Nông dân Tây Nguyên “khóc” vì sắn rớt giá

29/02/2012 14:23
Theo Dân Việt
Đổ xô trồng sắn bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhiều nông dân ở khu vực Tây Nguyên đang “khóc ròng” vì sắn giảm năng suất và giá giảm mạnh.
Sắn tươi chỉ 500 đồng/kg
Những ngày này, con đường vào xã Đăk Sơ Mei (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) sắn phơi trắng cả vệ đường; sắn chất đống trước mọi hiên nhà. Với lợi thế dễ trồng, chi phí đầu tư thấp… cây sắn bao năm nay đã chiếm lĩnh phần lớn diện tích đất canh tác của xã Đăk Sơ Mei.

Toàn xã có tổng diện tích cây trồng là 1.871ha thì sắn chiếm gần 900ha, sản lượng sắn hàng năm ước tính 1.275 tấn. Năm ngoái vào dịp này, làng nào cũng nhộn nhịp tiếng xe vào ăn hàng nhưng năm nay hoàn toàn vắng lặng.

Ông A Điều - Chủ tịch Hội Nông dân xã nói rằng cây sắn đã giúp đồng bào nơi đây có cái ăn cái mặc. Nhưng vụ sắn năm nay, bà con đang phải đối mặt với một vụ mùa thất thu vì năng suất thấp. Nhưng điều đáng lo hơn hết là giá sắn lại đang tụt dốc từng ngày. Giá sắn khô từ đầu vụ ở mức 4.000/kg nhưng đến nay chỉ mới giữa vụ đã giảm còn 2.500 đồng/kg. Còn giá sắn tươi, bán nguyên củ chỉ dừng ở mức 500- 700 đồng/kg.
Biết lỗ nhưng nông dân buộc phải thu hoạch sắn
Biết lỗ nhưng nông dân buộc phải thu hoạch sắn
Giá sắn rẻ nhưng bán lại không dễ. Hầu hết các đại lý chỉ dám thu mua cầm chừng bởi giá tụt quá nhanh. Có đại lý thu mua từ đầu mùa với giá khá cao, nhưng chỉ sau 3 ngày, giá sắn đã hạ từ 2- 3 giá.

Chị Nguyễn Thị Phượng - chủ một đại lý lo lắng: “Giá sắn đang giảm từng ngày và có khả năng còn giảm nữa chứ không dừng ở mức 2.500 đồng/kg. Cứ tình hình này thì không đại lý nào dám thu mua”.

Cũng theo chị Phượng, sắn thu mua được chuyển về các kho ở cảng Quy Nhơn nhưng thời gian gần đây, các công ty thu gom sắn tại Quy Nhơn cũng đóng cửa kho. Theo đó, lượng sắn xuất đi bị các kho từ chối nhập rất nhiều.

Lỗ vẫn phải thu hoạch.

Vụ mùa năm 2011 – 2012 ước tính khu vực các tỉnh Tây Nguyên có đến hơn 300.000ha sắn. Chỉ riêng Gia Lai, theo thống kê của Sở NNPTNT, tổng diện tích trồng sắn là 63.352ha, vượt kế hoạch đề ra hơn 10.000ha, sản lượng đạt khoảng 1.015.000 tấn. Bình quân mỗi ha sắn, nông dân phải đầu tư 15 triệu đồng cho các công đoạn trước thu hoạch.

Khi được hỏi về các giải pháp đối phó với tình trạng sắn rớt giá và hỗ trợ nông dân, ông Đặng Văn Linh - Chánh Văn phòng Sở NNPTNT Gia Lai cho biết: Hiện chưa có địa phương nào của tỉnh báo cáo về tình hình mà phóng viên đề cập nên Sở chưa có giải pháp nào.

Nếu tính tiền công nhổ sắn, xắt lát phơi khô (120 – 150 nghìn đồng/ngày) thì mỗi ha sắn bán được cũng lỗ từ 3 - 4 triệu đồng. Biết lỗ nặng nhưng người trồng sắn vẫn phải bấm bụng thu hoạch để trả tiền phân bón cho các đại lý và giải phóng đất cho vụ sau.

Ông Trần Văn Nhứt - Chủ tịch UBND xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cũng cho biết: Từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, giá sắn khô ở Kon Tum liên tục giảm; từ 3.300 đồng/kg đến nay chỉ còn 2.600 đồng/kg, khiến nông dân lỗ nặng.
Theo Dân Việt