe được một câu chuyện khá ly kỳ về một cụ bà ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, đã gần 50 năm chưa bao giờ động đến một hạt cơm nào nhưng cụ vẫn sống khỏe, sống tốt, thậm chí là khỏe hơn nhiều so với những cụ cùng tuổi.

Nghén thai “sợ” cơm, thịt đến … 46 năm

Con đường vào nhà cụ Vưng đất đá ghồ ghề, ổ voi, ổ gà chi chít, ngồi trên xe máy mà cứ có cảm giác như đang ngồi ở ghế massage...mông vậy. Rồi căn nhà của vị chủ nhân chưa từng gặp cũng hiện ra trước mắt. Ngôi nhà ba gian lợp ngói nằm nép mình bên sườn núi trông thoáng mát, yên bình.

Cụ Nguyễn Thị Vưng đã có gần 50 năm không ăn hạt cơm, miếng thịt nào
Cụ Nguyễn Thị Vưng đã có gần 50 năm không ăn hạt cơm, miếng thịt nào
Ra đón khách là một cụ già chừng khoảng trên dưới 90 tuổi. Bạn tôi nhanh nhảu: “Chào cụ Vưng, cụ khỏe chứ ạ. Cháu có người bạn muốn đến thăm cụ.”. Tôi cũng cúi đầu chào cụ một cách lễ phép.

Cụ nở nụ cười hiền hậu rồi mời chúng tôi vào nhà, uống nước chè xanh, trò chuyện cho vui. Qua câu chuyện mà cụ kể, tôi mới biết cụ chính là chủ nhân đang sở hữu thành tích có một không hai: gần 50 năm không ăn một hạt cơm, miếng thịt nào.

Cụ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Vưng (SN 1918), quê cụ trước đây ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu. Khi nhà nước có chủ trương vận động người dân đi khai hoang phục hóa mở vùng đất mới, cả gia đình cụ gồng gánh kéo nhau lên mảnh đất Nghĩa Bình này lập nghiệp.

Trong ký ức của mình, cụ bảo bản thân sinh ra vào thời điểm đất nước đang đắm chìm trong ách áp bức, nô lệ của thực dân Pháp, cũng như bao cô gái thời đó.

Lên hai tuổi, cụ đã theo người chị đi mót rễ khoai, lớn lên chút thì đi đào củ mài trên rừng, hái quả bo bo về ăn. Cuộc sống thời đó khổ, nếu như nhà địa chủ, lý trưởng thì sướng nhưng gia đình xuất thân bần nông như cụ khổ hết chỗ nói.

Thời đó có được bát cơm ăn là ước mơ không thể thành hiện thực của những người nghèo. Năm 18 tuổi cụ Vưng được gia đình gả cho một người cùng thôn, cùng hoàn cảnh. Lần lượt những đứa con của đôi vợ chồng trẻ ra đời.

Cụ Vưng khôi hài nhớ lại: “Thời đó đâu có điện, cứ trời chập choạng là đi ngủ nên không “kiềm chế” được. Đến năm 1964 thì tôi đã sinh được 7 người con. Cũng trong năm này, theo chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đi khai hoang, phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới, gia đình tôi lại dắt díu nhau lên xã Nghĩa Bình này dựng nhà, lập làng. Trước đây vùng này gọi là Nguyên Bình Sơn.

Việc cụ Vưng "đoạn tuyệt" với cơm, thịt bắt đầu từ lúc mang thai cô con gái út (trong ảnh là cụ Vưng và cô con gái út của cụ)
Việc cụ Vưng "đoạn tuyệt" với cơm, thịt bắt đầu từ lúc mang thai cô con gái út (trong ảnh là cụ Vưng và cô con gái út của cụ)
Vừa lên vùng đất mới chưa ấm chỗ thì cụ lại mang thai đứa con thứ 8 và cũng là đứa út. Sự việc kỳ lạ xảy ra với cụ từ cái đợt mang thai này. Bắt đầu từ tháng thứ 4 kể từ khi mang thai, cụ đột nhiên không muốn ăn cơm, thịt. Cứ ngửi thấy mùi hai thứ này lại nôn, mửa.

Gia đình nghĩ cụ bị nghén nên cũng không để ý mà cho đó là việc bình thường. Một ngày, hai ngày; một tháng, rồi hai tháng và nhiều tháng sau mọi người cũng không thấy cụ ăn cơm nên bắt đầu cảm thấy lo lo.

Rồi đứa con thứ 8 sinh ra mà cụ Vưng vẫn không thể nào ăn được cơm. Hằng ngày cụ chỉ ăn khoai, ngô, thực phẩm thì có cá, rau, tuyệt đối không động đến thịt, bất kỳ đó là thịt gì.

Xem cơm, thịt là … kẻ thù số một

Sau khi cụ Vưng sinh con, ở cữ xong, mọi người trong gia đình sợ cụ bị bệnh gì nên chồng, các con cụ lo lắng vội vàng đưa cụ đi khám ở bệnh viện. Từ bệnh viện Tân Kỳ, Diễn Châu rồi vào tận Vinh nhưng các bác sĩ đều lắc đầu trước “căn bệnh” kỳ lạ không ăn được cơm, thịt của cụ.

Tất cả các bệnh viện đều có chung một kết luận: “Sức khỏe bình thường, không có biểu hiện của bệnh tật”. Nghĩ rằng bệnh viện chẩn đoán chưa đúng hoặc có thể chưa tìm ra bệnh nên gia đình lại chuyển sang tìm thuốc nam cho bà.

Hễ nghe ai nói ở đâu có thầy Lang nào giỏi là gia đình lại lặn lội đưa cụ đến nhờ thầy bắt mạch, kê đơn bốc thuốc. Thế nhưng, đã đi hết những thầy được cho là giỏi nhất trong vùng thì cũng không ai tìm ra bệnh của cụ. Họ chỉ lắc đầu và phán như bệnh viện là sức khỏe bình thường.  

Không còn cách nào khác, những người con của cụ lại đành đưa cụ về nhưng trong thâm tâm vẫn lo lắng nếu cứ không ăn cơm như thế thì cụ sẽ "ra đi sớm".

Mỗi lần gia đình nấu cơm hay thịt thì cụ Vưng lại phải đi thật xa để trốn cái mùi vị của nó. Cứ ngửi thấy mùi này là cụ lại nôn, mửa, lên cơn co giật dữ dội.

Dù đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, có gần 50 năm không ăn một hạt cơm, miếng thịt nào nhưng cụ Vưng trông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn so với tuổi của mình.
Dù đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, có gần 50 năm không ăn một hạt cơm, miếng thịt nào nhưng cụ Vưng trông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn so với tuổi của mình.
Kể từ ngày xảy ra sự việc kỳ lạ mà chính cụ cũng không tin và không hiểu nổi sao mình lại bị như thế thì cụ Vưng luôn xem cơm, thịt là kẻ thù số một đối với mình. Với cụ bệnh tật, đau ốm không bằng việc cụ ngửi phải mùi cơm, thịt thì khốn khổ vô cùng.

Cụ kể lại một vài câu chuyện vui liên quan đến “căn bệnh” kỳ lạ mà cụ mắc phải cho tôi nghe. Đó là một lần cụ sang nhà hàng xóm chơi, biết “bệnh” của mình nên cụ không sang buổi gần trưa mà sang buổi 8h sáng. Cứ đinh ninh là gia đình này chưa nấu cơm trưa.

Nhưng khi vừa bước vào trước cửa nhà cụ Vưng bỗng nhiên nằm lăn ra, chân tay co giật liên hồi, miệng nôn, mửa ầm ầm. Cả gia đình hàng xóm hốt hoảng gọi con cháu sang hỗ trợ đưa bà về nằm nghỉ.

Thì ra, do sáng sớm hôm đó gia đình hàng xóm có cô con gái đi xa về. Thương con đi đường dài mệt, lại đói bụng nên bà mẹ đã nấu cơm. Không ngờ cụ Vưng lại sang đúng cái lúc cô gái đang ngồi bên nồi cơm vừa nấu xong còn bốc hơi nghi ngút. Thế là cụ lại lên cơn.

Lại có lần khác, cụ đi thăm anh em họ hàng ở quê cũ Diễn Châu. Thời đó huyện Diễn Châu tương đối phát triển, nhà anh em cụ có người mua được nồi cơm điện. Cụ Vưng xuống chơi thì lại ngồi đúng chỗ đang cắm nồi cơm.

Khi nồi cơm sôi, hơi bốc lên thì cũng là lúc cụ Vưng lại nằm lăn đùng ra “ăn vạ”. Nhà anh em chẳng hiểu chuyện gì (vì trước đây chưa nghe kể) vội vàng gọi xe cấp cứu đưa bà đi bệnh viện. Nhưng rất may là có người con của cụ đi cùng nên biết bệnh cụ và đưa vào nhà nằm nghỉ một buổi thì cụ khỏe lại.

Một điều kỳ lạ nữa là chỉ với củ sắn, củ khoai sống qua ngày nhưng sức khỏe của cụ Vưng không kém, thậm chí còn hơn những cụ cùng lứa tuổi. Điều đặc biệt, sắn, khoai, ngô, những thứ mà cụ ăn được thì cũng chỉ mình cụ nấu là cụ ăn chứ người khác nấu là cụ lại không nuốt nổi.

Và cứ như thế, cụ Nguyễn Thị Vưng đã không đụng đến một hạt cơm, miếng thịt nào trong gần 50 năm trời nhưng cụ vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Câu chuyện kỳ lạ đến mức không tưởng như vậy mà lại có thật. Dân ở vùng này coi cụ là một “dị nhân” có một không hai mang trên mình “căn bệnh” độc, lạ.

(Còn nữa)


Theo Giang Uyên/Infonet