Trùm giang hồ Khánh "trắng": Sự trả giá nghiệt ngã của đàn em

02/03/2012 20:01
Theo Vũ Hoàng/Đời Sống & Pháp Luật
Khi Khánh “trắng” bị bắt giam, gần 200 con người nằm trong sự cai quản của “ông trùm” này tại Nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân (Hà Nội) ngày ấy cũng theo đó là tan tác.
Giờ, thật khó có thể rành mạch tất cả chừng đó thân phận. Chỉ biết rằng, nhiều đệ tử của Khánh “trắng” sau công tác điều tra mở rộng của cơ quan công an đã theo “ông trùm” vào khám. Một số đối tượng dạt đi nơi khác tìm đất làm ăn để rồi cuối cùng lại đưa chân vào tù. Và, một con số không nhỏ những người không bị ảnh hưởng bởi tội ác của Khánh “trắng” – tức không bị công an cho vào sổ đen – đã tìm đường mưu sinh cho mình. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm. Chưa hết, không ít người phải gánh chịu những hệ lụy của một thời không phân biệt thiện – ác, hay nói cách khác họ đang phải trả giá trước luật đời “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Không thể nhấc chân khỏi bùn đen

Khác với T “con”, T “săm”, Đ “chính ủy”, S “lùn”… Th “trọc”, L “nổ” và V “đồng” có vẻ “hợp phong thủy” với nhà tù hơn. Trong giang hồ có một quy định bất thành văn. Đã là anh em, chiến hữu, chịu ơn, nợ tình của nhau thì phải có trách nhiệm thăm nuôi bạn khi bạn ở tù. Những đàn em thân cận của Khánh “trắng” đã từng đối xử với nhau như thế. Như cách mà Khánh “trắng” đã từng làm với quân của mình khi đang là “ông chủ” của Nghiệp đoàn bốc xếp.

Theo V.M – đệ tử một thời của Khánh “trắng”, hầu hết các đối tượng đi theo Khánh “trắng” đều “xuất thân” như nhau. Tức là có tiền án, tiền sự mới được “ông trùm” chiêu nạp vào Nghiệp đoàn “làm việc”. Sau khi chịu “trách nhiệm” là vào tù cùng đợt với Khánh “trắng”, một số đàn em thân tín của Khánh đã chấp nhận thực tế là “ông trùm” đã hết thời nên khi ra tù, họ phải tự tìm việc làm, tự lo cho bản thân mình bằng cách hướng thiện. Không ít đàn em khác của Khánh vẫn tiếp tục con đường tội lỗi xưa cũ để tiếp tục vào tù lần 3, lần 4, thậm chí lần 5. Thời gian mỗi lần vào khám của đám đệ tử này chỉ một vài năm, nhưng việc liên tục ở tù thay cho ở nhà như thế khiến người ta liên tưởng tới những con người lạc lối mãi không thể nhấc chân ra khỏi vũng bùn.

Khánh "trắng" (dấu X) và đồng bọn tại tòa.
Khánh "trắng" (dấu X) và đồng bọn tại tòa.
T “con” kể: Trong số đàn em của Khánh “trắng” trước đây thì L “nổ” là một con ngựa bất kham. Tất cả anh em đều ít nhất một lần cầm dây cương, chỉ mặt, đặt tên để nó bỏ cái thói côn đồ, về với cuộc sống bình thường, biết mình là ai, mình đang đứng ở đâu… L bỏ qua tất cả lời khuyên. L “nổ” nói với giọng bất cần: “Kệ tôi, các người không đủ tư cách dạy tôi. “Đại ca” (tức Khánh “trắng”) chết là hết, tôi sống cuộc đời của tôi, không cần các người quan tâm”. Theo liệt kê của T “con”, thì L “nổ” đã vào tù hơn T “con” 3 lần. Tức T “con” ở tù 2 lần thì L “nổ” đã ở tù 5 lần.

T “con” cũng cho biết, sau khi ra tù được vài tháng, biết tin anh Khánh bị thi hành án, L “nổ” đi đêm ở khu gầm cầu Long Biên, bị đám giang hồ chíp chíp “hỏi thăm”. L “nổ” không kiềm chế được đã đánh nhau với chúng, làm một thằng bị thương với tỉ lệ thương tật 15%. Thằng bé này đang tuổi vị thành niên. Chắc chắn, chúng không biết L “nổ” là ai và càng không quan tâm gì tới cái tên Khánh “trắng”. L “nổ” tức, thế là đánh nhau. Mấy thằng chip hôi bị L “nổ” đánh, máu me đầy người. Lúc đó, L “nổ” có vẻ hả dạ lắm. Khi bị cơ quan chức năng tra hỏi thì mới té ngửa ra, làm gì có tiền mà đền, mà thương lượng. Biết tin, một số anh em vì tình xưa nghĩa cũ giúp đỡ nhưng L “nổ” không nhận, đuổi, quát anh em: “Tôi làm, tôi chịu, mặc kệ tôi với đời”. Hết thuốc chữa, L “nổ” trượt dài trong tội lỗi, dù rằng, cái lỗi đó tự mình khắc phục được, nếu như tự điều khiển được chính mình.

Vật vã làm người lương thiện

Quen được “ông trùm” Khánh “trắng” bao bọc bằng cách “chỉ đâu, đánh đấy”, nên sau khi Khánh “xộ” khám, phần lớn đám đàn em của Khánh khó tìm được việc làm độc lập, nhất là những đối tượng nhiều tiền án tiền sự. T “con” nói: “Những đàn em thân cận với Khánh chỉ có hơn chục thôi. Lúc đó họ cũng vào tù với Khánh nên chưa thấu cái nỗi khổ tìm việc của những anh em trong Nghiệp đoàn cũ. So với người bình thường, những người này có một quá khứ bất hảo hơn, nhưng họ cũng cần duy trì cuộc sống. Họ không có lỗi, đánh đồng họ với những kẻ máu mặt, quả thật, không công bằng với họ”.

T “con” bình thản bình luận: “Họ bị người đời miệt thị, xa cách là chuyện đương nhiên, còn trong giang hồ thì “giậu đổ bìm leo”. Thằng Tiến, thằng Hưng, thằng Đàn… là công nhân bốc xếp thôi, chúng chẳng ân oán giang hồ với ai. Vậy mà khi anh Khánh “đổ”, “đội mới” quản lý khu vực này (tức chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, khu bãi, gầm cầu), đã không thu nạp chúng nó. Chúng nó biết thân, biết phận đã không lai vãng đến những khu vực nhạy cảm mà chuyển sang hành nghề xe ôm, kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, họ vẫn không yên thân, vẫn phải dạt đi nơi khác sống”.

Theo T “con”: Sau khi “sự nghiệp” của Khánh “trắng” sụp đổ, tất cả “quân” của Khánh đều phải vật lộn (đúng nghĩa) với đời để mưu sinh, có người đã đến đường cùng phải chấp nhận số phận là trắng tay, có người tự cứu được mình để tìm đến sự bình an, thanh thản. Song, tất cả những con người ấy phải trải qua những đắng cay, nghiệt ngã như một sự trả giá cho lỗi lầm mà mình đã gây ra trước đây.

Tù nhân mong tránh được nghiệp chướng

“Người phương Đông làm gì cũng nghĩ đến nhân – quả” – tôi giật mình khi nghe T “con” nói đến điều này. Hóa ra, trong con người đã từng ngổn ngang những mưu đồ hiểm ác của giang hồ ấy vẫn còn một con đường cho cái thiện đi về. Quả thật, nó tương phản với những hình xăm kỳ quái trên người, trên tay T “con”. Rồi T “con” trải lòng: “Tôi vẫn là thằng đàn ông có phước lớn. Sau bao lỗi lầm, tôi vẫn có một gia đình hạnh phúc, có những đứa con ngoan và làm được những việc mình thấy là có ích cho cuộc sống hiện tại – để trả nợ cho đời. Phần lớn anh em của tôi trong Nghiệp đoàn trước đây, bây giờ đối mặt với nghiệp chướng”.

T “con” kể: Thằng oắt con nhà Đ “chính ủy” hỉ mũi chưa sạch đã đòi làm “ông trùm” nên bị chém thương tích đầy mình. Con gái Đ bỏ nhà đi bụi, bán dâm, môi giới mại dâm, chẳng biết bị bắt khi nào. Vợ Th “trọc” thì bán hết đồ đạc, tài sản rồi bỏ chồng, bỏ con đi theo trai, hết tiền, thân tàn ma dại thì quay về ăn vạ chồng, con… B thì có cái khổ chẳng giống ai.

B có một mụn con trai, đầu tư cho nó học hành nhưng không ổn, 16 tuổi đã phải vào trường giáo dưỡng. B cứ tưởng sau lần đó con mình sẽ tỉnh ngộ. Ai dè, B răn dạy nó, nó quay ra “hạch sách” bố rằng: “Ông tội lỗi đầy người, ông dạy được ai. Tôi là cái quả nhân do ông tạo nên đấy. B “sốc” đến mức phải nhập viện. Thế có đắng lòng, có uất không? B nhờ anh em đến khuyên giải “cậu trời”. Ai đến nó cũng đuổi, nó bảo: “Cháu lớn rồi, cháu tự biết phải làm gì. Việc nhà cháu, không cần bác, chú can thiệp. Mọi người thì hơn gì bố cháu mà dạy cháu”. B kêu nhiều quá, tôi phải nhờ anh em giang hồ đến dạy cho “cậu trời” bài học phủ đầu. Thằng bé có vẻ tiến bộ hơn, nhưng chẳng biết nó giả vờ hay thật. Đã vài tháng không thấy B kêu ca gì. Hy vọng, “cậu trời” ấy đã biết nghe lời”.
Tôi hỏi: “Số anh em cũ có thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ nhau không?”, T “con” bảo: “Có điều kiện là giúp, chẳng ai nề hà gì, nhưng những anh em có cuộc sống bình thường thì họ không muốn dính dáng đến giang hồ nữa. Có người còn bán nhà, bỏ đi đâu đó lập nghiệp vì không muốn ai biết đến quá khứ của mình”.
Theo Vũ Hoàng/Đời Sống & Pháp Luật