"Tài năng và đắc dụng" đạo văn: "ĐHQG phải có trách nhiệm xử lý"

06/06/2011 04:41
(GDVN) - GS,TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước khẳng định:Cơ quan quản lý trực tiếp là ĐHQG phải có trách nhiệm xử lý sự việc.

(GDVN) - Ngày 6/6, GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước khẳng định với Báo Giáo dục Việt Nam: “Cơ quan quản lý trực tiếp là ĐHQG phải có trách nhiệm xem xét, xử lý sự việc trên”.

Liên quan đến cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của hai đồng tác giải là GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS Phạm Hồng Tung bị phát hiện "đạo văn”, GS-TSKH Trần Văn Nhung cho biết: “Hội đồng chức danh GS nhà nước sẽ chịu trách nhiệm giải quyết sự việc nếu như trong thời gian các cá nhân ứng cử là GS mà để xảy ra vi phạm. Còn sự việc này diễn ra khi các cá nhân này đang công tác ở các cơ quan trực thuộc ĐHQG. 

GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước: Cơ quan quản lý trực tiếp là ĐHQG phải có trách nhiệm xem xét xử lý sự việc trên

GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước

Trong quá trình công tác, việc các cá nhân đó có sai phạm gì thì cá nhân các cán bộ này và các cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Ở đây, hai đồng tác giải là GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (Hiệu phó trường ĐH KH Tự Nhiên) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (Phó Ban Công nghệ - ĐHQG) đều trực thuộc ĐHQG thì ĐHQG, cơ quan quản lý trực tiếp phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết những việc này".

Trước đó, ngày 3/6/2011, trao đổi với phóng viên Báo giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Nếu đúng là có chuyện đạo văn thì phải xử lý kỷ luật nghiêm… và ĐHQG phải có trách nhiệm vào cuộc để thanh tra, kiểm tra làm sáng tỏ sự việc trên”.

Ông Ngô Văn Sáu, Phó ban Quản lý nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã đánh giá về sự việc trên: “đạo văn” là “ăn cắp”. Một công trình nghiên cứu không thể cắt cúp của người này là sản phẩm của mình. Các nhà nghiên cứu bây giờ cần xem lại công trình của chính mình và phải có trách nhiệm với đề tài mình nghiên cứu.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà, Công ty Luật Hồng Hà (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), đánh giá: hành vi tự ý sao chép toàn bộ công trình khoa học của người khác và cho xuất bản dưới tên mình là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10ngày 19/6/2009, hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định tại Điều 170a: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo quy định tại Điều luật này, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Tư Khương